2023 - Góc nhìn từ những yếu tố biến động kinh tế
TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM cho biết, chúng ta đang sống trong bối cảnh bất định và khó có thể dự báo chính xác so với những giai đoạn có xu hướng phát triển ổn định trước đây. Vậy nên, triển vọng kinh tế phụ thuộc vào khá nhiều biến số khó dự báo trong năm mới.
TS. Nguyễn Hữu Huân
|
Cuộc chiến giữa Nga - Ukraine sẽ tiến triển thế nào, có căng thẳng thêm hay không? Việc Trung Quốc mở cửa sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Nhìn chung, theo ông Huân, sẽ có nhiều yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam.
Về cuộc chiến Nga - Ukraine và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định, nếu cuộc chiến không có gì quá bất ngờ trong năm 2023 thì khả năng Fed vẫn giữ nguyên mức tăng lãi suất thêm 1%.
Điều này sẽ không gây áp lực quá lớn với tỷ giá của Việt Nam trong năm nay. Những yếu tố tâm lý trong năm 2023 cũng không quá căng thẳng như năm 2022 và tỷ giá sẽ ổn định hơn. Tỷ giá sẽ tăng nhưng không quá mạnh, chỉ trong khoảng 3 - 4%. Mức này tương ứng lạm phát trong khoảng 3 - 4% trong năm 2023, nếu không có quá nhiều yếu tố bất ngờ trong năm mới.
Nếu có yếu tố bất ngờ xảy ra, các mô hình dự báo sẽ không còn chính xác. Khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 7 - 7.3%, lạm phát vẫn sẽ dưới 4%.
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, lãi suất sẽ khó giảm nhanh được. Khi Fed vẫn còn tăng lãi suất thì Việt Nam sẽ khó hạ lãi suất. Nhưng nếu áp lực về tỷ giá và các áp lực khác giảm, sẽ tạo ra dư địa để cân nhắc việc giảm lãi suất.
Tuy nhiên, mong chờ việc giảm lãi suất trở về mức trước năm 2022 sẽ rất khó, chỉ có thể giảm được 1 - 2%; vì nếu Mỹ tăng lãi suất mà Việt Nam giảm lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá; dòng tiền sẽ lại có xu hướng rút ra khỏi thị trường. Việc Việt Nam vẫn phải duy trì lãi suất cao trong năm 2023 là bắt buộc. Trừ khi Fed có động thái ngưng tăng lãi suất và bắt đầu hạ lãi suất thì lúc đó Việt Nam mới có nhiều dư địa để hạ lãi suất mạnh.
TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng vẫn có khả năng lãi suất sẽ giảm trong năm 2023 và nếu điều đó xảy ra thì phải từ quý 2 trở đi, còn trong quý 1 chắc chắn lãi suất sẽ vẫn ở mức cao như hiện tại, ở cả chiều huy động lẫn cho vay.
Thêm nữa, chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn duy trì và nguồn tiền mặt trong dân chúng không còn nhiều. Hiện tại dòng tiền đang “mắc kẹt” ở bất động sản, chứng khoán cũng như trái phiếu.
Năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng cho vay vượt nhiều so với tốc độ tăng trưởng huy động, điều đó cho thấy sự khan hiếm nguồn vốn trong nền kinh tế rất lớn. Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không bơm thanh khoản mạnh ra thị trường, chắc chắn áp lực khan hiếm tiền trong nền kinh tế sẽ vẫn duy trì.
Cũng vì những yếu tố trên, ở thời điểm hiện tại, nếu xét đến tính an toàn thì chỉ có kênh tiền gửi ngân hàng, vì lãi suất cao đến 9.5%; thậm chí nhiều ngân hàng còn có điều kiện cộng lãi suất thêm, nên lãi suất có thể cao trên 10%. Đây là giai đoạn “cash is king”. 10% là mức lãi suất khó tìm ở các kênh khác trong thời điểm hiện tại.
Ví dụ như vàng hiện tại tầm 66 - 67 triệu đồng/lượng, nếu sinh lời 10% thì phải tăng lên khoảng 75 - 77 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, điều này không khả thi. Kênh tỷ giá thì đầu tư vào USD cũng không khả thi khi tăng 10%.
Chứng khoán và bất động sản có thể sinh lời cao hơn 10%, nhưng lại không hội đủ yếu tố an toàn.
Nếu nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn, có thể phân bổ danh mục đầu tư. Chẳng hạn với 100 đồng, có thể gửi ngân hàng 60 - 70 đồng, còn lại cân nhắc giải ngân vào chứng khoán hoặc bất động sản. Giai đoạn này, bất động sản đang có nhiều phân khúc giảm giá khá mạnh, thậm chí giảm đến 50%. Nếu mua bất động sản trong giai đoạn này, về dài hạn 5 - 10 năm sau thì có khả năng sinh lời.
Chứng khoán cũng vậy. Nhà đầu tư phải biết lựa chọn cổ phiếu, những doanh nghiệp có giá trị nội tại tốt, cân nhắc mua trong giai đoạn này và đầu tư cổ phiếu trong dài hạn chứ không “lướt sóng”.
Rủi ro cao thì lợi nhuận cao. Giai đoạn này, giá của tài sản tài chính đang giảm mạnh và đó là cơ hội để mua vào. “Nhưng nhà đầu tư cũng không nên tham lam quá. Việc quản lý danh mục đầu tư, phân bổ nguồn vốn thế nào cho hiệu quả, chính là một nghệ thuật”, TS. Huân nói thêm.
Cát Lam
FILI
|