Thứ Ba, 17/01/2023 06:51

Apple mang chuỗi cung ứng dần ra khỏi Trung Quốc như thế nào

Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc đều đang cạnh tranh nhau vai trò cứ điểm sản xuất của Apple.

Chỉ vài ngày trước dịp lễ Giáng sinh, Trung Quốc đã phải đối diện với đỉnh dịch Covid-19 mới cùng với làn sóng biểu tình vì các biện pháp phòng dịch khắt khe của chính phủ. Trong lúc đó, Apple, thương hiệu thuê gia công lớn nhất của quốc gia tỷ dân, đã âm thầm hoàn tất kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam.

Đây là dự định đã được đối tác Foxconn của Táo khuyết tính toán từ cuối năm 2020 nhưng đến nay mới thành hiện thực. Hãng gia công dự định khánh thành nhà máy đầu tiên tại tỉnh Bắc Giang sớm nhất vào tháng 5 năm nay.

Theo SCMP, cả Apple và Foxconn đều không lên tiếng xác nhận nhưng kế hoạch này phần nào tương đồng với chiến lược biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc của tập đoàn Mỹ. Hiện, Foxconn có hơn 60.000 công nhân ở Việt Nam và đã đầu tư 270 triệu USD để xây nhà máy mới tại đây.

Việt Nam và Ấn Độ đều nằm trong kế hoạch của Apple

Không chỉ Apple, các thương hiệu khác cũng dần tìm cách giảm phụ thuộc vào “công xưởng thế giới” do hàng loạt khó khăn như phí thuê nhân công tăng, đòn thuế quan của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và tình trạng sản xuất trì trệ do chính sách Zero Covid khắc nghiệt.

Việt Nam tranh Trung Quốc ảnh 1

Một nhà máy của Foxconn ở Bắc Giang. Ảnh: Ricons.

Theo SCMP, ngoài Việt Nam, Apple còn mở rộng thị trường hoạt động đến Ấn Độ. Tập đoàn công nghệ đã ký hợp đồng với hãng gia công Wistron để sản xuất iPhone SE ở quốc gia Nam Á từ năm 2017.

Tháng 9/2022, Táo khuyết còn tuyên bố lần đầu tiên sẽ sản xuất iPhone 14 tại đây, chỉ vài tuần sau khi dòng điện thoại mới đến tay người dùng. Điều này đánh dấu một bước nhảy vọt trong kế hoạch chuyển dịch. Ấn Độ giờ đây không chỉ gia công các dòng sản phẩm cũ mà còn chịu trách nhiệm sản xuất những thiết bị mới ra mắt chủ lực của hãng.

“Lịch trình sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ đã được rút ngắn, chỉ sau Trung Quốc 6 tuần. Do đó, rất có thể sang năm sau hai quốc gia này sẽ sản xuất iPhone 15 cùng một thời điểm”, nhà phân tích Ming-Chi Kuo của TF International Securities nhận định.

Vị thế khó thay thế của Trung Quốc

Song, dù là Việt Nam hay Ấn Độ, vẫn chưa quốc gia nào có đủ tiềm lực để cạnh tranh với Trung Quốc về chuỗi cung ứng.

Năm 2022, quốc gia tỷ dân chiếm vị thế dẫn đầu khi có 121 đối tác cung ứng của Apple, chiếm 44-47% tổng số trên toàn cầu. Trung Quốc sở hữu 2.360 nhà máy sản xuất trên toàn quốc, chiếm 19,3% tổng số 12.248 nhà máy. Những số liệu trên cho thấy Trung Quốc chính là công xưởng iPhone hàng đầu thế giới, chỉ sau Mỹ.

Việt Nam tranh Trung Quốc ảnh 2

Bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam đang trở thành quốc gia quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple. Ảnh: 9to5mac.

Trong khi đó, Ấn Độ chỉ xếp vị trí thứ 8 với 2 đối tác (chiếm 0,3%), 278 nhà máy (2,3%) và Việt Nam đứng thứ 14 với 2 đối tác (0,3%), 160 nhà máy (1,3%).

“Apple đã giúp Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu thế giới. Do đó, nếu đánh mất Apple, Trung Quốc cũng sẽ mất những đối tác lớn khác”, Alan Day, nhà sáng lập công ty tư vấn cung ứng State of Flux, nhận định.

Trên thực tế, kế hoạch chuyển dịch của Táo khuyết đã ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu của các đối tác gia công tại Trung Quốc. Luxshare, hãng sản xuất dây cáp, củ sạc, tai nghe cho Apple, đã có pha “nhào lộn” ngoạn mục trên sàn chứng khoán ngay đầu năm 2023.

Cổ phiếu của tập đoàn giảm 9% vào ngày 4/1 ngay khi Nikkei Asia tung tin Táo khuyết chuyển phần lớn chuỗi sản xuất AirPods sang các nước khác. Nhưng chỉ sau một ngày, giá cổ phiếu đã khôi phục trở lại khi Financial Times tiết lộ Luxshare vẫn được Apple chọn làm đối tác sản xuất iPhone trong năm tới.

Đồng thời, quốc gia tỷ dân cũng là thị trường chính của Apple với mức tăng trưởng doanh số ấn tượng. Quý III/2022, doanh số Apple tại Trung Quốc đã tăng 36% trong khi các đối thủ khác như Oppo, Xiaomi đều tụt dốc, theo số liệu từ Canalys.

Kỳ vọng dành cho Việt Nam

Song, theo SCMP, tình hình hỗn loạn của Trung Quốc do đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đã đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ với điểm đến là Việt Nam và Ấn Độ.

Việt Nam tranh Trung Quốc ảnh 3

AirPods Pro 2 có thể sẽ được sản xuất tại Việt Nam nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia.

Nhà phân tích Luke Lin của DigiTimes dự đoán số iPhone được sản xuất ở Ấn Độ sẽ chiếm 1/2 sản lượng toàn cầu vào năm 2027, tăng vọt so với con số 5% ở hiện tại. Dự đoán này còn táo bạo hơn con số 1/4 thị phần mà JPMorgan từng đưa ra, SCMP nhận định.

Sản lượng MacBook và AirPods sản xuất ở Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tăng trong thời gian tới cùng với những đối tác mới đến và tăng cường xây dựng nhà máy ở các khu công nghiệp.

Chuyên gia Alan Day cho rằng kế hoạch dịch chuyển chuỗi cung ứng có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến Apple. “Câu hỏi đặt ra là liệu những đối tác Ấn Độ mất bao lâu để đáp ứng những tiêu chuẩn của Apple”, Day nói. Apple đã hợp tác với Trung Quốc suốt nhiều năm qua và điều này rất khó bị thay thế trong một sớm một chiều.

Thúy Liên

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Chốt phương án bán đấu giá lần 6 chiếc Roll-Royce Ghost của ông Trịnh Văn Quyết (16/01/2023)

>   Lý do Ấn Độ khó thay Trung Quốc để trở thành công xưởng của Apple (15/01/2023)

>   Rolls-Royce Ghost của ông Trịnh Văn Quyết hạ giá lần 5 (14/01/2023)

>   Bloomberg: Apple sẽ tự sản xuất màn hình từ năm 2024 (12/01/2023)

>   'Bão sa thải' trong ngành công nghệ tăng tốc (12/01/2023)

>   Jack Ma tiếp tục từ bỏ quyền kiểm soát công ty phần mềm trong hệ sinh thái Ant Group (11/01/2023)

>   Cuộc đua xe điện của những ông lớn (07/01/2023)

>   Đi ngược làn sóng rút lui khỏi Trung Quốc, Panasonic đầu tư hơn 375 triệu USD (07/01/2023)

>   General Motors vươn lên dẫn đầu về doanh số bán ôtô tại Mỹ (05/01/2023)

>   Người Trung Quốc này trở thành giám đốc quyền lực thứ hai của Tesla sau Elon Musk (04/01/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật