Tài sản thế chấp chỉ 80 tỉ, ngân hàng cho vay tới gần 1.700 tỉ
Tài sản mà 5 công ty thế chấp chỉ có giá trị gần 80 tỉ đồng nhưng các bị can tại Ngân hàng Đông Á (DAB) đã duyệt các khoản vay lên tới gần 1.700 tỉ đồng, gấp hơn 20 lần giá trị bảo đảm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc DAB, cùng 7 bị can khác về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.
Đây là vụ án thứ 4 ông Bình bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở 3 vụ án trước đều liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, ông Bình bị tuyên tổng hình phạt là tù chung thân.
|
Ông Trần Phương Bình bị đề nghị truy tố trong vụ án thứ 4 liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Ngọc Dương
|
Theo kết luận, ông Bình cùng các bị can tại DAB chịu trách nhiệm trong việc cho 6 công ty vay 7 khoản tiền trái quy định, với tổng dư nợ gốc hơn 1.820 tỉ đồng, qua đó gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng.
Công ty “3 không” vẫn vay được ngàn tỉ
Cuối năm 2012, DAB Sở giao dịch cho 5 công ty là: Ngôi Sao, Liên Phát, Phát Vạn Hưng, Biển Bạc và Minh Quân vay 5 khoản, tổng cộng gần 1.700 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo chung cho các khoản vay là một phần quyền sử dụng đất diện tích hơn 62.000 m2 thuộc dự án 7,6 ha tại P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Tuy nhiên, kết luận định giá tài sản cho thấy trong số hơn 62.000 m2 nêu trên chỉ có gần 42.000 m2 đáp ứng điều kiện về thế chấp, bảo lãnh. Tại thời điểm thế chấp (năm 2012), khu đất chỉ có giá trị gần 80 tỉ đồng, thấp hơn 20 lần và không đủ để bảo đảm dư nợ cho 5 khoản vay.
Chưa hết, theo hợp đồng tín dụng ký kết, 5 công ty vay tiền trong thời hạn 7 năm, mục đích góp vốn đầu tư xây dựng khai thác kinh doanh dự án 7,6 ha tại P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Thế nhưng, sau khi có tiền, 5 công ty không sử dụng đúng mục đích đăng ký vay mà dùng phần lớn để trả nợ.
Kết luận điều tra xác định, 5 công ty mà DAB cho vay tiền đều do Phùng Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Công ty CP M&C, nhờ người khác đứng tên đại diện pháp luật.
Khai với công an, Khánh cho biết từ năm 2007, nhóm công ty do Khánh điều hành đã vay vốn tại DAB để đầu tư vào các dự án. Năm 2011, khi các khoản vay đến hạn trả gốc và lãi nhưng Công ty CP M&C gặp khó khăn về tài chính, Khánh đã tới gặp ông Trần Phương Bình nhằm bàn cách cơ cấu lại các khoản vay.
Để tránh tỷ lệ nợ xấu của DAB vượt mức cho phép, ông Bình và Khánh thống nhất phương thức Khánh sử dụng pháp nhân 5 công ty ký hồ sơ vay vốn rồi sử dụng chính tiền vay này để trả gốc và lãi các khoản vay đến hạn.
Ông Bình thừa nhận, với vai trò Tổng giám đốc DAB, ông đã thực hiện hành vi trái pháp luật khi thỏa thuận với Khánh về việc vay vốn để đáo hạn các khoản nợ; đồng thời còn chỉ đạo cấp dưới lập, ký hợp thức hồ sơ cho vay; trực tiếp phê duyệt cấp tín dụng cho 5 công ty; là người chịu trách nhiệm chính về hậu quả thiệt hại gây ra cho DAB.
Công an cáo buộc ông Bình và nhóm bị can tại DAB đã không thực hiện thẩm định hồ sơ vay và tài sản bảo đảm cho các khoản vay, trong khi cả 5 công ty đều không đáp ứng điều kiện vay vốn: không có doanh thu, không có lợi nhuận và không chứng minh được nguồn tài chính để trả nợ.
Đến nay, cả 5 công ty đều đã ngừng hoạt động và không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 5.000 tỉ đồng, bao gồm 1.680 tỉ đồng tiền gốc và hơn 3.300 tỉ đồng tiền lãi.
Trái phiếu phát hành 1 đằng, tiền thu về sử dụng 1 nẻo
Ngoài 5 khoản vay trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định DAB còn cho Công ty CP M&C vay 2 khoản tiền khác cũng trái quy định pháp luật.
Theo đó, năm 2009, Công ty CP M&C do Phùng Ngọc Khánh làm đại diện, phát hành lô trái phiếu với mục đích đầu tư vào 2 dự án bất động sản. Công ty CP M&C đề nghị DAB phát hành thư bảo lãnh cho số trái phiếu này, tài sản bảo đảm là hơn 2,6 triệu cổ phiếu mà Công ty CP M&C sở hữu tại Công ty CP địa ốc Sài Gòn M&C.
Tháng 12.2009, Ngân hàng An Bình ký hợp đồng mua lô trái phiếu của Công ty CP M&C với giá trị 120 tỉ đồng. Nhận được tiền, công ty dùng phần lớn để trả nợ chứ không đầu tư như mục đích đưa ra khi phát hành trái phiếu.
Đến thời hạn thanh toán, Công ty CP M&C không có khả năng trả tiền gốc và lãi cho Ngân hàng An Bình. Để không ảnh hưởng đến uy tín của DAB là đơn vị bảo lãnh, ông Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ cho Công ty CP M&C vay bắt buộc 2 khoản vay với tổng cộng hơn 146 tỉ đồng để có tiền trả cho Ngân hàng An Bình.
Cơ quan điều tra nhận định Công ty CP M&C vi phạm điều kiện ngay từ khi thực hiện phát hành trái phiếu. Đồng thời, hơn 2,6 triệu cổ phiếu tại Công ty CP địa ốc Sài Gòn M&C đến nay không đủ căn cứ để định giá, coi như không có tài sản bảo đảm.
Do vậy, DAB vi phạm quy định khi bảo lãnh trái phiếu; cho Công ty CP M&C vay 2 khoản tiền khi không có bảo đảm, không đủ điều kiện cấp tín dụng… Điều này dẫn đến DAB thiệt hại hơn 462 tỉ đồng, gồm hơn 146 tỉ đồng tiền gốc và hơn 316 tỉ đồng tiền lãi.
Chuỗi hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Trần Phương Bình và đồng phạm là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm cuối năm 2015 lỗ lũy kế hơn 31.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỉ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.000 tỉ đồng.
Tuyến Phan
Thanh niên
|