Thời đại “tiền rẻ” kết thúc, thị trường tài chính thế giới 2023 sẽ tiếp tục dậy sóng
Từ cổ phiếu đến trái phiếu, từ bất động sản đến tiền điện tử, không có lĩnh vực tài chính nào đã, đang và sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn do chính sách tăng lãi suất gây ra.
Sự sụp đổ của tiền rẻ và hệ lụy
Tiền rẻ là một trong những yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng về tài sản cũng như sự bùng nổ của giao dịch đầu cơ hay các khoản đầu tư “lạ” như cổ phiếu meme hay NFT. Song, thời đại tiền rẻ đã đột ngột kết thúc vào năm 2022 sau 14 năm tồn tại và nhường chỗ cho tiền đắt.
“Cái chết” này được cho là do lạm phát gia tăng buộc các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới phải mạnh tay tăng lãi suất lên mức cao nhất 15 năm qua.
Thời đại tiền rẻ kết thúc đã gây ra hỗn loạn trong thế giới tài chính, nổi bật nhất là ở thị trường cổ phiếu Mỹ với đợt sụt giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Và nó cũng đặt dấu chấm hết cho thứ được gọi là “Fed put”, một thuật ngữ thường được sử dụng trong thị trường tài chính để mô tả niềm tin rằng Fed sẽ luôn can thiệp bằng chính sách tiền tệ phù hợp để thúc đẩy các thị trường, đặc biệt là thị trường cổ phiếu Mỹ nếu giá rơi quá nhanh.
Sự sụp đổ của thời đại tiền rẻ cũng gây ra xáo trộn tương tự trên thị trường trái phiếu, với khoản lỗ lớn nhất lịch sử. Ngay cả các trái phiếu không bị ảnh hưởng lạm phát của Bộ Tài chính Mỹ, hay được gọi là TIPS với mục đích bảo vệ các khoản tiết kiệm của nhà đầu tư nhỏ lẻ khỏi tác động của lạm phát, cũng giảm gần 12% trong năm 2022.
Tâm lý tuyệt vọng đã lan sang cả thị trường tiền điện tử khiến loại tài sản này mất 70% giá trị trong năm 2022. Tuy nhiên, với những chuyên gia tài chính truyền thống, nỗi kinh hoàng của thế giới tiền điện tử lại là điều đáng xảy ra.
Sang năm 2023, rõ ràng là sự đau thương sẽ tiếp diễn khi giới đầu tư chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư đều phải đối mặt với một chế độ đầu tư mới, chế độ mà mới chỉ vài người từng trải qua. Ngay cả khi hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới gần như đã hoàn tất việc tăng lãi suất, thì ảnh hưởng của thời kỳ tiền đắt đỏ mới chỉ bắt đầu làm lung lay các nền tảng của thế giới tài chính.
Đối với những người tham gia thị trường bình thường, 2023 sẽ là năm đầu tiên họ phải điều hướng danh mục trong một môi trường không bị chi phối bởi tiền rẻ và thanh khoản dồi dào.
Thị trường nhà ở tại Mỹ đã bắt đầu xấu đi sau khi lãi suất cho vay thế chấp tăng gấp đôi vào năm ngoái, với doanh số bán nhà mới giảm từ mức cao nhất (hơn 1 triệu nhà mỗi tháng) vào tháng 08/2020 xuống còn 640,000 vào tháng 11/2022 và doanh số bán nhà cũ hàng tháng giảm một phần ba. Sự đau thương có thể mới bắt đầu đối với thị trường nhà ở, với giá nhà dự kiến giảm trong cả năm nay và ghi nhận năm giảm đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
Thị trường cổ phiếu dự báo còn biến động mạnh ít nhất trong nửa đầu 2023
Song song với “cái chết” của tiền rẻ là sự sụp đổ của TINA, tức là lời khuyên không có sự lựa chọn nào khác ngoài cổ phiếu khi lãi suất chạm đáy. Thị trường cổ phiếu được dự báo tiếp tục giảm và giá tiếp tục biến động mạnh ít nhất là trong nửa đầu năm 2023.
Theo ước tính trung bình của các chiến lược gia Phố Wall được Bloomberg theo dõi, S&P 500 sẽ kết thúc năm 2023 ở mức 4,078 điểm, tăng khoảng 6% cho cả năm. Với mức tăng đó, S&P 500 sẽ chỉ có thể trở lại mức được ghi nhận vào đầu tháng 12/2022.
Cùng với những rủi ro mới mà chính sách tăng lãi suất gây ra trong năm 2023, cũng sẽ có những cơ hội.
Lợi suất trái phiếu đang trở nên hấp dẫn?
Trái phiếu, kênh đầu tư thay thế cho cổ phiếu đã bị bỏ quên từ lâu, đang mang lại mức lợi suất hấp dẫn. Vì vậy, các chuyên gia trên Phố Wall khuyên nhà đầu tư nên tăng nắm giữ trái phiếu nhiều hơn so với những gì họ có trong vài năm qua. Như các chiến lược gia tại UBS AG lưu ý, đã đến lúc phải suy nghĩ lại về các chiến lược truyền thống như phân bổ 60% vốn vào cổ phiếu và 40% vào trái phiếu. UBS khuyên: “Danh mục đầu tư cổ phiếu – trái phiếu được khuyến nghị giờ là 35 - 65 hơn là 60-40.
Lợi suất trái phiếu trở nên hấp dẫn sau đợt bán tháo trong năm 2022, điều chưa từng có trong lịch sử hiện đại.
Chỉ số Trái phiếu Chính phủ Mỹ do Bloomberg theo dõi chỉ trải qua 6 năm giảm điểm kể từ khi bắt đầu vào năm 1974. Mức giảm 12% của năm ngoái gấp ba lần năm tồi tệ nhất trước đó, tức là năm 2009 với mức giảm 3.57%. Chỉ số Bloomberg US Aggregate Index, theo dõi trái phiếu doanh nghiệp Mỹ được xếp hạng đầu tư, trái phiếu có tài sản thế chấp và trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản, cũng chỉ có 5 năm giảm trong lịch sử kể từ năm 1977. Trong năm 2022, chỉ số này đã giảm 13%.
Trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư, hiện có lợi suất gần 6%, có vẻ đặc biệt hấp dẫn vì chúng tương đối không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, theo các chiến lược gia của Goldman Sachs. Bank of America dự đoán tổng lợi nhuận đối với trái phiếu doanh nghiệp blue-chip của Mỹ trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 9%.
Tín dụng tư nhân nở rộ
Sự hỗn loạn của thị trường tài chính trong năm 2022 cũng khiến đầu tư tư nhân gặp khó khăn trong hoạt động huy động vốn. Kết quả là, thị trường ít người biết đến được gọi là tín dụng tư nhân đã nở rộ. Những quỹ hưu trí và công ty đầu tư cần nhiều tiền để hoạt động đã đổ xô đi vay nợ tư nhân, điều này có thể gây ra những hậu quả đáng lo ngại.
Thị trường sẽ bắt đầu cảm nhận được các tác động muộn của việc Fed tăng lãi suất trong nửa đầu năm nay. Dường như đang tồn tại sự đồng thuận rằng nền kinh tế sẽ suy yếu và lạm phát sẽ quay trở lại, nếu không muốn nói là không thể quay lại mục tiêu 2% của Fed. Song, điều này không có nghĩa là thời đại tiền rẻ và mọi thứ đi kèm với nó sẽ hồi sinh, mà chỉ có nghĩa là tiền sẽ không tiếp tục trở nên đắt đỏ.
Vì vậy, dù TINA đối với cổ phiếu không có khả năng hồi sinh trong năm nay, song vào một thời điểm nào đó trong năm 2023, các cổ phiếu giảm giá mạnh có thể trở thành một kênh đầu tư thay thế hấp dẫn. Một nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn có thể vượt qua được thời kỳ khó khăn.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|