Thứ Tư, 07/12/2022 18:00

Nỗ lực giảm đô la hóa của NHTW Campuchia

Trong vài năm qua, để giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) đã có những nỗ lực nghiêm túc thông qua việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ Riel (KHR).

Theo Báo cáo Đánh giá ổn định tài chính năm 2021 của NBC, tỷ lệ đô la hóa tại Vương quốc vẫn chiếm hơn 80%. Báo cáo cho rằng tình trạng đô la hóa cao làm hạn chế vai trò của NBC trong việc can thiệp đến nguồn cung tiền và lãi suất trong nước.

Báo cáo nêu: “Một nền kinh tế dựa trên đồng nội tệ nhiều hơn sẽ giúp NBC thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ để ứng phó với những cú sốc kinh tế. Do đó, NBC đã nỗ lực từng bước nhằm giảm thiểu tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng nội tệ. Song song đó, NBC cũng đưa ra các quy định nhằm tăng cường cho vay bằng Riel cũng như nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của đồng tiền quốc gia trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế”.

“Những nỗ lực này đã góp phần làm giảm dần tình trạng đô la hóa tài chính, thể hiện qua tỷ lệ tiền gửi bằng ngoại tệ so với tổng tiền gửi”, báo cáo nêu thêm.

Dù tỷ lệ cho vay bằng đồng nội tệ tại các ngân hàng vẫn trên ngưỡng yêu cầu 10% của NBC, hầu hết các khoản cho vay vẫn tiếp tục được thực hiện bằng USD. Năm 2021, tổng các khoản cho vay tại Campuchia được thực hiện bằng USD chiếm 88.6% và chỉ 11.4% còn lại được thực hiện bằng đồng Riel.

Việc chuyển hướng sang sử dụng hạn mức tín dụng bằng đồng Riel đã được NBC hỗ trợ kịp thời về phương diện cung cấp thanh khoản bằng đồng nội tệ thông qua Hoạt động cung cấp tài sản đảm bảo thanh khoản (LPCO) từ năm 2016.

Tương tự như thế, các khoản tiền gửi bằng USD cũng chiếm tỷ lệ lớn đến 91.4% trong tổng số tiền gửi hồi năm 2021. Dù vậy, tỷ lệ tiền gửi nội tệ đã tăng từ 6.1% trong năm 2018 lên gần 9% trong năm 2021.

Chính sách yêu cầu các ngân hàng thực hiện cho vay ít nhất 10% các khoản cho vay bằng Riel của NBC đã khuyến khích các ngân hàng nâng thêm khoản tiền gửi bằng đồng nội tệ. Báo cáo cũng nêu thêm, do quy mô của các khoản vay bằng nội tệ trị giá 18,300 tỷ KHR vẫn cao hơn so với khoản tiền gửi nội tệ trị giá 13,700 tỷ KHR mà các ngân hàng đã nhận được trong năm 2021, NBC cần thiết phải tiếp tục bơm thanh khoản Riel thông qua chương trình LPCO của mình.

Việc USD trở thành đồng tiền chiếm vị thế tại Campuchia như thế nào có liên quan đến một quá trình chậm chạp. Thế nên, việc giảm đô la hóa hoàn toàn tại Vương quốc có lẽ là một quá trình thậm chí còn chậm chạp hơn thế. Để hiểu quá trình giảm đô la hóa tiếp theo có thể diễn ra ở Campuchia dưới hình thức nào, cần nhìn lại toàn bộ quá trình nó đã bắt đầu ở nước này ra sao.

Trên thế giới, USD đã tạo dựng thế mạnh của nó chủ yếu sau Thoả thuận Bretton Woods, khi 44 quốc gia quyết định gắn các đồng tiền của họ với đồng USD và đổi lại USD được gắn theo giá vàng.

Sự thống trị của đồng USD khiến vàng, dầu cũng như đa số các hàng hóa khác đã được định giá theo đồng tiền này. Và USD đã trở thành loại đồng tiền được các ngân hàng trung ương săn lùng nhiều nhất để làm đồng tiền dự trữ. Hơn nữa, đa số các giao dịch, đầu tư và tài trợ hiện cũng được thực hiện bằng USD.

Việc gắn các loại tiền khác với USD và gắn USD với vàng theo Thoả thuận Bretton Woods đã mang lại sự ổn định cho đồng tiền này. Điều đó khiến USD trở thành ứng cử viên hoàn hảo với tư cách là đồng tiền thứ hai ở một số quốc gia gặp khó khăn do đồng nội tệ không ổn định. Đối với trường hợp của Campuchia, đất nước này không có tiền tệ nào cả sau khi bị Khmer Đỏ cấm sử dụng tiền.

Người dân khi đó buộc phải trao đổi gạo và vàng để thực hiện các giao dịch. Đến năm 1980, đồng Riel được giới thiệu trở lại nhưng Vương quốc đã phải đối diện một cú sốc kinh tế với đồng USD tràn ngập vào năm 1991-1992 khi Cơ quan chuyển tiếp Liên Hợp Quốc tại  Campuchia (UNTAC) bắt đầu công việc khôi phục chế độ dân sự tại Vương quốc.

Với dòng vốn gần 1.7 tỷ USD, đồng Riel vốn yếu đã mất giá và giảm sâu so với USD. Phải mất nhiều năm sau đó đồng Riel mới có thể phục hồi và cuối cùng đạt được sự bình ổn so với USD như hôm nay.

Tuy nhiên, mối quan hệ của Campuchia với USD có cả những ưu điểm và nhược điểm trong những năm qua. Và một thực tế rõ ràng đó là việc USD được lưu thông cùng với đồng Riel tại Vương quốc có nghĩa là nó được dùng làm chuẩn cho giá trị của đồng Riel, theo một nghiên cứu được Jstage - một nền tảng tạp chí điện tử của Nhật Bản về khoa học và công nghệ - thực hiện.

Nghiên cứu của Jstage nêu: “Tỷ lệ đô la hóa cao cũng có thể giúp bình ổn giá cả và sức mua tại nền kinh tế trong nước”. Sự bình ổn đó đã giúp đồng tiền quốc gia chỉ dao động nhẹ từ 4,000 Riel/USD trong gần suốt hai thập kỷ qua.

Và đồng Riel đã trở thành nguồn tự hào dân tộc và là biểu tượng cho sự phát triển cũng như thiết lập nền độc lập của Campuchia. Nhiều dấu hiệu cũng cho thấy nỗ lực của NBC trong việc giảm  tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đang mang lại kết quả tích cực - chậm nhưng chắc.

Khai Tâm (Theo Khmer Times)

FILI

Các tin tức khác

>   Lào khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa IX (05/12/2022)

>   HSBC đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á (30/11/2022)

>   Chuyển đổi số thành công có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm (30/11/2022)

>   IMF dự báo GDP Campuchia tăng trưởng 6.6% trong năm 2023 (05/11/2022)

>   Campuchia đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong vài năm tới (10/11/2022)

>   Thương mại Việt Nam-Campuchia luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực (08/11/2022)

>   Nhiều công ty may mặc quốc tế rời Myanmar (21/10/2022)

>   Lào: Lạm phát cao nhất trong 22 năm, giá nhiên liệu leo thang chóng mặt (04/11/2022)

>   Lĩnh vực sản xuất giúp kinh tế Campuchia trở lại trạng thái bình thường (27/10/2022)

>   Hai tổ chức tài chính Campuchia kêu gọi người dân gửi tiền tiết kiệm (16/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật