Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4.6 triệu đồng/người/tháng
Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, tình hình đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4.6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9.5% so với năm 2021.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước tăng 9.5% so với năm 2021
|
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với tháng trước là 90.5%. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm 2021 là 85.5%; tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm là 14.5% do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3.6%, giảm 0.8 điểm phần trăm so với năm 2021. Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, tình hình đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4.6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9.5% so với năm 2021.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý 4/2022 là 7.7 triệu đồng/tháng, tăng 71 ngàn đồng so với quý trước và tăng 1.6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nhập của lao động nam là 8.1 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7.1 triệu đồng/tháng. Tính chung năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7.5 triệu đồng/tháng, tăng 992 ngàn đồng so với năm trước.
Trong năm 2022, có 23.5% hộ gia đình nhận được sự trợ giúp từ các nguồn hỗ trợ khác nhau. Cụ thể, tỷ lệ hộ nhận được trợ giúp từ các chương trình, chính sách chung của quốc gia là 9.5%; từ họ hàng, người thân là 11.8%; từ các chương trình, chính sách của địa phương là 8.7%; từ các hoạt động từ thiện của các tổ chức và cá nhân khác là 4.9% và từ các nguồn khác là 0.1%.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 30/11/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đã giải ngân khoảng 3.74 ngàn tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 123 ngàn lượt doanh nghiệp với gần 5.3 triệu lượt lao động. Trong đó, hỗ trợ 3,213.6 tỷ đồng cho 4.82 triệu lượt người lao động đang làm việc trong hơn 94 ngàn doanh nghiệp; hỗ trợ 527.2 tỷ đồng cho gần 451 ngàn lượt lao động quay trở lại thị trường lao động tại gần 29 ngàn doanh nghiệp. Ngoài ra, để người dân không bị thiếu đói, tính từ đầu năm đến nay Chính phủ cấp xuất tổng số 24.8 ngàn tấn gạo hỗ trợ cho 492.5 nghìn hộ với 1.6 triệu nhân khẩu. Trong đó: Gần 14 ngàn tấn gạo hỗ trợ cho 291.7 ngàn hộ với 930.6 ngàn nhân khẩu trong dịp Tết Nhâm Dần; 10.4 ngàn tấn gạo cho 192.4 ngàn hộ với 691.4 ngàn khẩu dịp giáp hạt; 432.7 tấn gạo hỗ trợ hậu quả khắc phục thiên tai cho 8.4 ngàn hộ với 28.9 ngàn nhân khẩu.
Công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chăm lo cho hộ nghèo. Trong năm 2022, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 14.4 ngàn tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4.7 ngàn tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 2.4 ngàn tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói các đối tượng bảo trợ xã hội hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là hơn 2.7 ngàn tỷ đồng; hỗ trợ tình hình đột biến, bất thường, nổi bật khác phát sinh tại địa phương là gần 4.6 ngàn tỷ đồng. Có gần 29.8 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến ngày 29/11/2022, trên cả nước có: 5,869/8,225 xã (chiếm 71.4%) đạt chuẩn nông thôn mới; 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17.1 tiêu chí/xã; 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 39.6% số huyện cả nước) và 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhật Quang
FILI
|