Thứ Hai, 06/02/2023 16:50

HSBC: Du lịch sẽ là ngành then chốt trong năm 2023

Báo cáo "Vietnam At A Glance: Du lịch - một phần cứu cánh" của HSBC nhận định du lịch sẽ là ngành chủ đạo trong năm 2023, nổi lên như một nguồn tăng trưởng mới để xoa dịu một số thách thức trong năm.

Sau khi mở cửa trở lại vào tháng 3 năm trước, du lịch nội địa của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ nhưng du lịch quốc tế, vốn chiếm 60% doanh thu du lịch, lại phục hồi không mấy sôi động. Mặc dù vậy, Việt Nam có những lý do chính đáng để kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại.

Theo quan điểm của HSBC, Việt Nam có thể đạt tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc quay lại từ 50-80%.

Dù ngành du lịch Việt Nam bị lu mờ bởi thành công trong lĩnh vực sản xuất, cơ hội tăng trưởng vẫn không hề nhỏ. Để hiện thực hóa tiềm năng và tăng sức hấp dẫn, giải quyết các hạn chế về chuyến bay với các thị trường lớn và nới lỏng các yêu cầu về thị thực là hai trong số các vấn đề chính. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã nỗ lực mở rộng các cơ sở lưu trú, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm tiếp tục thúc đẩy dòng khách du lịch.

Đột biến dịp Tết

Tết Nguyên Đán 2023 tới sớm đã góp phần đưa dữ liệu ngành du lịch lên mức đột biến. Mặc dù vậy, dữ liệu tiếp tục cho thấy những rủi ro suy giảm tăng trưởng và lạm phát cao. Về tăng trưởng, các chỉ số thương mại của Việt Nam tiếp tục xấu đi, mặc dù một phần do hiệu ứng cơ sở dịp Tết. Tuy nhiên, triển vọng FDI tươi sáng và nhu cầu trong nước vẫn mạnh mẽ có thể bù đắp một phần cho một số suy yếu trong lĩnh vực bên ngoài. Trong khi đó, không giống hầu hết nước khác trong khu vực, lạm phát tiếp tục gia tăng, với nhiều rủi ro hơn đối với lạm phát cơ bản.

Du lịch nội địa đã đến lúc phát triển

Trong khi một số thách thức, đặc biệt là những khó khăn thương mại, đã thể hiện rõ tác động, Việt Nam vẫn còn khả năng trụ vững. Một nguồn tăng trưởng chính sẽ đến từ du lịch. Sau khi Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, giúp Việt Nam dễ dàng vượt qua mục tiêu 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022 và thực tế đạt được trên 100 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trong khi đó, Việt Nam đón 3.6 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, chủ yếu là du khách đến từ Hàn Quốc (26%) và Mỹ (9%).

Tuy nhiên, du lịch quốc tế mới phục hồi phần nào chứ chưa hoàn toàn, với lượng khách du lịch đạt 3.6 triệu lượt, chỉ bằng 20% năm 2019. Điều đó càng nhấn mạnh tiềm năng đáng kể để mảng dịch vụ tiếp tục phát triển trong bối cảnh nhu cầu thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại. Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 102 triệu lượt khách du lịch nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu từ du lịch dự kiến tăng hơn 30%, mặc dù vẫn thấp hơn mức năm 2019. Một điểm cần lưu ý là tổng doanh thu du lịch từng cao tương đương 10% GDP vào năm 2019.

Thống kê về hành vi của du khách đến từ các thị trường chính năm 2019

Trung Quốc, nguồn khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam trước đại dịch, gần đây đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại, tạo thêm thuận lợi cho ngành du lịch đang phát triển mạnh của Việt Nam. Mặc dù quá trình phục hồi có thể diễn ra từ từ nhưng tác động với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn xét trên nhiều phương diện. Ví dụ, trước đây, trung bình khách du lịch Trung Quốc đã chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn so với hầu hết khách du lịch châu Á, mặc dù thấp hơn khách du lịch châu Âu và Mỹ. Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (30%), Việt Nam có thể là nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận “cú hích” từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc. Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, HSBC tin rằng tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc đạt 50-80% so với mức trước đại dịch (3 triệu - 4.5 triệu) là mục tiêu trong tầm với.

Quả thật, thị trường lao động phi chính thức vốn rất dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình du lịch sẽ được hỗ trợ nhiều hơn khi du lịch toàn cầu bình thường hóa thêm nữa, nhưng chúng ta cũng cần lưu tâm đến tác động của những khó khăn thương mại, tâm lý toàn cầu suy yếu và tác động của quá trình phục hồi hậu mở cửa đối với chi tiêu trong nước đang mờ nhạt dần. Tình hình lao động trong các lĩnh vực khác gắn liền với sản xuất tiếp tục trải qua áp lực, Liên đoàn Lao động gần đây đã phải nhảy vào hỗ trợ một khoản trợ cấp cho những lao động bị thiếu, mất việc làm. Trước đây, chi tiêu trong nước chiếm khoảng 40% doanh thu từ du lịch, điều quan trọng là phải xem tình hình này trong năm 2023 duy trì được tới đâu.

Bên cạnh việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, Việt Nam còn có những “cú hích” khác nữa. Trước hết, việc khai thác thêm các thị trường mới sẽ là vấn đề trọng tâm, với nhiều sáng kiến khác nhau như thực hiện các chương trình giới thiệu quảng bá du lịch để mở đường tiếp cận các thị trường mới nổi như Ấn Độ, nước có dấu ấn ngày càng tăng trong ngành du lịch quốc tế của Việt Nam. Việc đi lại dễ dàng hơn cũng tạo điều kiện cho kết nối du lịch sâu rộng hơn: Khách du lịch Ấn Độ chiếm 4% tổng số du khách của Việt Nam trong năm 2022, tăng từ mức chỉ 1% năm 2019.

Việt Nam đang xem xét nới lỏng thêm chính sách thị thực, một vấn đề Chính phủ cũng đã hối thúc. Hiện tại, Việt Nam không miễn thị thực cho các thị trường lớn bao gồm Trung Quốc đại lục, Mỹ và Úc, còn các nước châu Âu được miễn thị thực nhưng thời hạn lưu trú chỉ được 15 ngày. Rõ ràng, so với các nước khác, việc tiếp cận chế độ miễn thị thực vẫn còn tương đối chặt chẽ ở Việt Nam. Tình hình này có thể thay đổi. Các quan chức đang cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày và triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân đến từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ.

Một cách khác để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch không chỉ ở cải thiện cơ sở hạ tầng truyền thống mà còn là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Du lịch thể thao, phân khúc du lịch nằm trong tầm nhìn ngành du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cũng có thể giúp thu hút du khách thuộc nhóm có mức chi tiêu cao. Chẳng hạn, Hà Nội đã và đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch golf. Phải thừa nhận rằng thị trường còn tương đối non trẻ đồng nghĩa với tiềm năng còn nhiều cơ hội để cải thiện về tổ chức tour trọn gói và sự phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, đây là cơ hội tốt khi số lượng sân golf ở Việt Nam được dự đoán tăng gấp đôi lên 200 vào năm 2025. Cùng với các phân khúc khác đã được khoanh vùng như du lịch y tế và nông nghiệp, các dự án phát triển liên quan sẽ đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ thu hút sự quan tâm của thế giới đối với du lịch Việt Nam.

Mức độ phát triển các cơ sở vật chất phục vụ du lịch nói chung cũng rất đáng khích lệ. Đặc biệt, nguồn cung cơ sở lưu trú cao cấp tiếp tục tăng trưởng với số lượng cơ sở tiêu chuẩn 4-5 sao tăng bình quân 12%/năm trước đại dịch, theo Tổng cục Du lịch. Sau đại dịch, một số chuỗi khách sạn toàn cầu đang tìm cách tích cực mở thêm cơ sở mới tại Việt Nam, phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam trong các lĩnh vực khác chứ không chỉ trong sản xuất.

Đức Đỗ

FILI

Các tin tức khác

>   SSI Research: VN-Index có thể lên 1,100-1,125 điểm (06/02/2023)

>   FMC, SCS và PVS có gì hấp dẫn? (06/02/2023)

>   Dùng chiến lược giao dịch nào khi thị trường còn "ẩm ương"? (05/02/2023)

>   Góc nhìn tuần 06 - 10/02: Xu hướng tăng ngắn hạn đã dừng lại? (05/02/2023)

>   6 xu hướng kinh tế chính cần quan tâm trong năm Quý Mão (03/02/2023)

>   Góc nhìn 03/02: Rung lắc mạnh? (02/02/2023)

>   Ngân hàng nào sẽ được hưởng lợi từ Thông tư 26/2022/TT-NHNN? (02/02/2023)

>   VN-Index: Sự thất bại của một mẫu hình? (02/02/2023)

>   Góc nhìn 02/02: Tiếp tục giảm điểm? (01/02/2023)

>   Góc nhìn 01/02: Áp lực bán trở lại? (31/01/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật