Nhìn lại chính sách thương mại quốc tế trong năm 2022
2022 được nhận diện là một năm gia tăng bảo hộ thương mại, dù vẫn có một vài điểm sáng trong chính sách thương mại quốc tế. Khi các cuộc đàm phán thương mại đang chùn lại kể từ đại dịch Covid-19 thì có lẽ năm 2023 chỉ là để xử lý những dư âm trước đây mà không có biến chuyển gì nổi bật.
Mỹ viện lý do an ninh quốc gia để tăng thuế quá mức đối với nhôm và thép nhập khẩu là vi phạm luật lệ của WTO. Ảnh: Asia Nikkei
|
Khi nền kinh tế thế giới chưa thể phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung thì cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã làm mọi việc trở nên khó khăn hơn. Khủng hoảng nhiên liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng, lo ngại về các vấn đề an ninh… đã phủ bóng lên chính sách thương mại của các nước mà hệ quả tất yếu của nó là làm gia tăng bảo hộ thương mại.
Đầu tháng 9-2022, Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới – đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu vì lý do đảm bảo an ninh lương thực, tuy hiện nay đang nới lỏng dần. Mặc dầu vậy, vẫn có một vài điểm sáng trong chính sách thương mại quốc tế ở năm 2022.
RCEP có hiệu lực
Ngược lại với cuộc thương chiến Mỹ – Trung đang diễn ra mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu năm 2022. Đây là hiệp định thương mại tự do được ký kết bởi 10 nước ASEAN và năm đối tác thương mại quan trọng: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zaeland; được xem là hiệp định thương mại có tổng GDP lớn nhất thế giới.
Các quốc gia được hưởng miễn trừ về quyền sở hữu trí tuệ đối với sản xuất vaccine phòng ngừa Covid-19 trong thời hạn năm năm. Giải pháp miễn trừ này sẽ được xem xét đàm phán để có thể áp dụng trong cả chuẩn đoán và điều trị Covid-19. Đây là minh chứng hiếm hoi cho sự “đoàn kết” tại WTO.
|
Thật ra đây là sự hợp nhất các hiệp định thương mại tự do dạng ASEAN+1 đã tồn tại, cho nên khoảng 80% cam kết tự do hóa của RCEP là có sẵn trong các hiệp định này.
Điểm nhấn của RCEP ở chỗ đây là hiệp định thương mại đầu tiên kết nối ba nền kinh tế hàng đầu châu Á với nhau: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cho nên, một số học giả cho rằng ba cường quốc kinh tế này sẽ được lợi nhiều hơn các nước ASEAN từ việc giảm thuế nhập khẩu.
Là một nền tảng hội nhập kinh tế khu vực được khởi xướng bởi một hiệp hội của các quốc gia đang phát triển, các quy định của ASEAN chủ yếu tập trung vào nền tảng thể chế cho thương mại hàng hóa và dịch vụ, trong khi các vấn đề phi thương mại như môi trường và lao động không được đề cập đến.
So với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì có lẽ hiệp định này “bớt” tiến bộ hơn nhưng nó lại thiết thực và phù hợp với lợi ích mà các thành viên đang hướng đến.
Hội nghị bộ trưởng lần thứ 12 của WTO
Sau lần trì hoãn vì lý do đại dịch Covid-19, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã diễn ra vào tháng 6-2022. Kết quả của hội nghị lần này (hay gọi là “gói Geneva”) có nội dung chính liên quan đến giải pháp đối với các thách thức toàn cầu đang diễn ra như lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực hay đại dịch Covid-19.
Có thể nói thành công lớn nhất ở hội nghị này là đã cho ra đời một “tạm ước” về trợ cấp thủy sản sau hơn 20 năm đàm phán. Theo đó, các quốc gia thành viên WTO không được phép trợ cấp cho tàu cá có liên quan đến hoạt động đánh bắt trái phép (IUU) hoặc các đàn cá bị khai thác quá mức.
Nói là tạm ước bởi vì nội dung của hiệp định này chỉ là ghi nhận nỗ lực đàm phán cho đến thời điểm hiện tại, các phần quan trọng vẫn tiếp tục được đàm phán với điều kiện là phải hoàn thành trong bốn năm tiếp theo. Nếu điều kiện vừa nêu không thể đáp ứng thì toàn bộ hiệp định sẽ bị đình chỉ.
Vấn đề miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản xuất vaccine Covid-19 đã được giải quyết bằng một quyết định cho phép các quốc gia được hưởng miễn trừ trong thời hạn năm năm.
Ngoài ra, giải pháp miễn trừ này sẽ được xem xét đàm phán để có thể áp dụng trong chuẩn đoán và điều trị Covid-19. Đây là minh chứng cho sự “đoàn kết” hiếm hoi tại WTO khi mà tất cả thành viên phải đối mặt với một thách thức vô cùng khẩn cấp.
Ngược lại về mặt “đối nội” thì vấn đề cải cách hoạt động của WTO, đặc biệt là khủng hoảng cơ chế giải quyết tranh chấp hiện nay, vẫn chưa đạt được một giải pháp cụ thể. Trong khi Mỹ vẫn giữ thái độ không hài lòng đối với tổ chức thương mại toàn cầu này thì vấn đề đàm phán – cải cách là còn quá xa để nghĩ đến.
Thương mại và an ninh quốc gia
Đầu tháng 12, Ban Hội thẩm WTO đã đưa ra kết luận về việc tăng thuế quá mức đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, là một phần của Chiến lược “Nước Mỹ trên hết” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ban Hội thẩm cho rằng Mỹ đã vi phạm luật lệ của WTO vì lý do an ninh quốc gia mà nước này đưa ra là không phù hợp. Điều XXI của Hiệp định Thuế quan và Thương mại 1994 (WTO) cho phép quốc gia viện dẫn lý do an ninh quốc gia để đưa ra rào cản thương mại quốc tế, như dựng lên hàng rào thuế quan đối với nhôm và thép trong vụ kiện này.
Nhưng vấn đề ở đây là liệu cái “cớ” an ninh quốc gia có được chấp nhận và hợp pháp hay không. Các thẩm phán ở WTO cho rằng Mỹ hiện không rơi vào tình trạng chiến tranh hay khẩn cấp để có thể dựng lên các rào cản thương mại theo điều XXI kể trên.
Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cũng như ngành nhôm, thép nội địa chỉ trích mạnh mẽ và không công nhận nội dung của phán quyết. Ngược lại, các ngành công nghiệp chế tạo ở Mỹ, nơi có thể phụ thuộc vào nguồn nhôm, thép nhập khẩu, lại hoan nghênh phán quyết trên.
Tuy vậy, trong bối cảnh hiện tại, Mỹ hoàn toàn có thể dễ dàng “vô hiệu hóa” phán quyết bằng cách kháng cáo lên Ban Phúc thẩm đang tạm thời ngưng hoạt động. Kết luận của Ban Hội thẩm ở vụ kiện này làm gợi lại bối cảnh gần như tương tự ở vụ kiện giữa Ukraine và Nga (2016-2019), nhưng WTO lại đứng về phía Nga mặc dù nước này cấm không cho hàng hóa từ Ukraine quá cảnh để đến một số thị trường ở Trung Á.
Ba sự kiện trên có thể là tiêu điểm của chính sách thương mại quốc tế trong năm 2022. Trước tình hình quốc tế phức tạp đang diễn ra thì chính sách thương mại cũng trở nên khó đoán.
Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán thương mại đang chùn lại kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 thì có lẽ năm 2023 chỉ là để xử lý những dư âm trước đây mà không có biến chuyển gì nổi bật.
Dương Văn Học
TBKTSG
|