Vỉa hè mãi chờ... giải cứu!
Những ngày đầu năm 2023, dạo qua một vòng những tuyến phố "nóng" về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội, có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng chưa được cải thiện dù đã có chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền thành phố.
Vào trung tuần tháng 12-2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ ôtô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng, lún nứt hè phố, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trong tháng 12-2022. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các phương tiện ôtô tải trọng lớn đi trên hè phố, các hành vi dừng, đỗ xe trên hè phố không đúng quy định, các công trình xây dựng có hoạt động thi công làm hỏng kết cấu hè phố, các điểm tập kết vật liệu xây dựng trên hè phố không được cấp phép.
Những chỉ đạo của chủ tịch thành phố được đưa ra khi mà việc lấn chiếm và sử dụng sai mục đích vỉa hè ở Hà Nội là vấn đề nan giải từ nhiều năm nay bất chấp các biện pháp, có cả biện pháp từng được xem là mạnh của chính quyền thành phố. Đặc biệt, việc báo chí đồng loạt lên tiếng về tình trạng đá lát vỉa hè có "độ bền 70 năm" đã hư hỏng, vỡ nát trên nhiều tuyến vỉa hè dù mới được đưa vào sử dụng vài ba năm như là giọt nước tràn ly khiến chính quyền TP Hà Nội một lần nữa lại phải vào cuộc... giành lại vỉa hè.
Đã có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, phân tích, trong đó việc xe máy đi lên vỉa hè và ôtô dừng, đỗ trên vỉa hè được xem như là một trong những nguyên nhân chính. Bởi thế, cấm dừng đỗ ôtô trên vỉa hè gây hư hỏng là việc không chỉ nên mà lẽ ra phải cấm triệt để. Dư luận đã liên tục lên tiếng với sự bức xúc trước tình trạng vỉa hè hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng, phải sửa chữa, thay thế chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng.
Ngoài đi xe máy, dừng, đỗ ôtô còn có muôn hình vạn trạng kiểu xâm hại vỉa hè như chiếm dụng để sử dụng riêng, làm nơi buôn bán… dẫn tới nhiều hệ lụy. Điều này gây cản trở, "đẩy" người đi bộ xuống lòng đường, đồng thời khiến ngân sách phải chi thêm khoản tiền để duy tu, sửa chữa trong khi tiền thu được từ kinh doanh chảy vào túi cá nhân, nhóm người. Đây là sự bất công, gây bức xúc cho người dân, công luận.
Trước yêu cầu mới nhất về việc đòi lại vỉa hè tháng 12-2022 vừa qua, Hà Nội từng mở nhiều cuộc ra quân, chiến dịch "giải cứu", giành lại vỉa hè thậm chí còn mạnh mẽ, quy mô hơn nhiều. Tuy nhiên, cuối cùng đâu lại vào đấy. Nguyên nhân được cho ngoài sự thiếu quyết liệt, kiên trì còn do không đưa ra giải pháp tổng thể, khả thi. Vì thế, nếu không làm được như vậy, nhiệm vụ "giải cứu" vỉa hè ở Hà Nội xem ra còn gian nan và chưa biết lúc nào mới hoàn thành.
Phan Đăng
Người lao động
|