TPS: Nếu các khó khăn vĩ mô thuyên giảm, VN-Index có thể hướng tới vùng 1,373-1,436 trong năm 2023
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn tích sản hấp dẫn với lần thứ 5 trong lịch sử. TPS nhận định vĩ mô Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn ổn định và triển vọng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong 3-5 năm tới là tích cực. Vì vậy, đây được xem là cơ hội thích hợp cho những nhà đầu tư dài hạn.
Trong báo cáo chiến lược năm 2023, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá chỉ số chung đang vận động kém hơn hiệu suất lịch sử. Thời điểm cuối năm 2022, VN-Index đang giao dịch tại mức P/E 11 lần, cách 2 lần độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm gần nhất.
Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn tích sản hấp dẫn với lần thứ 5 trong lịch sử. TPS nhận định vĩ mô Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn ổn định và triển vọng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong 3-5 năm tới là tích cực. Giai đoạn điều chỉnh mạnh này của thị trường chính là dấu chấm hết cho chu kỳ tiền rẻ trước đó, để mở ra giai đoạn mới với động lực tăng bền vững hơn từ tăng trưởng nội tại của từng doanh nghiệp. Vì vậy, đây được xem là cơ hội thích hợp cho những nhà đầu tư dài hạn.
Nguồn: TPS
|
Dẫn đầu về tiềm năng tăng trưởng EPS, định giá của thị trường Việt Nam vẫn chưa tương xứng với quy mô khu vực. So với nhóm các nước ASEAN, định giá của Việt Nam cũng nằm ở mức thấp nhất khu vực, nhưng lại đem lại dư địa tăng trưởng EPS lớn nhất và mức ROE đầy triển vọng.
Về triển vọng năm 2023, kịch bản cơ sở của TPS dự báo VN-Index sẽ giao động trong khoảng từ 1,150-1,210 điểm, tương ứng mức tăng trưởng thận trọng 5% cho cả năm.
Dưới góc nhìn lạc quan hơn, TPS kỳ vọng các khó khăn về vĩ mô sẽ thuyên giảm dần, tạo cơ sở cho các ngân hàng trung ương thế giới nâng lãi suất với tốc độ chậm lại và nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ. Qua đó kích thích hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Theo kịch bản khả quan, mức tăng trưởng toàn thị trường từ 10-15% sẽ dẫn dắt VN-Index đến vùng 1,373-1,436.
TPS đánh giá nhìn xa hơn, động lực hỗ trợ thị trường vẫn còn nguyên vẹn. Về điều kiện vĩ mô thế giới, lạm phát Mỹ có dấu hiệu tạo đỉnh giúp chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ nhẹ tay hơn. Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero-COVID sẽ giúp nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần hạ nhiệt lạm phát.
Ở trong nước, Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp được xem xét gia hạn một số quy định sẽ giúp thị trường có thời gian thích ứng và giảm rủi ro vỡ nợ TPDN. Chính sách nới room tín dụng và hỗ trợ thị trường bất động sản sẽ cung cấp thanh khoản cho nền kinh tế và thị trường bất động sản, giúp vực dậy thị trường sau giai đoạn biến động trước đó.
Kế hoạch gia tăng đầu tư công cũng sẽ tác động tích cực tới thị trường. Dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là 726,684 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2022. Đầu tư công mang tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành. Trong đó, nhóm hưởng lợi trực tiếp là xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, Luật Chứng khoán mới đã có hiệu lực và hệ thống công nghệ thông tin mới của HOSE được đưa vào vận hành sẽ giúp triển vọng nâng hạng thị trường vào FTSE 2023 trở nên thực tế hơn. Đây là cơ sở để thu hút thêm dòng tiền khối ngoại vào thị trường.
Song song đó, dòng tiền ngoại từ ETFs là động lực cho thị trường. Tính đến ngày 14/12/2022, lượng tiền huy động của Fubon FTSE mới chỉ đạt 2.1 tỷ TWD, đồng nghĩa dư địa còn gần 3 tỷ TWD để đạt được mục tiêu 5 tỷ TWD. Thêm vào đó, ngày chuyển đổi chỉ số cơ sở của VNM ETF sẽ có hiệu lực dự kiến vào 17/03/2023. Dự kiến có khoảng 100 triệu USD đổ vào thị trường Việt Nam nhờ việc này.
Đông Tư
FILI
|