Rủi ro quan hệ bất cân xứng của chuỗi cung ứng toàn cầu – chuyện không riêng Gilimex
Trong mấy ngày qua, hàng loạt báo chí trong nước đưa tin về vụ việc Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) kiện Công ty Amazon Robotics (một công ty con thuộc Amazon) do đột ngột giảm, hủy đơn hàng dẫn đến thiệt hại cho Gilimex. Nhưng liệu đây có phải vụ kiện mà Gilimex đã là bên yếu thế ngay từ khi hai bên ký hợp đồng.
* Tương lai bất định của Gilimex sau khi đâm đơn kiện Amazon
* Gilimex: “Amazon đã vi phạm cam kết, Gilimex đang tiến hành thủ tục để khởi kiện”
* Gilimex kiện Amazon 280 triệu USD
Amazon chắc chắn cũng có lợi hơn về ngôn ngữ tố tụng và kinh nghiệm pháp lý trên sân nhà của mình. Ảnh: Bloomberg
|
Từ vụ việc Gilimex kiện Amazon
Gilimex đã khởi kiện Amazon tại tòa án bang New York để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng (breach of contract), vi phạm nghĩa vụ thiện chí trung thực (breach of fiduciary duty), hành vi giao dịch không lành mạnh (unfair trade practices), và cố ý gây nhầm lẫn trong giao dịch (negligent misrepresentation).
Đây là một vụ việc thú vị, bởi lẽ một doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam đã khởi kiện một công ty thuộc một siêu tập đoàn đa quốc gia tại chính sân nhà của siêu tập đoàn đó, với các cáo buộc cũng mang đậm chất đặc trưng của hệ thống pháp luật Mỹ.
Chắc chắn sẽ có người thắc mắc tại sao Gilimex lại kiện Amazon ở Tòa án của bang New York chứ không phải tòa án Việt Nam, hay tòa án một bang khác (lưu ý rằng bị đơn, Công ty Amazon Robotics có trụ sở ở bang Massachusett chứ không phải ở New York), hay nước thứ ba?
Tại sao lại không đưa vụ việc ra trọng tài quốc tế – thiết chế giải quyết tranh chấp được sử dụng phổ biến trong các tranh chấp thương mại quốc tế ngày nay? Việc “đem chuông đi đánh xứ người” trên chính đất của họ như vậy không phải là bất lợi rất lớn cho Gilimex hay sao?
Phải chăng trong hợp đồng của Gilimex và Amazon cũng có điều khoản tương tự để trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho tòa án bang New York? Nếu điều này là đúng thì có lẽ Gilimex đã bị đẩy vào một rủi ro pháp lý ngay từ khi ký kết hợp đồng.
|
Thiết nghĩ những tranh chấp như của Gilimex với Amazon luôn có khả năng phát sinh trong các quan hệ thương mại bất cân xứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu; và đặt các DNNVV vào nhiều rủi ro pháp lý.
Mặc dù nội dung vụ kiện của Gilimex chưa được thể hiện chi tiết qua các thông tin báo chí, nhưng từ vụ kiện này, ta có thể nhìn thấy một số rủi ro mà các DNNVV buộc đang phải gánh chịu trong quan hệ với các tập đoàn/siêu tập đoàn đa quốc gia.
Quan hệ bất cân xứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn của các tập đoàn đa quốc gia, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, thành phần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở Việt Nam đa phần là các DNNVV.
Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu gia công và cung ứng sản phẩm, linh kiện cho đối tác là các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài. Gilimex chính là một trường hợp điển hình về vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng này. Từ đây, ta đã có thể thấy rõ sự bất cân xứng trong quy mô, hoạt động, và sức mạnh, tiềm lực của các bên.
Mặc dù khi tham gia quan hệ thương mại, nguyên tắc tự do, bình đẳng là nguyên tắc tối thượng điều chỉnh hành vi của các bên, nhưng liệu rằng khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam có thực sự được tự do và bình đẳng hay không?
Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào mỗi trường hợp cụ thể, còn trong trường hợp của Gilimex câu trả lời có thể là không. Bởi lẽ, sự bất cân xứng về quy mô và tiềm lực có thể tạo cho một bên vị thế đàm phán tốt hơn khi xác lập hợp đồng, giúp họ đưa nhiều điều khoản có lợi hơn mà các DNNVV của Việt Nam muốn tham gia cuộc chơi thì buộc phải chấp nhận.
Hơn thế nữa, các công ty, tập đoàn đa quốc gia thường có thể đưa ra những đơn đặt hàng có giá trị “khủng” như miếng mồi béo bở cho các công ty cung ứng, khiến họ lệ thuộc vào quan hệ thương mại với mình. Và khi sự lệ thuộc vào nhu cầu đặt hàng của một bên được xác lập, rõ ràng quan hệ thương mại đã hoàn toàn trở nên bất cân xứng giữa hai bên. Gilimex có lẽ đã trở thành nạn nhân của mối quan hệ thương mại bất cân xứng này.
Tại Nhật Bản, cũng đã có một nạn nhân như vậy khi tham gia quan hệ thương mại với Apple. Đó là Shimano – một DNNVV có trụ sở tại Tokyo, chuyên sản xuất linh kiện máy tính. Các đơn đặt hàng của Apple có thời điểm chiếm tới 90% toàn bộ giá trị đơn hàng của Shimano.
Và lợi dụng ưu thế trong quan hệ thương mại, Apple đã ép Shimano giảm giá bán, hoàn một phần tiền đã thanh toán cho các đơn hàng trước đó, rồi chấm dứt đặt hàng bất kể Shimano đã đầu tư nhiều tiền bạc để tăng cường năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của Apple.
Rủi ro pháp lý trong quan hệ thương mại bất cân xứng
Sự bất cân xứng trong quan hệ thương mại nêu trên không chỉ gây bất lợi trong hoạt động kinh doanh thương mại mà còn gây bất lợi cho bên DNNVV khi quyết định khởi kiện đối tác của mình.
Như đã nêu ở trên, các công ty đa quốc gia có thể sử dụng ưu thế thương mại của mình để đưa vào hợp đồng những điều khoản có lợi cho bản thân, trong đó có điều khoản về phương thức giải quyết tranh chấp, địa điểm giải quyết tranh chấp, luật áp dụng đối với tranh chấp.
Như vụ việc của Shimano và Apple nêu trên, hợp đồng giữa hai bên đã chọn tòa án bang California làm nơi giải quyết tranh chấp và luật áp dụng cũng là luật của California.
Phải chăng trong hợp đồng của Gilimex và Amazon cũng có điều khoản tương tự để trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho tòa án bang New York? Nếu điều này là đúng thì có lẽ Gilimex đã bị đẩy vào một rủi ro pháp lý ngay từ khi ký kết hợp đồng. Bởi chưa kể tiềm lực tài chính để theo đuổi vụ kiện, Amazon chắc chắn cũng có lợi hơn về ngôn ngữ tố tụng và kinh nghiệm pháp lý trên sân nhà của mình.
Thứ hai là khoảng trống pháp lý trong hệ thống pháp luật Việt Nam về việc lạm dụng ưu thế trong quan hệ thương mại cũng đẩy các doanh nghiệp nước nhà vào thế khó, khi thiếu đi một vũ khí quan trọng để chống lại các tập đoàn hùng mạnh nước ngoài.
Pháp luật cạnh tranh và chống độc quyền của nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, đã có các quy định cấm hành vi lạm dụng ưu thế trong quan hệ thương mại để gây bất lợi cho đối tác. Đây cũng là một lý do mà Shimano bất chấp sự tồn tại của điều khoản lựa chọn tòa án và lựa chọn luật áp dụng để đưa vụ kiện Apple về giải quyết tại tòa án Tokyo.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có vẻ chưa chú ý tới các hành vi này. Do đó, cho dù Gilimex có thể khởi kiện Amazon tại tòa án Việt Nam và áp dụng pháp luật Việt Nam đi chăng nữa thì nguyên đơn cũng khó có thể căn cứ vào pháp luật Việt Nam để yêu cầu Amazon bồi thường thiệt hại.
Vụ kiện của Gilimex có thể sẽ có các diễn biến mới trong thời gian tới, và cần thêm nhiều phân tích về các khía cạnh pháp lý khác. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Việt Nam cần chú ý hơn tới các hành vi lạm dụng vị thế trong quan hệ thương mại giữa một tập đoàn đa quốc gia với một DNNVV trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây không phải chỉ đơn thuần là vấn đề bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước mà là bảo vệ công bằng và lẽ phải trước các quan hệ thương mại bất cân xứng ngày càng xuất hiện nổi cộm trong kinh tế quốc tế hiện nay.
Nguyễn Đức Việt - Giảng viên Khoa Pháp luật quốc tế
TBKTSG
|