Thứ Bảy, 21/01/2023 10:00

Hành trình phá đỉnh của giá xăng

Năm qua, có thể xem là một năm đầy biến động của giá xăng với 17 lần tăng giá, 15 lần giảm giá và 1 lần giữ nguyên giá.

Kết phiên cuối năm 2021, giá xăng E5RON92 dừng ở mức 22,550 đồng/lít, giá xăng RON95 là 23,295 đồng/lít, dầu Diesel là 17,579 đồng/lít, dầu hỏa là 16,518 đồng/lít và dầu Mazut là 15,745 đồng/kg.

Kỳ điều chỉnh ngày 21/12/2022 cũng là kỳ điều chỉnh cuối cùng của năm 2022. Trong năm, giá xăng dầu ghi nhận 17 lần tăng giá, 15 lần giảm giá và 1 lần giữ nguyên giá bán lẻ.

Kết năm, mỗi lít xăng RON95 giảm 2,588 đồng so với đầu năm, xuống còn 20,707 đồng/lít; mỗi lít xăng E5RON92 giảm 2,575 đồng, còn 19,975 đồng/lít.

Trong khi đó, mỗi lít dầu Diesel lại tăng 4,022 đồng so với đầu năm, lên mức 21,601 đồng/lít; mỗi lít dầu hỏa tăng đến 5,318 đồng, lên mức 21,836 đồng/lít và mỗi ký dầu Mazut giảm 2,882 đồng, về mức 12,863 đồng/kg.

Dù kỳ điều chỉnh cuối cùng của năm ghi nhận giá xăng dầu thấp hơn so với đầu năm, nhưng trong năm đã có thời điểm giá bán lẻ xăng dầu vượt mốc 32,000 đồng/lít.

Cụ thể, tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/06/2022, sau 7 kỳ tăng liên tiếp, giá bán lẻ xăng RON95 là 32,873 đồng/lít, giá xăng E5RON92 là 31,302 đồng/lít, giá dầu Diesel là 30,019 đồng/lít, giá dầu hỏa là 28,785 đồng/lít và giá dầu Mazut là 20,735 đồng/kg.

Việc giá dầu trong nước lần đầu tiên cao hơn giá xăng được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lý giải tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022. Ông cho hay trong cơ cấu giá xăng, dầu, các mức thuế, chi phí định mức rất khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn cao hơn dầu. Tuy nhiên, từ kỳ điều hành ngày 05/09/2022, do giá dầu thế giới cao hơn rất nhiều so với giá xăng, dẫn đến giá bán lẻ dầu trong nước vượt giá xăng.

Ngày 30/12/2022, Ủy ban thường Vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, thay thế Nghị Quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 của UBTVQH, áp dụng từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với mặt hàng xăng, trừ ethanol là 2,000 đồng/lít (tăng 1,000 đồng/lít so với mức hiện hành theo Nghị Quyết số 20/2022/UBTVQH15); nhiên liệu bay là 1,000 đồng/lít (như hiện hành); dầu Diesel là 1,000 đồng/lít (tăng 500 đồng/lít so với hiện hành); dầu hỏa là 600 đồng/lít (tăng 300 đồng/lít so với hiện hành); dầu Mazut là 1,000 đồng/lít tăng (700 đồng/lít so với hiện hành); dầu nhờn là 1,000 đồng/lít (tăng 700 đồng/lít so với hiện hành); mỡ nhờn là 1,000 đồng/kg (tăng 700 đồng/kg so với hiện hành).

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thực hiện việc điều chỉnh giá bán mặt hàng xăng dầu tương ứng với mức điều chỉnh thuế BVMT từ ngày 01/01/2023: Xăng E5RON92 là 21,020 đồng/lít (tăng 1,045 đồng/lít); xăng RON95-III là 21,807 đồng/lít (tăng 1,100 đồng/lít); dầu Diesel là 22,151 đồng/lít (tăng 550 đồng/lít); dầu hỏa là 22,166 đồng/lít (tăng 330 đồng/lít); dầu Mazut là 13,633 đồng/kg (tăng 770 đồng/kg).

Tiếp đến, trong phiên điều hành hôm 03/01, Bộ Công thương tiếp tục điều chỉnh giá xăng theo đúng kỳ với xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, nhà điều hành tăng thêm 330 đồng/lít với xăng E5RON92, xăng RON95 tăng 350 đồng/lít và dầu Diesel giữ nguyên giá. Tại kỳ điều hành lần này, liên bộ trích lập quỹ bình ổn giá đối với dầu Diesel ở mức 605 đồng/lít, đồng thời chi quỹ bình ổn giá với xăng E5RON92 ở mức 350 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít.

Và kỳ điều hành 11/01/2023 gần đây nhất cũng là kỳ điều chỉnh cuối cùng trong năm Nhâm Dần, giá xăng E5RON92 và RON95 giữ nguyên ở mức 21,350 đồng/lít và 22,150 đồng/lít; trong khi dầu Diesel giảm 520 đồng/lít, còn 21,630 đồng/lít.

Bộ Công thương vừa đưa dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu để lấy ý kiến. Tại dự thảo này, Bộ Công thương cho rằng không nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu như một số đề xuất trước đó.

Do quỹ bình ổn giá là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành. Nếu bỏ quỹ này sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.

Bộ Công thương đề xuất 3 phương án đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, phương án đầu tiên là giữ nguyên quy định về quản lý quỹ bình ổn giá hiện hành.

Phương án thứ hai là giữ quỹ bình ổn giá nhưng sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ quỹ cụ thể. Theo đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi quỹ bình ổn giá khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.

Phương án cuối cùng là bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Nhà nước chỉ quy định công thức tính giá chung, công bố một số khoản trong cơ cấu giá định hướng (gồm giá thế giới, các loại thuế, phí), doanh nghiệp tự xác định chi phí thực tế của doanh nghiệp cùng với các yếu tố do Nhà nước công bố để tính giá bán xăng dầu của đơn vị mình ra thị trường và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các mức chi phí phát sinh trước pháp luật. Nhà nước thực hiện hậu kiểm để giám sát việc xác định các mức chi phí nêu trên.

Tuy nhiên, khi bỏ quỹ, Nhà nước không có công cụ để can thiệp và điều tiết để điều hành kinh tế vĩ mô chung (do xăng dầu là đầu vào quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội), đặc biệt khi giá xăng dầu tăng cao hoặc vào những giai đoạn nhạy cảm như lễ, tết, thị trường có nhiều biến động, khiến giá của các mặt hàng khác nhau tăng theo (do tại Việt Nam có hiện tượng “lạm phát kỳ vọng”, “lạm phát tâm lý”) và khi giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng khác lại không giảm theo tương ứng.

Do đó, Bộ Công thương đề xuất lựa chọn phương án thứ hai, tức là tiếp tục giữ Quỹ bình ổn giá, tuy nhiên có quy định cụ thể về các trường hợp phải sử dụng quỹ (trích lập và chi). Đồng thời công thức giá có sự thay đổi theo hướng Nhà nước chỉ công bố giá định hướng gồm các yếu tố về giá thế giới, các loại thuế, lợi nhuận định mức, các chi phí khác do doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán.

Cũng tại Dự thảo này, Bộ Công thương đề xuất phương án rút ngắn thời gian điều hành còn 7 ngày, vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ, trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, 2 và 3 tháng 1 Âm lịch của tết Nguyên đán (sẽ được chuyển sang ngày mùng 4).

Bên cạnh đó, về điều hành giá xăng dầu, cơ quan quản lý đề xuất phương án Nhà nước sẽ chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, còn giá bán lẻ do doanh nghiệp quyết định sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế, với lý do cần đưa giá xăng dầu dần về sát với thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước.

Song, Bộ Công thương nhìn nhận phương án này có nhược điểm là trên thị trường sẽ xuất hiện nhiều mức giá xăng dầu, khi người dân chưa quen sẽ có phản ứng với giá của các doanh nghiệp có chi phí cao. Đối với những địa bàn có nhiều doanh nghiệp cung cấp xăng dầu, quy định này sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh để giảm giá bán xăng dầu.

Cát Lam

Design: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   Giá xăng nhập tăng mạnh (19/01/2023)

>   Dầu suy giảm do lo ngại về suy thoái tại Mỹ (19/01/2023)

>   Dầu Brent tăng gần 2% với hy vọng nhu cầu của Trung Quốc phục hồi (18/01/2023)

>   Dầu giảm nhẹ, nhưng vẫn gần mức đỉnh đầu năm 2023 (17/01/2023)

>   Lùi thời gian điều chỉnh giá xăng dầu vào 1/2 (16/01/2023)

>   Khắc phục xong sự cố tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đạt 100% công suất (15/01/2023)

>   Vọt hơn 8%/tuần, dầu chứng kiến tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2022 (14/01/2023)

>   Đề xuất sửa quy định về phương thức điều hành giá xăng dầu (13/01/2023)

>   Giá dầu thế giới có thể giảm trong 6 tháng cuối năm 2023 (13/01/2023)

>   Dầu tăng hơn 1% sau dữ liệu lạm phát của Mỹ (13/01/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật