Thứ Năm, 05/01/2023 10:56

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt 7,500 USD

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 5/1, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021-2030

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng căn cứ vào Luật Quy hoạch; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong thời gian tới.

Về những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển. Theo đó, quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021-2030, Quy hoạch đã quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn 5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển.

Một là, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hai là, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030; đồng thời, có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển.

Ba là, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bốn là, tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn.

Năm là, tổ chức không gian phát triển quốc gia phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Chú trọng việc kết nối các hành lang kinh tế trong nước với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng nêu tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6.5-7.5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27,000-32,000 USD. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc...

Trong đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7.0%/năm giai đoạn 2021-2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8-8.5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7,500 USD

Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch: Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia.

Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc-Nam, các hành lang kinh tế Đông-Tây, các vành đai kinh tế ven biển, các vành đai công nghiệp-đô thị-dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu tóm tắt các định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; đồng thời nêu giải pháp, nguồn lực thực hiện.

Theo đó, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch nêu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia đã dự báo tổng nhu cầu và cơ cấu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch, xây dựng hệ thống các giải pháp để huy động nguồn lực từ các khu vực kinh tế; đồng thời dự báo nhu cầu lao động cho nền kinh tế và đề xuất các giải pháp về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, trong Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp về cơ chế, chính sách, phát triển khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường và tăng cường hợp tác quốc tế.

Làm rõ lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới

Thẩm tra về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia kèm theo Tờ trình của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định của Luật Quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia theo yêu cầu tiến độ tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội, tuy nhiên, còn chưa bảo đảm thời gian trình Quốc hội dẫn đến khó khăn cho công tác thẩm tra, do đó, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và tập trung nguồn lực để bảo chất lượng Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về các nội dung chủ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, báo cáo tổng hợp quy hoạch được xây dựng cơ bản đã đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 22 Luật Quy hoạch, tuy nhiên còn một số nội dung cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khoa học, hợp lý.

Theo đó, nội dung Báo cáo quy hoạch cơ bản đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước thời kỳ 2021-2030. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung thêm các đánh giá về ưu điểm, lợi thế của các điều kiện tự nhiên, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh… làm cơ sở xây dựng phương án quy hoạch.

Bên cạnh đó, đề nghị cần bổ sung các phân tích, đánh giá rõ hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình-địa mạo, địa chất-thổ nhưỡng tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và đánh giá các điều kiện này tác động đến phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Đồng thời, làm rõ lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; bổ sung đánh giá sâu hơn về dân số, nguồn nhân lực, tài nguyên nhân văn và làm rõ hơn đánh giá về hạn chế, yếu kém liên quan đến tổ chức, phát triển không gian hạ tầng văn hóa, xã hội; lâm nghiệp; thủy sản; môi trường, tài nguyên.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chỉ ra rằng, quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển nêu rõ, Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, theo hướng phân bố không gian, phân vùng và liên kết vùng, do vậy, cần nghiên cứu làm rõ hơn, các nội dung phải định hướng trong việc sắp xếp, phân bố không gian để đạt được các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra.

Đồng thời, đề nghị bổ sung, nhấn mạnh hơn việc giảm chồng chéo, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, các địa phương và quan điểm về phát triển kinh tế biển.

Cùng với đó, mục tiêu cho việc phát triển kết cấu hạ tầng mới tập trung chủ yếu cho hạ tầng giao thông, trong khi một số ngành khác có vai trò quan trọng nhưng còn chung chung như: hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi… Do đó, đề nghị bổ sung, làm rõ.

Về tầm nhìn đến năm 2050, đề nghị bổ sung mục tiêu về giáo dục, đào tạo, phát triển con người toàn diện, mang đầy đủ đặc trưng của con người xã hội chủ nghĩa; có chỉ số phát triển con người ở mức rất cao (chỉ số HDI từ 0.8 trở lên), đời sống của người dân hạnh phúc...

Về định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, trừ định hướng phân vùng hạn chế phát triển; các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, cấm khai thác, sử dụng thì các vùng còn lại đều chưa làm rõ được tiêu chí phân vùng cũng như mục tiêu phân vùng và mối quan hệ giữa các vùng. Kết cấu hiện tại chưa làm rõ được sự gắn kết giữa các vùng động lực quốc gia với nhau, với các hành lang kinh tế và với định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng. Nội dung phân tích của từng ngành chưa có sự gắn kết với định hướng phân vùng động lực và các hành lang kinh tế.

Do đó, đề nghị bổ sung, làm rõ các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Đồng thời cần định hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái; bổ sung, làm rõ hơn các ngành công nghiệp hỗ trợ và bổ sung định hướng phát triển: Hệ thống các khu du lịch quốc gia; hạ tầng du lịch; môi trường, tài nguyên, sản phẩm và doanh nghiệp du lịch; xây dựng các hành lang di sản, các sản phẩm trong hành lang di sản.

Về định hướng sử dụng đất quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị hoàn thiện nguyên tắc định hướng sử dụng đất như sau: "Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý và sử dụng đất" theo yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Về định hướng phân vùng và liên kết vùng, nội dung Báo cáo chưa đề cập tới phương án phân vùng hiện nay có những khó khăn gì do đó cần làm rõ để có đủ cơ sở đánh giá tính khả thi, hiệu quả của phương án phát triển của các ngành và khả năng liên kết vùng. Bên cạnh đó, đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc cần bổ sung định hướng phát triển công nghiệp điện tử, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đối với Vùng động lực phía Bắc và Vùng động lực phía Nam, cần bổ sung các định hướng về phát triển giáo dục, đào tạo và công nghiệp văn hóa.

Đối với danh mục dự án quan trọng quốc gia cần làm rõ cơ sở, nguyên tắc, phương án xây dựng danh mục dự án, xác định rõ thuật ngữ "dự án quan trọng của quốc gia" và "dự án quan trọng quốc gia"; cần làm rõ được tầm nhìn, quy mô chiến lược, liên kết vùng, phát triển hành lang kinh tế, vùng động lực quốc gia và phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư công, nguồn lực xã hội và tránh dàn trải, thiếu hiệu quả.

Về giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc và nghiên cứu cụ thể hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đối với các nội dung này. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước.

Ngoài ra, ông Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các sơ đồ, bản đồ thể hiện một cách thống nhất giữa nghị quyết, báo cáo quy hoạch và sơ đồ, bản đồ đối với phạm vi quy hoạch, tỉ lệ, sự tương thích… các nội dung quy hoạch. Đồng thời, đề nghị cần khẩn trương cập nhật, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   HSBC: 2023 sẽ là một năm thách thức (05/01/2023)

>   Quốc hội xem xét, phê chuẩn miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ (05/01/2023)

>   Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường: Xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết (05/01/2023)

>   Thường trực Ban Bí thư: Xử lý dứt điểm vụ Việt Á, FLC, Cục Lãnh sự, Vạn Thịnh Phát (04/01/2023)

>   Có khi nào GDP giảm vì tắc... đăng kiểm? (04/01/2023)

>   Tổng Bí thư: "Năm 2023 nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022" (03/01/2023)

>   Ngân hàng UOB: Tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6.6%  (03/01/2023)

>   Năm 2023, Chính phủ quyết làm lành mạnh thị trường TPDN, chứng khoán, bất động sản (03/01/2023)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện kế hoạch năm 2023 (03/01/2023)

>   PMI tháng 12 đạt 46.4 điểm, mức độ suy thoái ngành sản xuất tăng lên vào cuối năm 2022 (03/01/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật