Thứ Năm, 12/01/2023 13:23

Lào sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn của Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Lào, ngày 12/1 tại Thủ đô Vientiane, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone dự Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone dự Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước tổ chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hai Thủ tướng đã phát biểu chỉ đạo một số nội dung cốt lõi và gợi mở thông điệp về định hướng hợp tác đầu tư vào Lào trong thời gian tới, tạo xung lực mới để các doanh nghiệp sớm nắm bắt được cơ hội, nhanh chóng hiện thực hóa các dự án tiềm năng trong hợp tác đầu tư giữa hai nước.

Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào; giới thiệu cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài của Lào; định hướng và giải pháp mới trong hợp tác đầu tư giữa hai nước; giải đáp vấn đề liên quan và bàn về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại Lào; thúc đẩy các cơ hội và dự án đầu tư mới.

Ngoài ra, hội nghị còn tổ chức các hoạt động trưng bày sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam- Lào và hoạt động kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp.

Các đại biểu đánh giá, tình hình thế giới thời gian qua có nhiều biến động phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Lào và Việt Nam, cũng như hợp tác giữa hai nước, tuy nhiên, hợp tác đầu tư, thương mại hai nước vẫn có nhiều kết quả lạc quan và nhiều triển vọng.

Các doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thử thách, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Lào.

Theo thông tin từ hội nghị, đến nay tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Lào đạt 5.34 tỷ USD. Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng luôn nằm trong top 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào.

Đầu tư của Việt Nam vào Lào tiếp tục xu hướng tăng cao và bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118.3 triệu USD, tăng 33.3% so với năm 2020. Năm 2022, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 180 triệu USD, tăng 52.5% so với năm 2021. Một số dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào làm ăn có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2023.

Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế-xã hội Lào; đồng thời tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào (trung bình khoảng 200 triệu USD mỗi năm). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tham gia tài trợ cho cộng đồng, tổng giá trị lũy kế đến nay đạt hơn 100 triệu USD, để xây dựng trường học, bệnh xá, đường, nhà tái định cư... cho người dân vùng dự án, bà con nghèo vùng sâu, vùng xa.

Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 10 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 71 triệu USD. Doanh nghiệp Lào được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam hiện là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Lào. Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 1.,7 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay (tăng 21.3% so với năm 2021). Triển vọng và dư địa cho hợp tác thương mại vẫn còn nhiều. Trong một vài năm tới, trao đổi thương mại song phương có thể đạt mốc 2 tỷ USD nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Lào luôn quyết tâm nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thành một trụ cột trong quan hệ song phương, tương xứng với tiềm năng và tầm vóc của tình hữu nghị vĩ đại và đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, vì lợi ích thiết thực của nhân dân và doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua do tác động của dịch bệnh COVID-19 và những biến động từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới.

Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn chưa phát triển xứng tầm với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước, nhân dân hai nước, không gian, dư địa hợp tác thương mại, đầu tư còn rất lớn.

Thủ tướng vui mừng khi có đông đảo đại biểu doanh nghiệp tham dự hội nghị, mong muốn không khí sôi động, khí thế tại hội nghị sẽ chuyển thành động lực, cảm hứng để doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư hiệu quả hơn, ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, đong đếm được, mang lại lợi ích thiết thực cho hai đất nước, nhân dân hai nước, góp phần giúp mỗi bên xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

"Tình hữu nghị của chúng ta là đặc biệt, có một không hai. Trong chiến tranh, chúng ta đã chiến đấu bên nhau và lịch sử đã chứng minh là chúng ta không thể bỏ được nhau. Ngày nay, chúng ta càng phải hỗ trợ, giúp đỡ nhau một cách vô tư, trong sáng, hiệu quả để phát triển kinh tế-xã hội, đây là yêu cầu khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, ủng hộ, hỗ trợ nhau trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, bảo đảm nhất quán về chính sách; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích các ngành, lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên…

Để thúc đẩy hợp tác đầu tư hiệu quả giữa hai bên trong thời gian tới, Thủ tướng đánh giá cao và nhất trí với ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị, đồng thời nhấn mạnh về chiến lược, cần tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, để nâng cao năng lực nội tại nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở mỗi nước gắn với chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thủ tướng cho biết, hai Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy các dự án kết nối hạ tầng giao thông theo hướng trọng tâm, trọng điểm để giảm chi phí logistics.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, hoạt động tại Lào tuân thủ pháp luật, góp ý với Chính phủ hai nước trong xây dựng, hoàn thiện thể chế; ngoài mục tiêu lợi nhuận còn phải góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, đóng góp bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, làm cho tình hữu nghị Việt Nam-Lào ngày càng khăng khít; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro với Nhà nước và nhân dân Lào.

Thủ tướng hy vọng, đến sang năm, khi tổ chức hội nghị mới thì có kết quả lớn hơn năm nay.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đánh giá cao và mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội Lào - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhất trí cao với ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đánh giá cao và mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội Lào.

Chính phủ Lào với trách nhiệm của mình sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp, tìm giải pháp giải quyết giúp các nhà đầu tư Việt Nam vượt qua khó khăn, kinh doanh hiệu quả, làm ăn ngày càng vững mạnh trên đất nước Lào, đạt các mục tiêu đề ra.

Ông giao các bộ, ngành tiếp tục chủ trì nghiên cứu, xem xét, xử lý các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng cởi mở, công khai, minh bạch, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, giải quyết mọi vấn đề vướng mắc, điểm nghẽn trong đầu tư kinh doanh, tạo động lực mới để đẩy mạnh mở cửa hội nhập, thu hút đầu tư, tăng cường nguồn ngoại lực để phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài với tinh thần thu hút lao động có tay nghề, chất lượng.

Thủ tướng Sonexay Siphandone khẳng định Lào sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực Lào có tiềm năng; đề nghị thúc đẩy thương mại song phương trong bối cảnh Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và năng lực trong xuất nhập khẩu hàng hóa; tiếp tục nghiên cứu, phát triển cơ sở hạ tầng kết nối hai nước, trong đó có các tuyến cao tốc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, với mong muốn có sự đột phá trong hợp tác đầu tư với Lào trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Lào thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào như năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nhất là tại khu vực biên giới hai nước.

Trong đó, trọng tâm là thúc đẩy các dự án quy mô lớn về năng lượng tái tạo, khai thác khoáng sản gắn với chế biến sâu; nghiên cứu phương án đầu tư 3 bên, mời các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước tiên tiến khác cùng tham gia vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và các dự án phát triển, kết nối hạ tầng; kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghiên cứu đầu tư khu phức hợp du lịch-nghỉ dưỡng cao cấp, quy mô lớn tại Lào; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, kinh nghiệm sang Lào đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, thu mua sản phẩm, chế biến tại chỗ và xuất khẩu.

Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với phía Lào kinh nghiệm thu hút và quản lý hiệu quả đầu tư nước ngoài, đồng hành cùng với Lào trong việc xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.

Trên cơ sở chỉ đạo của hai Thủ  tướng và kiến nghị của các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương liên quan sẽ tổ chức triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào việc xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, có hiệu quả.

Hà Văn

Báo Chính phủ

Các tin tức khác

>   CNN đưa Lào vào danh sách 23 địa điểm tốt nhất để đến thăm trong năm 2023 (04/01/2023)

>   Lào cho phép triển khai dự án phong điện lớn nhất Đông Nam Á (07/12/2022)

>   Đằng sau kim ngạch xuất khẩu bùng nổ sang Trung Quốc của Lào (01/12/2022)

>   Campuchia có thể có thêm nhiều thỏa thuận thương mại song phương (21/11/2022)

>   Thủ tướng Hun Sen: Campuchia muốn tham gia chuỗi liên kết sản xuất với Việt Nam (09/11/2022)

>   Lào vào danh sách thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam (26/10/2022)

>   Campuchia kỳ vọng xuất khẩu hàng may mặc sang Hàn Quốc sẽ tăng vào năm 2023 (17/10/2022)

>   Thỏa thuận thương mại giữa Campuchia và Hàn Quốc sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2022 (06/10/2022)

>   Campuchia đã phê duyệt 150 dự án đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2022 (13/10/2022)

>   Lào xây nhà máy phong điện, dự kiến xuất khẩu điện sang Việt Nam (19/09/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật