Thứ Tư, 21/12/2022 13:42

Ngành cao su vượt khó về đích

Sau nhiều năm giá mủ cao su xuống thấp, thì năm 2022 là năm thứ 2 ngành cao su vực dậy, vượt qua nhiều khó khăn do biến động thị trường, lạm phát kinh tế, sự chậm trễ về hoàn thuế gây thiếu vốn lưu động và biến động tỷ giá, duy trì sự phát triển, mang lại động lực cho người trồng cao su, cũng như doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao su Việt Nam.

Khai thác mủ cao su tại rừng cao su của Công ty TNHH Một thành viên Cao su Chư Păh (tỉnh Gia Lai). Ảnh (tư liệu) minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Tăng trưởng nhẹ trước nhiều khó khăn

Thống kê của Hải quan Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm 2022 ước đạt 3,31 tỷ USD, sản lượng 2,14 triệu tấn, tăng 2,16% so với năm 2021; trong đó, sản phẩm từ cao su ước đạt 1,08 tỷ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với vị trí thứ 3 toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, cao su Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng như  Trung quốc, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá mủ cao su tăng cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cao su phát triển mạnh mẽ, làm cho ngành cao su khởi sắc sau một năm vừa vực dậy.

Đến quý III/2022, ngành cao su vẫn còn sự tăng trưởng đáng kể; trong đó, nhập khẩu nhiều nhất cao su Việt Nam là thị trường Trung Quốc, với 453.000 tấn, trị giá 669,14 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 70,2% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.

Thứ 2 là thị trường Ấn Độ, với 42.000 tấn, trị giá 69,64 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và tăng 18,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 6,2% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước trong quý III/2022. Thế nhưng, giai đoạn 3 tháng cuối năm 2022, những biến động kinh tế, chính trị thế giới tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu cao su.

Bên cạnh đó, những biến động về tỷ giá cùng với các chính sách về thuế trong nước đã vô tình gây cản trở cho ngành cao su phát triển. Theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam, trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn gặp khó khăn do đồng đô la Mỹ đã bước vào chu kỳ tăng giá như một tài sản trú ẩn trước lạm phát. Cao su cũng không ngoại lệ khi giá mủ có diễn biến giảm trong giai đoạn đồng đô la Mỹ tăng mạnh.  Hơn nữa, vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp là doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế sau khi xuất khẩu.

Thế nhưng thời gian chờ hoàn thuế quá lâu, khiến doanh nghiệp tồn đọng vốn trong thuế, có doanh nghiệp tồn đọng cả trăm tỷ đồng, không có vốn xoay vòng cho nhập nguyên liệu vào nhà máy, phân bổ sản xuất, chế biến, đáp ứng hợp đồng xuất khẩu tiếp theo. Điều này gây tốn kém chi phí để trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế giá trị gia tăng, cũng làm chậm thêm hoạt động xuất khẩu, mang về kim ngạch không như kỳ vọng.

Liên kết để cân đối nguồn nguyên liệu

Trước biến động tỷ giá đô la Mỹ tăng cao, trong khi giá mủ cao su lại xuống thấp trong giai đoạn 2 tháng cuối năm, khiến cho mối tương quan giá thành sản xuất cao su và giá bán mất cân đối. Trong gần 10 năm qua, các doanh nghiệp trồng cao su dần thu hẹp diện tích để chuyển sang sản xuất loại cây trồng khác, khiến cho nguồn nguyên liệu cung ứng cho nhà máy giảm.

Theo bà Phan Thị Hồng Vân, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, diện tích cây cao su ở Việt Nam hiện có hơn 938 nghìn ha, chiếm 7,2% tổng diện tích cao su toàn cầu. Sản lượng thu hoạch mủ cao su của Việt Nam đạt 1,26 triệu tấn năm 2021, chiếm 8,7% sản lượng cao su toàn cầu. Năng suất bình quân của cao su Việt Nam đạt 1.682 kg/ha, đứng thứ nhất châu Á. Trong tổng diện tích cao su này, cao su đại điền (chủ yếu của các công ty cao su nhà nước) đạt 455.000 ha, tương đương gần 48% tổng diện tích cao su của cả nước. Phần còn lại 477.000 ha, tương đương 52% là cao su của các hộ dân, hay còn gọi là cao su tiểu điền.

Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su hiện đang thiếu nguyên liệu, trong khi cao su tiểu điền lại chiếm phần lớn hơn trong hoạt động sản xuất cao su. Như vậy, bài toán đặt ra cho sự phát triển toàn ngành trước biến động tỷ giá đô la Mỹ, giá mủ cao su giảm và nguồn nguyên liệu cung ứng cho ngành cao su là mối liên kết giữa cao su đại điền và cao su tiểu điền.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan những năm 2020, 2021, ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia Forest Trends  (tổ chức đối tác của PanNature trong các hoạt động về nghiên cứu, phân tích và truyền thông về chính sách lâm nghiệp tại Việt Nam) chia sẻ, năm 2021 Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn cao su thiên nhiên với trị giá 1,9 tỷ USD. Các con số này tăng lần lượt là 2,4 lần và 2,7 lần so với con số về lượng và kim ngạch nhập khẩu của năm 2020.

Trong năm 2022, nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng tương tự. Qua đó cho thấy, Việt Nam đã nhập khẩu một lượng lớn cao su thiên nhiên từ nước ngoài.  Hơn nữa, trong những năm gần đây, nhu cầu của thị trường về cao su thiên nhiên bền vững đặt ra thách thức lớn cho người sản xuất cao su, đó là cần cải thiện phương thức quản lý, sản xuất, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc minh bạch và giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh trong thời kỳ giá thấp có nguy cơ kéo dài trong nhiều năm tới.

Trước những yêu cầu của thị trường hiện nay về phát triển cao su bền vững, bài toán đặt ra là làm cho nguồn nguyên liệu từ cao su tiểu điền pháp hợp pháp, có chứng chỉ FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản lý rừng thế giới); để doanh nghiệp không phải tìm nguồn nguyên liệu từ bên ngoài, tạo mối liên kết chặt chẽ với các hộ cao su tiểu điền, tăng thêm giá trị xuất khẩu cho sản phẩm cao su Việt Nam.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp và các hộ cao su tiểu điền tạo mối liên kết và hiểu nhau hơn trong mối liên kết này, chính các hộ cao su tiểu điền phải nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của hộ trong khâu chăm sóc vườn cây và khai khác mủ còn hạn chế. Đã có nhiều doanh nghiệp liên kết ký hợp đồng bao tiêu thu mua sản phẩm từ các hộ trồng cao su tiểu điền. Tuy nhiên, các liên kết này hiện nay rất lỏng lẻo, thiếu bền vững.

Giải thích cho sự nan giải này, đại diện Công ty TNHH Sản xuất Cao su Liên Anh chia sẻ, hầu hết các hộ cao su tiểu điền có diện tích nhỏ dưới 3 ha, số hộ có trên 10 ha chỉ chiếm dưới 1,5%. Giao dịch tiêu thụ mủ cao su hiện nay đa số vẫn phải qua thương lái trung gian, nông dân dễ dàng phá vỡ cam kết, bán mủ cho bên thu mua khác.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các cơ quan chức năng trong ngành nông nghiệp cần có cơ chế hỗ trợ phát triển các liên kết giữa hộ tiểu điền và các bên liên quan theo hướng minh bạch, giảm trung gian, đảm bảo công bằng, hợp pháp, nguồn gốc rõ ràng. Có như vậy, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su mới vững bước vượt qua khó khăn của thị trường thế giới, đưa ngành cao su phát triển sau 2 năm vực dậy.

Hồng Nhung

TTXVN

Các tin tức khác

>   Bộ Công Thương sắp thanh tra loạt doanh nghiệp đáng chú ý (21/12/2022)

>   Apple sẽ bắt đầu sản xuất MacBook ở Việt Nam vào giữa năm 2023 (20/12/2022)

>   Bloomberg: Việt Nam trên đà tiến vào nhóm 7 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ  (20/12/2022)

>   Hải Phòng giảm 50% phí hạ tầng cảng biển từ 1/1/2023 (20/12/2022)

>   Phó Chủ tịch TPHCM Phan Thị Thắng làm Thứ trưởng Bộ Công thương (20/12/2022)

>   Tiêu cực tại 9 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới: Công an TPHCM bắt 33 đối tượng (20/12/2022)

>   Đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 6.000 văn bản gây khó cho doanh nghiệp (20/12/2022)

>   PVN cần cân đối dòng tiền khi làm dự án lọc, trữ dầu 20 tỷ USD (20/12/2022)

>   Thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 12,3 tỷ USD (20/12/2022)

>   Những doanh nghiệp ‘lạ mà quen’ trong đại án AIC (20/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật