Dịch vụ
Năm 2022, chất lượng tài sản của TPBank duy trì ở top đầu ngành, kết quả kinh doanh tăng 30%
Trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động khó lường, tỷ lệ nợ xấu của TPBank vẫn luôn được kiểm soát chặt chẽ ở mức dưới 1%, phản ánh chất lượng tín dụng và chất lượng tài sản an toàn cùng nền tảng vốn vững chắc. TPBank đã khẳng định vị thế là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất khi luôn duy trì chỉ số ROE trên 21%, nằm trong TOP cao của hệ thống ngân hàng thương mại.
Bền bỉ vượt qua 2022 đầy thách thức
Năm 2022 là năm kinh tế thế giới và trong nước đều phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Lạm phát gia tăng trên quy mô toàn cầu, lãi suất và đồng USD liên tục tăng cao, chiến tranh và xung đột chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nền kinh tế Việt Nam không chỉ chịu nhiều ảnh hưởng sau 2 năm đại dịch COVID-19 mà cộng hưởng với nhiều diễn biến bất lợi trên thị trường… đã tạo tác động mạnh tới niềm tin của nhà đầu tư.
Trước tình hình đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HOSE: TPB) đã chủ động trong các kế hoạch kinh doanh, thực hiện kiểm soát chặt chẽ doanh thu - chi phí để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và diễn biến thị trường trên cơ sở trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.
Với những nỗ lực bền bỉ vượt qua các thách thức, năm 2022, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 7,828 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021. Mức lợi nhuận này còn đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Ngoài ra, sự phục hồi tích cực của các khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh cũng góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.
Tổng tài sản của ngân hàng ghi nhận tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm nay đạt trên 15,600 tỷ đồng, tăng hơn 15.5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2,700 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.
Song song, bằng việc điều tiết nhu cầu tăng trưởng huy động theo nhu cầu sử dụng vốn nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất, tổng huy động năm 2022 của TPBank đã đạt những bước tiến lớn khi chạm mốc khoảng 289 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Nguồn vốn cũng được TPBank sử dụng hiệu quả với chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt khoảng 2%. Tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi (LDR) của TPBank ở mức khoảng 85%, TPBank đã thu hút được nguồn vốn huy động lớn từ dân cư, chính bởi niềm tin và sự ghi nhận từ khách hàng vào một định chế tài chính vững mạnh.
Có kết quả tăng trưởng tốt, những năm gần đây, TPBank còn luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với người dân và khách hàng xuyên suốt các thời kỳ khó khăn bởi dịch bệnh và diễn biến bất định của thị trường. Không chỉ đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh, TPBank liên tục đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất lớn và đặc biệt sẵn sàng chia sẻ phần nào lợi nhuận kinh doanh của mình trong năm để bình ổn lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Những con số bứt phá đầy ấn tượng trên là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực của TPBank, đặc biệt mạnh mẽ trong những năm gần đây. Không chỉ tạo được dấu ấn mạnh về quản trị mà còn không ngừng số hóa, liên tục cho ra mắt sản phẩm, dịch vụ công nghệ nổi trội, mang nhịp đập và hơi thở của cuộc sống và đậm chất riêng, biến những giao dịch tài chính khô khan thành trải nghiệm thú vị, màu sắc. Một loạt giải thưởng liên tiếp cho ngân hàng số của The Asian Banker, IDG Việt Nam và AIBP trong năm 2022 đã khẳng định uy tín và thành công của nhà băng trong việc chuyển đổi số toàn diện, phát triển một hệ sinh thái ngân hàng số đồng bộ, thân thiện và thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng.
10 năm phát triển vững vàng, vươn lên trở thành ngân hàng vững mạnh nhất Việt Nam 2022
Giới phân tích vẫn thường nhắc đến TPBank như một ví dụ về sự thành công của chuyển đổi số, một cách thực chất và hiệu quả. Thành quả lợi nhuận của 10 năm qua có đóng góp lớn lao của hướng đi riêng biệt, tập trung vào công nghệ, trọng tâm là ngân hàng số. Từ một nhà băng non trẻ, trong hoàn cảnh ngặt nghèo, vừa thiếu vốn, vừa thiếu nền tảng, TPBank đã “thay da đổi thịt” dần lấy lại phong độ và bứt tốc trên đường đua, đưa lợi nhuận và tổng tài sản của TPBank không ngừng tăng trưởng sau các năm. Có thể nói, chuyển đổi số đã “chuyển đổi số … phận” của TPBank, giúp nhà băng từ một ngân hàng phải tái cơ cấu với khoản lỗ lũy kế hàng ngàn tỷ vươn lên trở thành một ngân hàng hoạt động hiệu quả với ROE hai năm gần nhất lần lượt là 22.61% (2021) và 21.48% (2022) thuộc TOP cao trong hệ thống NHTM.
Sau 10 năm, chỉ số lợi nhuận mà TPBank gặt hái được có đóng góp rất lớn từ các giải pháp số cho sản phẩm và dịch vụ số đặc trưng, khác biệt.
|
Tháng 12/2022, trong bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do tạp chí The Asian Banker công bố, TPBank đứng thứ 61, vượt 143 bậc so với năm ngoái và vượt lên cả những tên tuổi như Vietcombank (đứng thứ 66), MB (đứng thứ 72), Vietinbank (đứng thứ 129), BIDV (đứng thứ 127), Techcombank (đứng thứ 101),.... Trong các ngân hàng Việt, TPBank gây bất ngờ khi từ vị trí thứ 7 năm 2021 để vươn lên dẫn đầu trong bảng xếp hạng năm 2022 với điểm số cao ở nhiều tiêu chí như tỷ lệ an toàn vốn, khả năng sinh lời, chất lượng tài sản, thanh khoản,… Là ngân hàng tiên phong hiện áp dụng theo chuẩn Basel III, ILAAP, IFRS, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được TPBank quản lý rất chặt chẽ. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại 30/11/2022 đạt 12.96 %, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn là 8%. Tỷ lệ nợ xấu của luôn nằm trong top thấp nhất khi được kiểm soát chặt chẽ ở mức dưới 1%.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: “Khi triển khai đồng thời các chuẩn mực này, áp lực về kế hoạch vốn của ngân hàng trong trung và dài hạn là rất lớn, buộc TPBank phải lập kế hoạch chặt chẽ, tối ưu hoá nguồn vốn, xây dựng các kế hoạch kinh doanh hiệu quả nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh nhưng vững bền của ngân hàng. Xếp hạng và sự công nhận của The Asian Banker đã phản ánh rất chính xác tương quan thị trường và là sự ghi nhận tốt nhất cho những nỗ lực không ngừng của TPBank trong thời gian qua.”
Năm 2022, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR) công bố TPBank là một trong 10 ngân hàng thương mại Việt Nam Uy tín, đồng thời là một trong số 4 ngân hàng tư nhân Uy tín nhất của năm 2022. TPBank đã liên tiếp giữ vững vị trí trong bảng xếp hạng này 4 năm liên tiếp. TPBank cũng được tổ chức uy tín Moody’s đánh giá xếp hạng tín nhiệm cao tới 2 lần và thuộc top đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Xếp hạng tín nhiệm của TPBank được Moody's nâng lên mức Ba3, triển vọng ổn định, thể hiện sự ghi nhận của Moody’s về các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực, cùng việc cải thiện chất lượng tài sản, khả năng kiểm soát tốt rủi ro và năng lực sinh lời của TPBank trong thời gian qua, khẳng định hành trình tiến bước vững vàng của ngân hàng trong năm 2023 và nhiều năm tiếp theo.
FILI
|