JPMorgan: Nguy cơ suy thoái giảm mạnh ở tất cả thị trường
Trong tuần mà từ Phố Wall đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos đều lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, JPMorgan Chase & Co. lại nhận thấy nguy cơ suy thoái kinh tế đã thực sự giảm mạnh so với mức cao nhất vào năm 2022.
Theo mô hình giao dịch của ngân hàng này, 7 trong 9 loại tài sản, từ trái phiếu cao cấp đến cổ phiếu châu Âu, đang cho thấy có chưa tới 50% khả năng xảy ra suy thoái. Đây là một sự đảo ngược lớn so với tháng 10/2022 khi suy thoái được khắp các thị trường định giá là chắc chắn xảy ra.
Nguy cơ suy thoái do các thị trường định giá
Các quỹ quản lý tiền tệ toàn cầu vẫn chưa thể lạc quan về quỹ đạo kinh tế khi S&P 500 cho thấy 73% khả năng xảy ra một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, con số đó đã thấp hơn mức 98% trong năm ngoái, đồng thời, việc tỷ lệ đặt cược vào một cú hạ cánh mềm tăng lên cũng đã thúc đẩy thị trường đi lên ngay đầu năm 2023.
Và sau năm tồi tệ nhất của Phố Wall kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, giám đốc điều hành các ngân hàng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tìm thấy lý do để hy vọng vào việc lạm phát hạ nhiệt và Trung Quốc mở cửa lại kinh tế.
Chiến lược gia Nikolaos Panigirtzoglou của JPMorgan cho biết: “Hầu hết tài sản đều đang định giá rủi ro suy thoái kinh tế thấp hơn năm ngoái do Trung Quốc mở cửa trở lại, giá xăng giảm ở châu Âu và lạm phát giảm mạnh hơn dự kiến ở Mỹ. Thị trường đánh giá khả năng xảy ra suy thoái thấp hơn nhiều so với hồi tháng 10/2022”.
Đồng nghiệp của ông Panigirtzoglou, Marko Kolanovic, cảnh báo rằng nhà đầu tư có thể đang định giá thấp áp lực tiềm ẩn đối với cổ phiếu trong bối cảnh kinh tế có thể tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới. Hơn nữa, phe “gấu” có thể tìm thấy động lực mới từ sự suy yếu trong hoạt động sản xuất và doanh số bán lẻ cũng như đà tăng giá của trái phiếu, chưa kể các quan chức Cục Dự trữ Liên bang cũng đang cảnh báo lãi suất sẽ duy trì ở trong vùng hạn chế.
Nhưng nhờ sự phục hồi chậm chạp vào cuối năm ngoái, thị trường trái phiếu lợi suất cao của Mỹ đã chứng kiến một số đợt định giá lại mạnh nhất, với tỷ lệ suy thoái giảm xuống 18% từ 33%. Các thị trường châu Âu cũng xuất hiện tín hiệu tích cực. Chỉ số EuroStoxx cho thấy khả năng xảy ra suy thoái chỉ 26%, giảm từ 93%.
Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế lại không quá lạc quan. Dự báo đồng thuận của họ về nguy cơ suy thoái đã tăng từ 50% trong tháng 10/2022 lên 65%.
Tín hiệu suy thoái của thị trường trái phiếu, tức là đường cong lợi suất của Chính phủ Mỹ, tiếp tục phát đi cảnh báo. Ví dụ, trái phiếu kỳ hạn 3 tháng mang lại lợi nhuận cao hơn trái phiếu kỳ hạn 10 năm, cho thấy các nhà đầu tư đang đặt cược vào quỹ đạo kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Mặc dù vậy, một số người đang cược rằng các ngân hàng trung ương rốt cuộc sẽ có thể tạo ra một cú hạ cánh mềm. Điều này đã thúc đẩy đà phục hồi trong những tuần gần đây đối với các tài sản rủi ro hơn, từ cổ phiếu thị trường mới nổi, trái phiếu lợi suất cao cho đến cổ phiếu meme.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|