TP.HCM đón năm mới với ba “từ khóa” phát triển
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ nếu giải quyết thấu đáo những điểm nghẽn trong ba lĩnh vực “thể chế - hạ tầng - nhân lực”. Năm 2022 là năm trung ương đã cho thấy tinh thần quyết tâm tháo gỡ cơ chế cho TP.HCM với các nghị quyết có tính nền tảng, chiến lược quan trọng (như Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới…). Năm 2023 sẽ sớm triển khai kế hoạch thực hiện, trong đó nhiều vấn đề về phân cấp, phân quyền trong tổ chức của bộ máy chính quyền đô thị sẽ được thúc đẩy; các định chế tài chính sẽ áp dụng thí điểm tại thành phố, trong đó đặc biệt là Trung tâm tài chính Quốc tế TP.HCM…
Tất nhiên, vai trò chủ động tham mưu, đề xuất và đảm bảo hiệu quả thực thi của thành phố phải được phát huy cao độ. Điểm nghẽn tồn tại lâu nay là vai trò chỉ dẫn, phối hợp, tháo gỡ từ các bộ, ban ngành trung ương đã được các văn bản nghị quyết đặt ra thành một trọng tâm phải giải quyết và người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu “không được thoái thác trách nhiệm”. Nếu những cam kết chính trị nói trên đi vào thực tiễn, đây sẽ là cơ hội lớn cho thành phố khơi thông nội lực và cất cánh thật sự từ năm 2023 trở đi.
Cũng trong tháng cuối năm 2022, TP.HCM dồn dập khởi công các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia mà nổi bật là nhà ga T3, đường nối vào cụm Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Dự kiến khi hoàn thành sẽ nâng công suất phục vụ lên đến 50 triệu lượt khách/năm thay vì 28 triệu lượt khách/năm hiện nay. Điểm nghẽn về chuyển đổi đất, định giá và đền bù đất trong khu vực dự án này vốn đã “tắc” từ nhiều năm qua, chỉ đến khi Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp làm việc, chỉ đạo thì sự việc mới được tháo từng điểm nút.
Trước đó, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư lớn nhất ở khu vực phía Nam từ trước đến nay với con số 75,378 tỷ đồng. Thực tế, hơn chục năm ròng cho một bản quy hoạch đường vành đai nhưng, chỉ đến khi “giọt nước tràn ly” từ hệ quả đại dịch Covid-19 và những thúc bách sống còn của cả một vùng kinh tế phía Nam thì dự án Vành đai 3 mới thực sự là mệnh lệnh hành động. Nhìn xa hơn, sâu hơn, không chỉ là lời giải cho bài toán giao thông nội thị (nhất là khu vực TP.HCM), giao thông kết nối liên vùng ( TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương - Long An), tạo lập bệ phóng phát triển bền vững cho từng địa phương trong tổng thể cân bằng nội lực cho cả toàn vùng; mà còn xác lập tính công bằng trong chiến lược đầu tư phát triển các vùng trọng điểm quốc gia.
Con đường huyết mạch nối hai miền Đông - Tây Nam Bộ này sẽ đảm bảo tính chất vành đai của nó khi từ nút giao Tân Vạn (cửa ngõ của hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP Thủ Đức – TP.HCM) có thể lên cao tốc Bến Lức - Long Thành, qua cao tốc TP.HCM - Trung Lương; nếu rẽ qua hướng Củ Chi, cung đường Vành đai 3 sẽ tiếp với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh - chuẩn bị xây dựng), hướng về Long An lại nối vào nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành – TP.HCM - Trung Lương, tạo một vòng lưu thông khép kín.
Trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang diễn ra với lý do ngắn hạn - bởi hệ lụy từ chính sách zero - covid kéo dài của Chính phủ nước này - và lý do dài hạn - là cuộc cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt Mỹ -Trung, Việt Nam là một trong bảy nước ở vị trí tốt nhất để nhận chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc theo chiến lược “friendshoring” của Mỹ (chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang những nước thân thiện và đáng tin cậy đối với Mỹ). Với trọng tâm là toàn cầu hóa và thu hút đối tác thân thiện, Mỹ và các đồng minh đang xem xét những “đối tác chiến lược” tiềm năng cho chiến lược định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ khởi xướng thông qua các đồng minh - dựa trên sự bổ sung thương mại của họ và không có căng thẳng với Mỹ và EU; cũng như khả năng cạnh tranh của họ với Trung Quốc về chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại truyền thống.
Bước chuyển dịch mang tính chiến lược này là một cơ hội “sáng cửa” cho Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng với cả hai “tư cách” là thị trường sản xuất lẫn thị trường tiêu thụ.
Đón đầu những cơ hội “vàng ròng” như trên cũng đồng thời gia tăng chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường lao động thành phố. Bởi nhìn rộng ra, như đã nêu trong Nghị quyết 31, đã đến lúc phải tính toán mô hình thay thế các mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ “truyền thống” đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” hơn 30 năm qua, để thích ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu với tính chất công nghệ cao - kỹ thuật cao, ít thâm dụng lao động, ít đòi hỏi quỹ đất lớn.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao thì nhiệm vụ hàng đầu chính là đào tạo và chất lượng, hiệu quả đào tạo phải được đặt ra từ căn bản. Cũng từ quý III -2022, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, cũng là Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP.HCM (với 51 cơ sở giáo dục đại học) đã lên kế hoạch “đặt hàng” nhằm đào tạo số lượng lớn lao động có kiến thức và công nhân có kỹ năng để cung cấp cho những nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước. Mà cụ thể là những “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ như Intel, Samsung, Nidec và xu hướng chuyển dịch cơ cấu FDI thời hậu đại dịch đã chọn TP.HCM là thị trường sản xuất lẫn phân phối.
Quốc Học
FILI
|