Thứ Năm, 08/12/2022 09:11

Rút khỏi Trung Quốc, nhiều ông lớn may mặc Nhật Bản chuyển sản xuất sang Việt Nam, Campuchia

Nhiều ông lớn sản xuất quần áo Nhật Bản đang chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong bối cảnh chi phí lao động ở nước này ngày càng tăng và chính sách Zero COVID khiến nhiều công ty lo ngại.

Giữa bối cảnh đồng Yên mất giá và chi phí nguyên vật liệu thô ngày càng tăng, các công ty may mặc đang tìm mọi cách để giảm chi phí. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – vốn đã có hiệu lực vào tháng 1/2022 – đã mở ra con đường mới cho các công ty này.

Các công ty may mặc lớn, như Adastria, Aoyama Trading và các nhà cung cấp của Uniqlo, đang chuyển một số cơ sở sản xuất sang các nước thành viên RCEP ở Đông Nam Á, qua đó tận dụng việc giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu hàng dệt may.

Adastria – sở hữu các thương hiệu thời trang nổi tiếng bao gồm Global Work – đã tăng sản xuất tại Campuchia và Việt Nam từ năm nay, chủ yếu cho các sản phẩm tiêu chuẩn như áo blouse. Tỷ lệ sản xuất ở Đông Nam Á (xét theo lượng hàng tính đến tháng 8/2022) đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên 22%.

Công ty này đang lên kế hoạch mở rộng khu vực sản xuất sang Indonesia, Bangladesh và các quốc gia khác, đồng thời tăng sản lượng ở Đông Nam Á lên 50% trước tháng 2/2026.

Trong lượng hàng nhập khẩu vào Nhật Bản của Adastria, tỷ lệ mặt hàng được sản xuất tại Trung Quốc đã giảm xuống 59% vào năm 2021, từ mức 81% cách đây một thập kỷ.

Trong khi đó, Aoyama Trading, chuyên sản xuất trang phục nam giới, đang mở rộng hoạt động thu mua sản phẩm từ Indonesia và Việt Nam. Hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 36% lượng nhập khẩu của Aoyama Trading trong năm tài khóa 2021, giảm 7 điểm phần trăm so với năm trước. Chủ tịch Aoyama Trading, Osamu Aoyama cho biết: “Trong trung và dài hạn, tỷ lệ sản xuất ở Trung Quốc có thể sẽ giảm thêm”.

Matsuoka Corporation, nhà cung ứng cho Uniqlo, sản xuất 50% lượng quần áo tại Trung Quốc trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, nhưng dự định giảm tỷ lệ này xuống 29% vào năm tài khóa 2025.

Trong giai đoạn này, họ sẽ tăng sản xuất ở Bangladesh từ 28% lên 34% và Việt Nam từ 16% lên 28%. Công ty cũng đang tăng công suất sản xuất ở hai quốc gia này, và đã cam kết đầu tư 8.7 tỷ Yên (tương đương 64 triệu USD) để đầu tư vào các nhà máy mới trong giai đoạn 2 năm kết thúc vào tháng 3/2023.

Nhiều quy trình trong ngành may mặc vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bàn tay của con người vì công việc may vá khó lòng tự động hóa. Điều này khiến chi phí lao động trở thành chi phí sản xuất lớn nhất bên cạnh nguyên vật liệu thô.

Bắt đầu từ thập niên 80, các công ty bắt đầu chuyển sản xuất từ Nhật Bản sang Trung Quốc để tìm kiếm lao động giá rẻ. Nhưng từ năm 2010, họ bắt đầu mở rộng sang Đông Nam Á như một phần của chính sách "Trung Quốc cộng 1", trong bối cảnh chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự phát triển kinh tế của nước này.

Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETO), mức lương trung bình hàng tháng của công nhân nhà máy ở Quảng Châu (Trung Quốc) gần đây ở mức 670 USD, vượt xa mức lương hàng tháng khoảng 270 USDTp.HCM của Việt Nam và 120 USD ở Dhaka, Bangladesh.

Ngoài ra, việc áp phong tỏa quy mô lớn để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất và logistics ở Trung Quốc. Các nhà sản xuất hàng may mặc của Nhật Bản gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu, qua đó phơi bày rủi ro từ việc tập trung sản xuất ở Trung Quốc.

Không chỉ ngành may mặc tăng cường thu mua hàng hóa ở Đông Nam Á. Gã khổng lồ nội thất và đồ gia dụng Nitori đang lên kế hoạch mua đất để mở rộng sản xuất tại một nhà máy của họ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà sản xuất đồ nội thất văn phòng Okamura đã điều chỉnh vật liệu được sử dụng cho đệm ghế để có thể sử dụng vật liệu từ bên ngoài Trung Quốc.

Nhưng trong một dấu hiệu cho thấy nhiều công ty vẫn coi Trung Quốc là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của mình, Okamura có kế hoạch tăng cường mua một số nguyên liệu khác từ nước này.

Đối với các công ty may mặc, một phần sức hấp dẫn của Trung Quốc vẫn là vị trí gần Nhật Bản.

Giám đốc tài chính Hiroyuki Kaneko của Tập đoàn Matsuoka cho biết: “Trung Quốc có năng lực công nghệ cao và chuỗi cung ứng rất phát triển đối với các nguyên liệu thô như vải”.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)

FILI

Các tin tức khác

>   Hà Nội cần kịch bản về khiếu nại đất đai khi làm vành đai 4 (08/12/2022)

>   Sai phạm tại Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn: Khởi tố thêm cựu tổng giám đốc (07/12/2022)

>   TPHCM: Hàng chục nhà đất công trở thành bãi... trông xe (07/12/2022)

>   Đắk Lắk xuất khẩu nông sản triệu đô, Nghệ An thu ngân sách đạt kỷ lục (07/12/2022)

>   Ngành đường sắt đặt mục tiêu không lỗ, phấn đầu có lãi từ năm 2023 (07/12/2022)

>   Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho ngành sản xuất (08/12/2022)

>   Dự kiến thời gian xét xử vụ ông Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh (07/12/2022)

>   Lãi suất ngân hàng quá cao, nhiều doanh nghiệp không thể cầm cự nổi (07/12/2022)

>   Tập đoàn Samsung sẽ nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD (06/12/2022)

>   Gầy dựng 'sếu đầu đàn' dẫn dắt nền kinh tế (06/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật