Thứ Sáu, 20/01/2023 00:00

Vốn mạo hiểm cạn kiệt, các startup ở Silicon tìm đến thị trường nợ

Các công ty khởi nghiệp công nghệ lâu nay vẫn huy động vốn từ những nhà đầu tư giàu có ở Thung lũng Silion để thực hiện kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng. Tuy nhiên, họ đang rơi vào thế buộc phải thực hiện các thoả thuận huy động vốn thay thế để duy trì hoạt động kinh doanh và tránh bị giảm mạnh về định giá.

Huy động vốn trên thị trường nợ

Số lượng thương vụ đầu tư mạo hiểm sụt giảm mạnh, cùng với việc thị trường IPO yên ắng, đã dẫn đến tình trạng thiếu vốn ở nhiều công ty công nghệ tư nhân trong năm 2022.

Các startup hàng đầu đã và đang ráo riết cắt giảm chi phí, dẫn đến làn sóng sa thải nhân viên trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, theo các cuộc phỏng vấn với các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC), doanh nhân, quỹ hưu trí và nhân viên ngân hàng, ngày càng nhiều công ty cạn kiệt tiền mặt và đang tìm kiếm phương thức huy động vốn sáng tạo hơn.

Những người sáng lập đã quyết định tham gia vào thị trường nợ, như khoản vay bắc cầu, vốn chủ sở hữu có cấu trúc (cho phép nhà đầu tư mua một phần tài sản hoặc doanh nghiệp mà không cần phải sở hữu hoàn toàn), trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu dự phần (trái phiếu bán khống có lợi suất tối thiểu cố định). Những phương thức này được thiết kế để tránh down round, tức là vòng gọi vốn tiếp theo của một công ty mà giá trị của họ bị định giá thấp hơn vòng gọi vốn trước.

Khi thị trường được dự đoán tiếp tục hỗn loạn trong năm nay, một nhà đầu tư ở Sand Hill Road – được coi là “nhà” của các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Thung lũng Silicon, từ Sequoia Capital đến Andreessen Horowitz – cho rằng ngay cả người sáng lập của những công ty công nghệ có nguồn vốn tốt cũng phải đặt câu hỏi: “Chúng ta cần phải điều chỉnh những gì để có thể tồn tại lâu hơn, và làm thế nào để chúng tôi có thể huy động vốn trong giai đoạn 2023 – 2023?”.

Trong các giao dịch nợ lớn nhất trong năm 2022, phải kể tới Arctic Wolf, một công ty an ninh mạng trị giá 4.3 tỷ USD và được hậu thuẫn bởi Owl Rock Capital. Arctic Wolf đã huy động được 400 triệu USD từ trái phiếu chuyển đổi vào tháng 10/2022, gấp đôi khoản tiền công ty thu được từ đợt bán cổ phần lớn nhất của họ.

Ứng dụng giao hàng được SoftBank hậu thuẫn, Gopuff, cũng huy động được 1 tỷ USD từ trái phiếu chuyển đổi trong tháng 03/2022. Họ đang lên kế hoạch để vay thêm, dù đã huy động được hơn 2 tỷ USD trong năm 2021, với mức định giá tăng lên 15 tỷ USD hồi giữa năm.

Các giao dịch này thường đi kèm theo phí chuyển đổi, cho phép những người ủng hộ họ chuyển đổi cổ phiếu với giá cao hơn giá IPO cuối cùng. Tham gia vào những giao dịch như vậy có nghĩa là nhà đầu tư đặt cược rằng giá cổ phiếu của công ty sẽ tăng sau IPO.

Chris Evdaimon, nhà đầu tư của các công ty tư nhân tại Baillie Gifford, cho biết: “Phát hành trái phiếu chuyển đổi chủ yếu được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư hiện có, là những người đang không muốn tham gia vào các cuộc thảo luận định giá phiền phức”.

Coatue Management và Viking Global Investors, lâu nay đều tập trung vào cổ phiếu đại chúng, giờ đã bắt đầu huy động vốn để đầu tư vào các giao dịch vốn cổ phần có cấu trúc của startup từ đầu năm ngoái. Trong đó, Coatue đang đặt mục tiêu huy động 2 tỷ USD cho quỹ của mình.

Các thương vụ đầu tư mạo hiểm đã giảm 42% so với cùng kỳ trong 11 tháng đầu năm 2022, xuống còn 286 tỷ USD, theo số liệu từ công ty dữ liệu đầu tư Preqin. Công ty luật Cooley ở Silicon cũng cho biết tổng giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm giai đoạn cuối mà họ tư vấn giảm gần 80% trong năm ngoái.

Sự sụt giảm này xuất phát từ các yếu tố như cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, môi trường kinh tế vĩ mô không chắc chắn và lãi suất tăng. Cùng với đó, các đợt IPO cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, cắt đứt nguồn huy động chính cho các công ty tư nhân trưởng thành và những nhà đầu tư hậu thuẫn cho họ.

Ravi Viswanathan, người sáng lập New View Capital, cho biết: “Năm 2023, tình hình sẽ gặp khó khăn hơn. Sẽ đến lúc ngay cả những công ty có đủ vốn cho 18 - 24 tháng cũng phải huy động vốn”.

Khắp Sand Hill Road, các quỹ VC đã xem xét danh mục đầu tư của họ và cảnh báo với những người sáng lập rằng thị trường vốn có thể đóng cửa trong một năm nữa và khuyến nghị họ nên chuyển chiến lược từ tăng trưởng sang tồn tại.

Gặp khó khăn nhất trong việc huy động nguồn vốn mới là những công ty làm ăn thua lỗ trong các lĩnh vực thâm dụng vốn như sản xuất pin hoặc robot.

Một nhà đầu tư công nghệ tổ chức cho biết: “Nếu bạn đã huy động được một số tiền lớn với mức định giá không xứng đáng, bạn có thể đã cảm thấy mình làm rất tốt với tư cách là người sáng lập hoặc thành viên ban giám đốc. Song, những thứ đó lại đang quay ra đánh bại bạn”.

Thế tiến thoái lưỡng nan trong định giá

Việc tìm kiếm các lựa chọn sáng tạo để huy động vốn nhằm bảo vệ định giá của công ty giờ đang trở thành chiến lược lạc hậu, theo nhà quản lý tại một quỹ hưu trí lớn chuyên đầu tư vào công nghệ.

Một số công ty đang thuyết phục các nhà đầu tư hiện tại bỏ thêm vốn với mức định giá tương tự như lần huy động vốn trước đây của họ, hay còn gọi là sideways round, nhưng với các điều khoản kinh tế cơ bản ít có lợi hơn cho công ty.

Một nhân viên ngân hàng đầu tư cho biết khi các công ty trở nên tuyệt vọng, thì họ phải chấp nhận đưa ra những điều khoản như vậy. Những điều khoản này nhìn bề ngoài là chấp nhận mức định giá hiện tại của công ty, nhưng phải chứng minh được là có lợi hơn cho các nhà đầu tư mới. Các nhà đầu tư mới sẽ mua cổ phần với mức định giá tương đương lúc trước, song họ muốn được tăng thâm niên và được ưu tiên khi công ty rơi vào cảnh bị bán hoặc phá sản.

Tonal Systems, công ty phát triển các thiết bị thể dục thông minh, đã đạt được thỏa thuận gọi vốn như vậy vào đầu năm 2022, theo hồ sơ công ty được Wall Street Journal tiếp cận.

Cấu trúc này lại có vẻ bất công với các cổ đông hiện hữu của công ty. Tuy nhiên, đó là một sự đánh đổi, hoặc chấp nhận bị định giá thấp hoặc chấp nhận đưa ra những điều khoản trên, thứ có thể tạo ra xung đột giữa các cổ đông, thậm chí xoá sạch giá trị của các nhân viên hiện tại.

Ngược lại, một số công ty chấp nhận định giá lại vốn chủ sở hữu của chính họ để cải thiện tiềm năng tăng giá cổ phiếu của nhân viên.

Ứng dụng giao hàng Instacart đã cắt giảm định giá nội bộ lần thứ ba xuống còn 13 tỷ USD vào tháng 10/2022, giảm từ 39 tỷ USD vào năm 2021. Tương tự, Checkout.com, công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị nhất châu Âu, đã giảm định giá nội bộ của mình xuống còn khoảng 11 tỷ USD sau khi tăng định giá lên 40 tỷ USD vào tháng 01/2022.

Cắt giảm định giá nội bộ - khác với định giá do nhà đầu tư xác định — mang lại lợi ích cho nhân viên bằng cách giảm giá cổ phiếu công ty của họ. Điều này giúp nhân viên kiếm được nhiều lợi nhuận hơn nữa trong các giao dịch trong tương lai, chẳng hạn như đợt IPO.

"Chúng tôi đang nói với các công ty trong danh mục đầu tư của mình rằng họ không nên quá bám víu vào mức định giá mà họ đã có cách đây vài năm, đặc biệt là khi thị trường đã bị thổi phồng bất thường", một quỹ đầu tư trên Sand Hill Road cho biết.

Kim Dung (Theo FT)

FILI

Các tin tức khác

>   Doanh nhân từng giàu nhất Trung Quốc bị bắt (12/01/2023)

>   Jack Ma tiếp tục từ bỏ quyền kiểm soát công ty phần mềm trong hệ sinh thái Ant Group (11/01/2023)

>   Jack Ma đang nghiên cứu công nghệ canh tác ở Thái Lan (10/01/2023)

>   Những dự đoán có độ chính xác đến khó tin của tỷ phú Warren Buffett (10/01/2023)

>   Tỷ phú Jack Ma từ bỏ quyền kiểm soát Ant Group (07/01/2023)

>   Jack Ma xuất hiện tại Bangkok (06/01/2023)

>   Người Trung Quốc này trở thành giám đốc quyền lực thứ hai của Tesla sau Elon Musk (04/01/2023)

>   Những người giàu nhất thế giới mất 1,400 tỷ USD trong năm 2022 (01/01/2023)

>   Lời khuyên đơn giản của Mark Cuban dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp (30/12/2022)

>   Elon Musk, Mark Zuckerberg và những tỷ phú công nghệ tệ nhất năm (29/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật