Chủ Nhật, 01/01/2023 09:00

Những người giàu nhất thế giới mất 1,400 tỷ USD trong năm 2022

Đối với đại đa số người giàu nhất thế giới, năm 2022 có lẽ là một năm đáng quên, khi gần 1,400 tỷ USD bị xoá sổ khỏi khối tài sản riêng của 500 người giàu nhất thế giới, một con số lớn đáng kinh ngạc, theo Bloomberg Billionaires Index.

Hàng loạt sự kiện gây chấn động thế giới là nguyên nhân khiến giới tỷ phú “nghèo” đi trong năm nay: từ vụ biển thủ tiền của khách hàng của “thần đồng tiền điện tử” một thời Sam Bankman-Fried dẫn tới việc sàn giao dịch FTX phá sản, tới cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine khiến hàng loạt doanh nghiệp khổng lồ và tỷ phú nước này bị trừng phạt, rồi tới thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk khiến tài sản của ông giảm 138 tỷ USD so với đầu năm.

Cùng với đó là lạm phát toàn cầu gia tăng và các ngân hàng trung ương mạnh tay tăng lãi suất.

Tất cả trở thành cú sốc lớn đối với nhóm tỷ phú có tài sản tăng vọt đến mức khó tin trong thời kỳ kiếm tiền dễ dàng trong đại dịch COVID-19. Chỉ riêng Elon Musk, Jeff Bezos, Changpeng Zhao và Mark Zuckerberg đã chứng kiến tổng tài sản ròng của họ bốc hơi khoảng 392 tỷ USD.

Tuy nhiên, đó không phải là tin xấu đối với toàn bộ tầng lớp tỷ phú. Gautam Adani của Ấn Độ đã vượt qua Bill Gates và Warren Buffett về tài sản, trong khi một số gia đình giàu có nhất thế giới, như Kochs và gia tộc Mars, cũng gia tăng thêm tài sản của họ.

Dưới đây là danh sách 10 tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes tính đến ngày 30/12:

Bernard Arnault là người điều hành đế chế hàng hiệu LVMH với hơn 70 thương hiệu thời trang và mỹ phẩm, như Louis Vuitton, Christian Dior và Tiffany & Co. LVMH hiện có vốn hóa 365.7 tỷ EUR - lớn nhất châu Âu. Đầu năm nay, tập đoàn này nâng giới hạn tuổi cho CEO, cho phép Arnault tại nhiệm đến năm 80 tuổi.

Theo Bloomberg Billionaires Index, phần lớn tài sản của ông Arnault đến từ 97.5% cổ phần trong Christian Dior. Công ty này nắm giữ 41% cổ phần LVMH. Gia đình Arnault cũng nắm thêm 6% cổ phần của LVMH.

Vào ngày 13/12, giá trị tài sản của ông Arnault vượt qua tỷ phú Elon Musk. Đế chế của ông Arnault ít bị ảnh hưởng bởi những gì diễn ra trên thế giới trong năm 2022, với tổng tài sản chỉ giảm khoảng 16 tỷ USD, nhờ nhu cầu tiêu thụ hàng xa xỉ vẫn tăng mạnh kể cả khi đại dịch COVID-19 đã hạ nhiệt. Đây cũng là lần đầu tiên ông chủ đế chế kinh doanh hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH giữ ngôi giàu nhất thế giới.

Tỷ phú Elon Musk mất ngôi giàu nhất thế giới vào tay nhà tài phiệt thời trang người Pháp Bernard Arnault từ khoảng giữa tháng 12/2022. Trong khi đế chế của ông Arnault gần như “miễn nhiễm” với những cơn gió ngược của năm 2022 thì ông Musk lại mất tới hơn 138 tỷ USD do làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ và đặc biệt là do thương vụ mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD.

Đóng góp phần lớn cho tài sản của ông Musk là Tesla và SpaceX. Vị tỷ phú sở hữu khoảng 25% cổ phần tại hãng xe điện của mình, nhưng ông đã thế chấp hơn một nửa số cổ phiếu trong đó để vay nợ nhằm thanh toán cho thương vụ mua lại Twitter. Cùng với đó, việc ông Musk liên tục bán ra cổ phiếu Tesla cũng khiến giá cổ phiếu của hãng xe điện lao dốc, giảm gần 70% kể từ đầu năm tính tới ngày 29/12.

Sau khi mua Twitter và biến mạng xã hội này thành công ty tư nhân, ước tính, ông Musk sở hữu khoảng 74% cổ phần của công ty này. Trong khi đó, SpaceX, được thành lập vào năm 2002, hiện được định giá 127 tỷ USD sau vòng gọi vốn vào tháng 5/2022.

Gautam Adani trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy của Ấn Độ khi ông có đôi lần trở thành người giàu nhất thế giới. Ông Adani là Chủ tịch của Tập đoàn Adani Group, nhà sản xuất và thương mại than lớn nhất Ấn Độ. Ông cũng là người kiểm soát cảng Mundra, cảng biển lớn nhất của Ấn Độ. Đây cũng là lần đầu tiên một tỷ phú châu Á có thể vươn lên vị trí cao như vậy trong bảng xếp hạng của Forbes.

Việc ông Adani có thể đôi lần chạm tới ngôi giàu nhất thế giới là nhờ cổ phiếu của Adani Group tăng mạnh trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine làm tăng nhu cầu than của thế giới. Giá cổ phiếu của Adani Enterprises, công ty kinh doanh hàng hoá được niêm yết của Adani Group, đã tăng gần 125% trong năm qua.

Tuy nhiên, hiện nay, tập đoàn của ông có tham vọng trở thành doanh nghiệp sản xuất năng lượng xanh lớn nhất thế giới. Adani cho biết ông sẽ đầu tư 70 tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Ngoài ra, đế chế của ông cũng đang sử dụng đòn bẩy để nhanh chóng đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh sang cảng biển, trung tâm dữ liệu và đường cao tốc.

Được biết đến là “Nhà tiên tri xứ Omaha”, ông Buffett tới nay vẫn được xem là một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại. Tập đoàn Berkshire Hathaway của ông hiện sở hữu hàng chục công ty nổi tiếng, từ nhà bảo hiểm Geico, tới nhà sản xuất pin Duracell, hay chuỗi nhà hàng Dairy Queen.

Trong năm nay, Berkshire đã có một số quyết định đầu tư đáng chú ý như đầu tư vào TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, gia tăng sở hữu tại công ty dầu khí Occidental Petroleum, bán cổ phiếu của hãng xe điện Trung Quốc BYD. Đến cuối tháng 9/2022, gã khổng lồ đa ngành này còn giữ núi tiền mặt gần 109 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 105.4 tỷ USD hồi cuối tháng 6.

Ông Buffett đã cam kết quyên góp hơn 99% tài sản của mình. Cho đến nay, ông đã quyên góp hơn 49 tỷ USD cho hoạt động từ thiện, chủ yếu là vào quỹ từ thiện Gates Foundation và quỹ từ thiện của các con ông.

Tiếc nuối nhất trong giới tỷ phú năm nay có lẽ là ông Jeff Bezos, người giữ ngôi giàu nhất thế giới trong phần lớn năm nay, cuối cùng lại bị nhiều cái tên khác vượt mặt.

Ông chủ của Amazon Inc. hiện sở hữu chưa tới 10% cổ phần của công ty thương mại điện tử này, song, giá cổ phiếu của Amazon đã giảm hơn 50% kể từ đầu năm 2022 đến nay, ghi nhận năm tồi tệ nhất hơn hai thập kỷ qua. Nguyên nhân là làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ lan rộng, nhu cầu mua sắm trực tuyến sụt giảm và thế giới lo ngại nguy cơ suy thoái.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng 11/2022, ông Bezos cho biết sẽ cho đi phần lớn tài sản của mình. Trong năm nay, ông đã quyên tặng số cổ phiếu trị giá hơn 400 triệu USD cho các tổ chức phi chính phủ.

Tính đến tháng 3/2020, thời điểm mà ông Gates rời HĐQT của Microsoft, ông sở hữu khoảng 1.3% cổ phần của công ty phần mềm và điện toán đám mây này. Vị tỷ phú biến những gì ông có được từ Microsoft thành các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh. Ngoài ra, một phần tài sản được quản lý bởi Cascade Investment, quỹ đầu tư đang nắm giữ cổ phần tại hàng chục công ty niêm yết như Canadian National Railway, Deere hay Ecolab.

Là một người sáng lập của Gates Foundation, ông đã quyên góp hơn 59 tỷ USD cho quỹ từ thiện này, trong đó bao gồm số tiền 20 tỷ USD được công bố vào tháng 7/2022. Phần lớn khoản quyên góp trước đây của ông là dưới dạng cổ phiếu của Microsoft.

Microsoft ghi nhận doanh thu năm 2022 là 198 tỷ USD, với giá cổ phiếu giảm 28%. Công ty này vừa đạt được thoả thuận đầu tư vào Sàn giao dịch Chứng khoán London cũng như cung cấp giải pháp điện toán đám mây cho hệ thống dữ liệu và phân tích của sàn giao dịch này. Doanh thu từ mảng điện toán đám mây được kỳ vọng sẽ tăng lên nhờ thoả thuận trên.

Ông Ellison là chủ tịch, giám đốc công nghệ và đồng sáng lập của “gã khổng lồ” phần mềm Oracle. Ông hiện sở hữu hơn 40% cổ phần của công ty này và cũng là cổ đông lớn nhất. Ngoài ra, ông cũng đầu tư vào Tesla và có ghế trong HĐQT của hãng xe điện này từ tháng 12/2008 tới tháng 8/2022. Ông vẫn đang sở hữu khoảng 15 triệu cổ phiếu của Tesla.

So với nhiều cổ phiếu công nghệ khác, giá cổ phiếu của Oracle trong năm nay giảm nhẹ hơn, với 7.4%. Trong lĩnh vực phần mềm, Oracle tăng trưởng trong thời gian gần đây nhờ sáp nhập các công ty phần mềm, trong đó, thương vụ lớn nhất là mua lại công ty Cerner trị giá 28.3 tỷ USD trong năm 2021.

Ông Ambani là một cái tên đáng chú ý khác của Ấn Độ nổi lên trong giới tỷ phú năm nay. Ông là chủ tịch kiêm CEO của Reliance Industries, một tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực hoá dầu, dầu khí, viễn thông và bán lẻ, và cũng là chủ sở hữu của khu phức hợp lọc dầu lớn nhất thế giới. Ông cũng đang chuyển hướng Reliance sang năng lượng xanh, giống với đế chế của ông Adani. Công ty này cho biết sẽ đầu tư 80 tỷ USD trong 10 – 15 năm tới vào năng lượng tái tạo và xây dựng một khu phức hợp mới bên cạnh nhà máy lọc dầu của họ.

Cùng với đà tăng của giá nhiên liệu trong năm nay do xung đột Nga – Ukraine, giá cổ phiếu của Reliance tăng 6.6%.

Ông Slim hiện là người giàu nhất Mexico khi ông và gia đình là chủ sở hữu của América Móvil, công ty viễn thông di động lớn nhất châu Mỹ Latin. Ông cũng đang sở hữu cổ phần tại nhiều công ty xây dựng, hàng hoá tiêu dùng, khai khoáng và bất động sản ở Mexico, đồng thời nắm giữ 17% cổ phần của The New York Times.

Ông Slim và gia đình nắm giữ 79% cổ phần của Grupo Carso, một trong những tập đoàn lớn nhất châu Mỹ Latin. Và số cổ phần này đóng góp hơn 8% vào khối tài sản ròng của ông.

Ông Ballmer là CEO của Microsoft từ năm 2000 đến năm 2014. Mặc dù rời ghế CEO vào năm 2014, song ông vẫn đang là cổ đông của công ty phần mềm lớn nhất thế giới này. Ngoài ra, ông cũng là chủ sở hữu của đội bóng rổ L.A. Clippers sau thương vụ trị giá 2 tỷ USD cũng vào năm 2014.

Năm 2018, ông đầu tư 59 triệu USD vào Social Solutions, công ty sản xuất phần mềm cho các tổ chức phi chính phủ và cơ quan chính phủ. Ông cũng đẩy mạnh hoạt động quyên góp từ thiện từ năm 2014, chủ yếu nhằm giúp người dân Mỹ thoát khỏi nghèo đói.

Kim Dung - Thiết kế: Thu Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Lời khuyên đơn giản của Mark Cuban dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp (30/12/2022)

>   Elon Musk, Mark Zuckerberg và những tỷ phú công nghệ tệ nhất năm (29/12/2022)

>   Tỷ phú tự thân chia sẻ về kỹ năng quyết định 90% thành công của người trẻ (31/12/2022)

>   Mở rộng điều tra vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (28/12/2022)

>   Tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất năm 2022 (28/12/2022)

>   Startup fintech được Ant Financial hậu thuẫn huy động 200 triệu USD từ MUFG (28/12/2022)

>   5 tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất năm 2022 đều đến từ châu Á (27/12/2022)

>   Các tỷ phú mất gần 2.000 tỷ USD trong năm 2022 (24/12/2022)

>   Xiaomi thay Chủ tịch, sa thải 10% nhân sự (23/12/2022)

>   Elon Musk mất 142 tỷ USD trong năm nay (22/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật