TPHCM: Hàng chục nhà đất công trở thành bãi... trông xe
Đây là thực tế diễn ra tại một số địa bàn TPHCM, gây lãng phí lớn trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Chiều 7/12, kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra với phần thảo luận tại tổ xoay quanh tình hình kinh tế - xã hội thành phố.
Đại biểu Huỳnh Khắc Điệp - Bí thư Quận ủy Bình Tân - nêu hiện trạng liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn tài sản và đất công trên địa bàn thành phố. Ông Điệp cho rằng thực tiễn vấn đề này còn nhiều hạn chế, nhiều tài sản gắn liền với đất đang sử dụng không hiệu quả và gây lãng phí.
“Trên địa bàn quận Bình Tân hiện nay có 39 cơ sở nhà đất của các công ty trực thuộc nhà nước với diện tích khoảng 500.000m2, nhiều năm liền chỉ cho thuê để sử dụng làm kho bãi, bãi giữ xe gây lãng phí”, ông Điệp dẫn chứng và mong muốn thành phố cần quyết liệt hơn trong nội dung này.
Bí thư Quận ủy Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp trao đổi tại phiên thảo luận tổ chiều 7/12 (Ảnh: Ngô Tùng).
|
Nhắc đến tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp, đại biểu này cho rằng nguyên nhân còn nằm ở quy trình, thủ tục, ở cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, các quận, huyện với các sở ngành.
“Để giải quyết bài toán này, tôi đề nghị cần có cơ chế phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, trong đó đòi hỏi phải thực sự quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa gắn với những giải pháp thiết thực. Cùng với đó, đánh giá khả năng giải ngân, hấp thụ vốn của dự án. Thực tế hiện nay nhiều quận, huyện đang rất thiếu vốn, kiến nghị nhiều việc và quyết tâm giải ngân. Do đó, cần thiết ưu tiên bố trí vốn đối với những đơn vị có khả năng giải ngân được tốt”, ông Điệp đề xuất và cho biết hiện quận Bình Tân đã đạt tỷ lệ giải ngân đến 95%.
Lý giải tiến độ giải ngân đầu tư công đến giờ vẫn đạt rất thấp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, vấn đề này các sở ngành cũng đã nhận định là do số dự án chuyển tiếp qua thực hiện trong giai đoạn trung hạn này quá nhiều, với hơn 3.300 dự án, trong đó có những dự án còn vướng mắc một số khó khăn từ giai đoạn trước. Tỷ lệ dự án có phần vốn liên quan đến bồi thường chiếm tỷ lệ cao trong kế hoạch vốn 2022 (chiếm hơn 40% tổng kế hoạch vốn năm 2022). Thêm nữa, công tác đầu tư công cũng vướng mắc bởi các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu nên đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai giải trình một số nội dung liên quan.
|
Bà Lê Thị Huỳnh Mai thông tin, Sở KH&ĐT đã cùng các sở, ngành đưa ra các giải pháp cụ thể để tăng tỷ lệ giải ngân, trong đó có việc lập tổ công tác để thực hiện kiểm tra, giám sát các dự án làm ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân, giám sát các dự án ODA giải ngân chậm…
“Năm 2023, sở sẽ duy trì chế độ giao ban, thực hiện Chỉ thị 13, chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường thực hiện các dự án đầu tư công; duy trì chế độ giao ban, đảm bảo hoạt động của các tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố nhằm kịp thời giải quyết các vướng mắc về đầu tư công; cùng với đó cũng đảm bảo điều hòa vốn, bố trí vốn cho các dự án mới trong năm 2023”, bà Mai cho hay.
Ông Trần Văn Bảy trao đổi tại tổ thảo luận.
|
Liên quan đến vấn đề nhà đất công, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Trần Văn Bảy cho biết, sở đã thực hiện tổng kiểm tra rà soát và hiện đã có danh mục các địa chỉ nhà đất công. Cùng với đó, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo 167 của TPHCM (Ban Chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố - PV) có nhiều phiên làm việc để thông qua danh mục và có phương án sử dụng các nhà đất công trên địa bàn.
Ngô Tùng
Tiền phong
|