Hình ảnh mặt sân xuống cấp, các thiết bị cũ kỹ và xuống cấp của Sân vận động Mỹ Đình thời gian gần đây không khỏi khiến nhiều người xót ruột và đặt câu hỏi, làm thế nào để sân bóng tầm cỡ quốc gia luôn đẹp. Huy động nguồn lực nào để làm việc này, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước nhưng xã hội vẫn có những sản phẩm chất lượng phục vụ người dân?
Mặt cỏ sân Mỹ Đình trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Malaysia
|
Tại một hội nghị mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến câu chuyện sân Mỹ Đình cũng như một số công trình khác như công viên Thống Nhất, và khơi gợi vấn đề hợp tác công tư, rằng không chỉ lĩnh vực giao thông, mà hợp tác công tư cần nhân rộng ra ở quản lý công viên, trụ sở, sân vận động, quản lý nhà khách hoặc một số cơ sở hạ tầng khác. Các cấp, ngành cần nghĩ rộng ra.
Câu chuyện gắn với thời sự về việc vận hành sân vận động quốc gia Mỹ Đình cũng như các công trình văn hóa, thể thao khác có thể xem là chìa khóa đổi mới về huy động nguồn lực, quản lý, vận hành các công trình loại này.
Thủ tướng Chính phủ luôn nêu rõ quan điểm, những gì tư nhân làm tốt, làm hiệu quả thì Nhà nước để tư nhân làm. Cụ thể hơn, Người đứng đầu Chính phủ còn chỉ ra 3 mô hình để đẩy mạnh hợp tác công tư, đó là: Lãnh đạo công và quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công. Đây là những mô hình đã được chứng minh có hiệu quả trong thực tế.
Thật vậy, với sân vận động Mỹ Đình, nếu có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, của xã hội thì việc vận hành sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Nhìn rộng ra các nước trên thế giới, phần lớn các sân vận động đều được nhà nước giao quyền quản lý khai thác cho các CLB hoặc tư nhân. Khi được trao quyền, CLB hoặc tư nhân luôn có kế hoạch khai thác hết công năng của sân một cách hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, tin ở tư nhân, mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đó mới chính là cách huy động nguồn lực xã hội hữu hiệu nhất. Nguồn lực nếu chỉ trông chờ ngân sách là luôn luôn khó, tư nhân đầu tư có nhiều kênh huy động và sử dụng đồng vốn hiệu quả.
Tất nhiên, quyền quản lý, khai thác ấy phải chịu sự ràng buộc bởi những quy định pháp lý. Vấn đề đặt ra là làm sao hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", như vậy, sự hợp tác công tư mới bền vững.
Chúng ta hiểu rằng khi đổ tiền đầu tư, doanh nhân hay doanh nghiệp luôn đau đáu tới việc làm sao khai thác tốt nhất để có nguồn thu, trang trải chi phí và dần thu hồi vốn bởi "đồng tiền đi liền khúc ruột". Nhưng nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, quên mất lợi ích cộng đồng thì việc quản lý tư sẽ đi chệch đường ray. Cần phải rạch ròi, hài hòa với mục tiêu - trong cái chung có cái riêng, như vậy hợp tác công tư mới đơm hoa kết trái và bền vững.
Trở lại câu chuyện sân Mỹ Đình, cần sớm nghiên cứu triển khai cơ chế hợp tác như gợi mở của Thủ tướng. Một cơ chế tốt sẽ như ánh nắng rực rỡ, giúp cỏ của sân Mỹ Đình sớm xanh tươi trở lại.
Đức Tuân
Báo Chính phủ