Con đường để Việt Nam thành nước phát triển: Cần giai đoạn tăng trưởng thần kỳ
Việt Nam đạt tăng trưởng nhanh nhưng chưa đủ, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn đáng lo ngại. So với các nước phát triển và cả các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực nhiều để thoát nguy cơ tụt hậu.
Giấc mơ nước thu nhập cao
Ngày 9/1, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030. Trong đó, mục tiêu là đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Còn giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5-7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000-32.000 USD - ngưỡng thu nhập cao.
Những con số này là mục tiêu rất tham vọng, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc, nhất là khi so sánh GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2030 là 7.500 USD với các nước trong khu vực.
Thực tế, đây không phải là mức thu nhập cao nếu so với các nước xung quanh Việt Nam. Nếu mục tiêu như Quốc hội đưa ra đạt được thì năm 2030, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ tương đương Malaysia vào năm 2007.
Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu kinh tế nổi bật. Ảnh: Hoàng Hà
|
Còn năm 2022, GDP bình quân đầu người của Thái Lan đạt khoảng 7.300 USD, trong khi Việt Nam là 4.110 USD. Như vậy, đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng chỉ tương đương Thái Lan hiện tại.
Điều đáng mừng là khoảng cách của Việt Nam với một số nước trong khu vực đã giảm đáng kể. Năm 2007, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người Việt Nam mới chỉ đạt gần 900 USD, trong khi Malaysia là 7.400 USD (gấp gần 8 lần). Indonesia và Philipines gần 2.000 USD (gấp hơn 2 lần Việt Nam), Thái Lan khoảng 4.000 USD, gấp hơn 4 lần Việt Nam.
Trong khi đó, so sánh con số của năm 2022 thì Việt Nam chỉ thua Malaysia 3 lần, kém Thái Lan chưa đến 2 lần, đã vượt qua Philippines, tương đương Indonesia thay vì thua kém hai quốc gia này hơn 2 lần như hồi năm 2007.
Điều đó cho thấy, nếu cố gắng nỗ lực và có nhiều giải pháp hiệu quả, Việt Nam có cơ hội thu hẹp khoảng cách với các nước. Nhưng muốn bứt phá lên được, đạt thứ hạng cao hơn, Việt Nam cần có nhiều giải pháp đột phá.
Một điều cần lưu ý là, GDP bình quân đầu người chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi GDP bình quân đầu người dưới 7.000 USD. Khi GDP bình quân đầu người càng cao thì tốc độ tăng sẽ chậm lại. Còn khi GDP đạt mức bình quân 10.000 USD thì để tăng trưởng 6,5-7%/năm là điều gần như hiếm khi đạt được. Nhìn tốc độ tăng trưởng của Malaysia, Thái Lan như đã đề cập ở trên là minh chứng khi tốc độ tăng GDP bình quân đầu người chậm lại đáng kể khi chạm ngưỡng 7.000 USD hay 10.000 USD.
Với nhiều quốc gia đã phát triển như Mỹ, Nhật hay các nước thuộc EU, mức tăng trưởng dương đã là nỗ lực rất lớn.
Cho nên, mục tiêu giai đoạn 2031-2050, Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7,5%/năm là điều rất khó khăn.
Duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài là điều Việt Nam chưa làm được.
|
Thách thức lớn
Trong khi đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với việc tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, ngoại trừ năm 2022 đạt mức 8,02% trên nền tăng trưởng rất thấp của năm 2021 do Covid-19.
Cụ thể, nhiều nghiên cứu đã thống kê: Chiến lược lần thứ nhất 1991-2000, tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,56%, trong đó năm cao nhất là 9,5% (năm 1995). Chiến lược lần thứ hai (2001-2010), tăng trưởng bình quân đạt 7,26%, trong đó năm cao nhất là 8,7% (năm 2005). Chiến lược lần thứ ba (2011-2020), tăng trưởng bình quân đạt 5,95% (GDP chưa đánh giá lại), trong đó năm cao nhất là 7,08% (năm 2018).
Những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay gần đây hơn, nền kinh tế Trung Quốc, đều đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng cao kéo dài trong hơn 3 thập niên, kể cả khi nền kinh tế đã đạt tới quy mô lớn, vượt xa quy mô kinh tế Việt Nam hiện nay.
Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần bày tỏ lo ngại: "Nguy cơ Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn về năng suất so với các quốc gia trong khu vực, thậm chí nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là khá lớn".
Nghiên cứu của TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, chỉ ra rằng: Các nền kinh tế châu Á đã vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình phải nâng tốc độ tăng trưởng GDP lên 8,2-10,5%/năm trong 5-9 năm liên tục.
Cuộc đua của Việt Nam rất khó khăn vì tốc độ tăng trưởng thấp hơn hẳn. Đỉnh cao đổi mới kinh tế cũng chỉ có 19 năm tăng trưởng trên 7%/năm (1989-2007), rồi sau khi lên mức thu nhập trung bình thấp năm 2010 đã tăng chậm lại dần. Rõ ràng, mô hình tăng trưởng cũ kéo dài đến hiện nay không cho phép kinh tế Việt Nam bứt phá cần thiết để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam dần thu hẹp với các nước trong khu vực, nhưng khoảng cách vẫn còn lớn.
|
Nghiên cứu này cũng cho thấy thách thức rất lớn cho Việt Nam. Với mức tăng trưởng GDP/người bình quân từ 7% trở lên thì Việt Nam có thể đuổi kịp các nước trung bình ở Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia. Còn muốn bắt kịp Trung Quốc thì Việt Nam phải tăng trưởng ở mức 10,48%, muốn sánh ngang với Hàn Quốc thì phải đạt tốc độ 11,08% trong 30 năm tới.
Những điều thần kỳ gần như thế đã từng được các nước công nghiệp hóa thành công thực hiện. Hàn Quốc tăng tốc kinh tế 9,3%/năm liên tục 38 năm (1960-997); Trung Quốc tăng trưởng 9,8%/năm suốt 37 năm (1978-2014), trong đó có 15 năm liên tục đạt mức trên 10%/năm. Israel tăng trưởng trên 10%/năm trong 22 năm liên tiếp (1950-1972).
Điều đó đặt ra vấn đề Việt Nam phải đổi mới mô hình tăng trưởng. PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không ít lần khuyến nghị: Việt Nam cần xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển theo tinh thần phục vụ thị trường, phục vụ doanh nghiệp, thể chế quản trị phát triển hiện đại, phù hợp các cam kết hội nhập; tuân thủ nguyên tắc “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” trong việc phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và triển khai chiến lược thu hút FDI.
Lương Bằng
Vietnamnet
|