Yếu tố nào ảnh hưởng ngành ngân hàng năm 2023?
Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023, VDSC kỳ vọng tổng tín dụng toàn ngành tăng trưởng ở mức 12% do yếu tố chu kỳ vĩ mô, NIM suy giảm phân hóa theo từng nhóm ngân hàng. Động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi hạ nhiệt, dẫn đến tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng ở mức thấp so với quá khứ.
Cung tiền tăng trưởng tốt hơn, lãi suất điều hành ít có khả năng gia tăng
VDSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cung tiền sẽ tốt hơn trong năm 2023 nhờ vào các yếu tố:
Thứ nhất, giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh.
Thứ hai, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt và chính sách bớt diều hâu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với mục tiêu lãi suất sẽ tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vận hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn theo hướng ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Thứ ba, mặt trái của hoạt động thương mại chậm lại là mức thặng dư thương mại có thể cao hơn, vào khoảng 12-15 tỷ USD. Đây là cơ hội để NHNN mua vào ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối sụt giảm nhanh chóng trong năm 2022, gián tiếp cung tiền đồng ra thị trường.
Báo cáo cho rằng nhu cầu tín dụng thấp hơn trong năm 2023 trong môi trường lãi suất cao cũng sẽ góp phần thu hẹp chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động, giảm áp lực lên lãi suất huy động.
Do đó, lãi suất điều hành kỳ vọng ít có khả năng gia tăng, nhưng lãi suất huy động ở các ngân hàng sẽ phân hóa, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ tăng ít, trong khi mức tăng ở nhóm tư nhân sẽ nhiều hơn nhằm thu hút tiền gửi.
Đà tăng lãi suất huy động chậm lại, song chi phí vốn dự báo tăng
Theo lộ trình chính sách thắt chặt tiền tệ đến giữa năm 2023 của Fed, VDSC cho rằng mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn duy trì ở mức cao. Do chi phí huy động thấp trong 9 tháng đầu năm 2022 và CASA duy trì mức cao, nên khi lãi suất năm 2023 neo ở mức hiện tại và tăng cục bộ ở một số ngân hàng, cùng với CASA tăng trưởng chậm, VDSC dự phóng chi phí vốn năm 2023 sẽ tăng. VDSC ước tính chi phí vốn tăng bình quân 30 điểm cơ bản so với năm 2022. Lợi suất cho vay đứng trước áp lực giảm, ít nhất trong nửa đầu năm.
Tỷ trọng tín dụng vào bất động sản sẽ giảm trong các năm tới theo định hướng kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực “tiềm ẩn rủi ro”. Trong khi lợi suất cho vay lĩnh vực này luôn cao nhất trong các ngành nghề, điều này sẽ làm giảm lợi suất cho vay bình quân. Áp lực giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng theo định hướng chính sách của NHNN trong bối cảnh nền kinh tế đi vào chu kỳ giảm, cũng sẽ tác động đến lợi suất cho vay cả hệ thống khi nhóm quốc doanh chiếm hơn 45% thị phần tín dụng.
NIM sẽ suy giảm với mức độ khác nhau giữa các nhóm ngân hàng
Năm 2023, VDSC cũng cho rằng chi phí vốn tăng nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới. Trong nửa đầu năm 2023, NIM khả năng cao vẫn suy giảm do những yếu tố trên nhưng từ giữa năm, có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.
Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng TMCP bởi nhiệm vụ “hỗ trợ nền kinh tế” trong những giai đoạn khó khăn. VDSC kỳ vọng dự thảo sửa đổi Thông tư 22, trong đó cho phép được tính một phần tiền gửi kho bạc vào cấu phần tiền gửi trong cách tính LDR sẽ sớm được thông qua. Trong trường hợp này, các ngân hàng quốc doanh có thể tối ưu được lượng tiền gửi kho bạc Nhà nước, bù đắp một phần cho sự chia sẻ gánh nặng chi phí lãi vay với nền kinh tế.
Các động lực tăng trưởng thu nhập lãi suy yếu
Tăng trưởng tín dụng giảm tốc trong môi trường vĩ mô kém thuận lợi
VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành vào khoảng 11-12% năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15.5-16% năm 2022 do nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm và quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành. Việc phân bổ hạn mức tín dụng theo mục tiêu sẽ tạo lợi thế cho một số ngân hàng, trong khi hạn chế cơ hội tăng trưởng của các ngân hàng khác. VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau, đối với những ngân hàng có một trong những yếu tố sau:
(1) Hỗ trợ ngân hàng 0 đồng.
(2) Hỗ trợ chi phí tài trợ kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay.
(3) Có bảng cân đối ít phơi nhiễm với các lĩnh vực rủi ro.
(4) Chất lượng thanh khoản của các NHTM sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn các ngân hàng cùng ngành. Theo đó, VCB, MBB, VPB, HDB có thể là những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng cao so với bình quân ngành.
Rủi ro nợ xấu và chi phí dự phòng gia tăng
VDSC cho rằng sẽ có sự gia tăng nợ xấu và chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo, do rủi ro từ vĩ mô thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành xuất nhập khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chu kỳ đi xuống của ngành bất động sản cùng những rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp. Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng triển vọng tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.
Sau đại dịch, VDSC kỳ vọng mô hình phục hồi hình chữ K của nền kinh tế sẽ tiếp tục, với nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn và cá nhân thu nhập cao phục hồi tốt. Ngược lại, khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân thu nhập thấp sẽ khó khăn hơn trong điều kiện lãi suất và lạm phát có xu hướng tăng nhanh.
Do vậy, VDSC cho rằng quy mô nợ xấu và chi phí tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng, dựa trên mức độ thận trọng của ngân hàng trong việc trích lập dự phòng và khả năng hồi phục tài chính của khách hàng.
Tóm lại, với kỳ vọng tổng tín dụng toàn ngành tăng trưởng ở mức 12% do yếu tố chu kỳ vĩ mô, NIM suy giảm phân hóa theo từng nhóm ngân hàng. Động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi hạ nhiệt dẫn đến tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng ở mức thấp so với quá khứ.
Chất lượng tài sản cả ngành trong những quý tới có thể suy giảm do chu kỳ đi xuống của ngành bất động sản và triển vọng kém tích cực của khu vực xuất nhập khẩu, chi phí tín dụng có thể gia tăng mạnh đối với nhóm có bộ đệm dự phòng mỏng, ảnh hưởng đến lợi nhuận chung cả ngành.
Dựa trên nhóm ngân hàng mà VDSC theo dõi, tổng thu nhập hoạt động năm 2023 được dự phóng ở mức khiêm tốn +10% so với cùng kỳ, khi tăng trưởng thu nhập lãi ở mức 11% so cùng kỳ và động lượng tăng trưởng thu nhập phí dần hạ nhiệt (+16%). Chất lượng tài sản suy giảm nhẹ cùng với chi phí tín dụng tăng ở mức tương đối 18%, lợi nhuận trước thuế dự phóng tăng nhẹ ở mức 6% so cùng kỳ.
Hàn Đông
FILI
|