VNDirect Research: Thủy điện sẽ bước khỏi pha thuận lợi trong 2023-2024
Trong bản báo cáo ngành điện ngày 08/12, VNDirect Research từ CTCP Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) nhận định sắp tới sẽ là chu kỳ phát triển mới đến từ năng lượng tái tạo. Thủy điện sẽ rời pha thuận lợi vào 2023-2024 khi La Lina kết thúc, trong khi nhiệt điện đối mặt nhiều rủi ro cả ngắn và dài hạn.
VNDirect cho rằng nhu cầu điện Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2022-2030, do dự báo GDP tăng trưởng nhanh chóng. Theo dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ8), trong kịch bản phụ tải cao, nhu cầu điện dự báo tăng trưởng kép 9.2% trong 2022-2030. VNDirect cho rằng đây là một trong các yếu tố bản lề, củng cố triển vọng ngành điện khi các nhà máy được huy động ở mức công suất cao hơn.
Thủy điện sẽ bước ra khỏi pha thuận lợi trong 2023-2024, triển vọng dần cạn kiệt?
VNDirect dự báo sản lượng huy động kém tích cực hơn cho thủy điện trong 2023-2024 sau năm 2022 rực rỡ.
Cụ thể, thời tiết Việt Nam đã trải qua pha La Nina kéo dài từ quý 4/2021. Theo EVN, giai đoạn 10 tháng năm 2022 tiếp tục ghi nhận trạng thái bất thường với mùa nóng mát mẻ hơn và lượng mưa dồi dào ngay cả trong mùa khô. Theo đó, thủy điện được huy động với mức sản lượng cao nhờ giá bán rẻ, tăng 30% so với cùng kỳ, đạt 82 tỷ kWh và chiếm 36.6% tỷ trọng sản lượng toàn quốc.
Một loạt doanh nghiệp thủy điện đã được hưởng lợi từ thủy văn thuận lợi và ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. VNDirect dự báo thủy điện tiếp tục ghi nhận mức huy động ấn tượng từ nay đến cuối năm khi pha La Nina được dự báo kéo dài đến tháng 1/2023 và bắt đầu chuyển sang pha trung tính.
VNDirect cho rằng xác suất để pha La Nina tiếp tục kéo dài là khá thấp khi pha thời tiết này đã kéo dài hơn dự kiến. Do đó, VNDirect dự báo thủy điện sẽ đóng góp mức sản lượng thấp hơn từ 2023-2024, tạo dư địa huy động cho các nguồn điện khác. Ở khía cạnh giá bán điện bình quân, việc đẩy khung giá huy động của nhiệt điện sẽ đồng thời tạo điều kiện để nguồn thủy điện được huy động với mức giá cao hơn trên thị trường điện cạnh tranh trong các năm tới.
Bên cạnh đó, VNDirect cho rằng triển vọng phát triển thủy điện đang dần cạn kiệt khi dư địa mở rộng công suất nguồn điện này đã đạt giới hạn, sẽ còn dư địa khoảng 6,000 MW thủy điện nhỏ (< 30 MW) trong giai đoạn tới. Thủy điện nhỏ hiện đang được xếp loại là năng lượng tái tạo do ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường và cảnh quan chung. Tuy các nhà máy thủy điện nhỏ phụ thuộc nhiều vào thời tiết và khả năng điều tiết kém, các dự án này được hưởng mức giá bán cao hơn trung bình 20-30% so với giá bán các nhà máy thủy điện công suất lớn nhờ chính sách biểu phí tránh được.
Điện than đối mặt rủi ro ngắn và dài hạn
Trong bối cảnh giá than dự kiến tiếp tục neo cao trong năm sau, khó tiếp tục kỳ vọng sự phục hồi mạnh của nguồn điện này trong năm 2023, đặc biệt khi các nhà máy mới đi vào hoạt động sử dụng 100% than nhập như Nghi Sơn II, Sông Hậu I. Tuy nhiên, VNDirect nhận thấy những triển vọng đỡ u ám hơn cho các nhà máy sử dụng than nội địa và than trộn trong 2023-2024 với áp lực giá thấp hơn các nhà máy than nhập.
Hơn nữa, VNDirect cho rằng các nhà máy tại khu vực miền Bắc sẽ ghi nhận mức huy động sản lượng tối ưu hơn do dự báo nhu cầu điện tại khu vực này sẽ tăng mạnh trong các năm tới. Trong khi đó, các nhà máy tại khu vực miền Nam có thể vẫn gặp áp lực cạnh tranh từ nhiều nguồn điện do tình trạng thừa nguồn tại khu vực.
VNDirect nhận thấy trong ngắn hạn, điện than vẫn đóng vai trò rất quan trọng, và là nguồn điện chạy nền đáng tin cậy với giá rẻ, để đảm bảo tính an toàn của hệ thống trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ của nước ta từ nay đến năm 2030.
Sau nhiều bản sửa đổi, công suất điện than liên tục bị cắt giảm do những chủ chương quyết liệt từ Chính phủ nhằm chuyển đổi năng lượng xanh mạnh mẽ. Sau khi quyết định sẽ không phát triển thêm điện than sau năm 2030, dự thảo mới nhất tiếp tục đưa 5 dự án tổng công suất 6,800MW ra khỏi quy hoạch do những khó khăn trong việc thu xếp vốn của các dự án này.
Tuy nhiên, trên thực tế, sẽ rất khó loại bỏ các dự án này do những vướng mắc về pháp lý, kiện tụng và đền bù nhà đầu tư. Vì vậy, mặc dù đây là những dự án có khả năng cao sẽ không thu xếp được vốn, Bộ Công Thương vẫn phải tiếp tục rà soát và đánh giá tính khả thi của các dự án này. Sau điều chỉnh, công suất điện than dự kiến đạt 30,127 MW trong 2030, chiếm 18.9% tổng công suất, trước khi thu hẹp tỷ trọng xuống còn 6.6% trong năm 2045.
Hiện tại, một số dự án mặc dù đã được đưa vào quy hoạch điện nhưng vẫn đối mặt nhiều vướng mắc pháp lý và khó khăn về nguồn vốn. Trong bối cảnh nguồn cung trong nước cạn kiệt và các nhà máy mới sẽ phải sử dụng than nhập, giá than tăng cao gần đây dấy lên những lo ngại về tính “rẻ” của nguồn điện này. Cùng với những nỗ lực toàn cầu trong việc giảm phát thải, VNDirect nhận thấy triển vọng của điện than đang mờ nhạt dần với khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn. Tuy nhiên, VNDirect nhìn nhận việc tiếp tục phát triển các nguồn điện than ở miền Bắc vẫn là bước đi cần thiết để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng nhanh tại khu vực, nhất là khi tiềm năng năng lượng tái tạo tại khu vực này khá khiêm tốn.
Năng lượng tái tạo và cú hích lớn từ quy hoạch điện 8 (QHĐ8)
Bức tranh ngành điện đang dần trở nên rõ ràng hơn. Theo bản dự thảo tháng 11/2022, ngành điện tập trung tối đa vào điện gió với mức tăng trưởng kép cao nhất đạt 16% trong 2022-2045; tiếp tục loại bỏ 6,800 MW điện than ra khỏi quy hoạch và dự kiến không tiếp tục phát triển điện khí sau 2035, đồng thời phải chuyển dần sang đốt kèm hydrogen. Ngoài ra, bản dự thảo mới đề xuất chỉ tiếp tục phát triển 726 MW công suất điện mặt trời trang trại đã hoàn thành xây dựng hoặc pháp lý, đồng thời khuyến khích tiếp tục phát triển điện mặt trời áp mái cho nhu cầu tự dùng, không bán lên lưới.
Khi QHĐ8 được chính thức ban hành, văn bản này sẽ tạo tiền đề cho chính sách giá năng lượng. VNDircet cho rằng đây là hai văn bản đóng vai trò quan trọng, mở ra “sân chơi” mới cho các doanh nghiệp trong ngành trong giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành điện Việt Nam. Với tiềm năng khổng lồ, điện gió sẽ là tâm điểm phát triển trong giai đoạn 2022-30. Trong đó, điện khí cũng sẽ là sự đồng hành cần thiết để đảm bảo tính an toàn và ổn định của hệ thống.
VNDirect nhận thấy sẽ tiếp tục có một giai đoạn phát triển nóng của nguồn điện này sau khi giai đoạn chạy đua FIT (Feed-in Tariff, được hiểu là biểu giá điện hỗ trợ - Pv) kết thúc. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kép công suất điện gió sẽ đạt mức 16% trong giai đoạn 2022-2045; trong đó, công suất điện gió trên bờ sẽ tăng mạnh 4.6 lần, từ mức 21,480 MW năm 2030 lên 66,050 MW năm 2050. Bên cạnh đó, Việt Nam dự kiến ghi nhận 7,000 MW điện gió ngoài khơi đầu tiên trong giai đoạn 2022-2030, sau đó tăng trưởng công suất sẽ bắt đầu tăng tốc và đạt 87,500 MW trong 2050.
Nhìn chung, công suất điện gió dự kiến chiếm 18% tổng công suất toàn hệ thống trong năm 2030, cao hơn 5 điểm % so với dự thảo hồi tháng 3/2021, sau đó tiếp tục sở hữu tỷ trọng cao nhất đạt 30% trong 2045.
Ở khía cạnh khác, VNDirect nhận thấy xu hướng giảm giá chi phí quy dẫn (LCOE) cũng là yếu tố quan trọng, thúc đẩy sự bùng nổ của nguồn điện này trong tương lai. Tuy rằng hiện tại, suất đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo vẫn đang cao hơn nguồn điện truyền thống, con số này đang dần được thu hẹp nhanh chóng nhờ những cải thiện về hiệu quả công suất cũng như lợi thế kinh tế từ quy mô. Ở chiều ngược lại, dự kiến các nguồn nhiệt điện sẽ ghi nhận LCOE ngày càng tăng do những cải tiến “xanh” để giảm phát thải cũng như chi phí đầu vào ngày càng tăng cao.
Đối với điện mặt trời trang trại, sau khi phát triển ồ ạt trong giai đoạn 2019-2021 và hiện đang chiếm tỷ trọng lớn đạt 21% tổng công suất hệ thống, nguồn điện này sẽ được dừng phát triển mới từ nay đến 2030. Ngoài ra, đối với 2,360 MW điện mặt trời trễ giá FIT được Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục phát triển trong các dự thảo trước, con số đã được điều chỉnh giảm đáng kể trong bản dự thảo mới.
Ngoài ra, dự thảo QHĐ8 mới nhất cũng khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà cho mục đích tự sử dụng và không bán lên lưới. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang làm việc với các bên liên quan để xây dựng khung chính sách tiếp tục phát triển các dự án này.
Châu An
FILI
|