Thứ Năm, 01/12/2022 08:14

Khó mấy cũng thưởng tết cho công nhân

“Khó đến mấy chúng tôi cũng thu xếp thưởng một tháng lương cho người lao động, đợi khi đơn hàng ấm lên vẫn đủ nguồn lao động giúp nhà máy sáng đèn” - lãnh đạo một công ty chia sẻ.

Thiếu đơn hàng, dòng tiền bị hụt về cuối năm khiến các doanh nghiệp đau đầu chuyện thưởng tết cho người lao động (NLĐ). Tuy vậy, một số công ty vẫn cam kết dù tình hình khó khăn đến mấy vẫn duy trì mức thưởng tết 1-2 tháng lương.

Thiếu vốn, đơn hàng sụt giảm sâu nhưng các công ty vẫn cố gắng xoay xở thưởng tết cho người lao động. Ảnh: P.ĐIỀN

Xoay xở thưởng tết cho công nhân

Thông thường vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp tuyển thêm lao động, tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác nên mức thưởng tết cũng sớm được công bố. Thế nhưng năm nay tình hình kinh doanh mùa cao điểm cuối năm không khả quan khiến đơn hàng giảm sâu, các công ty thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động…, từ đó mức thưởng tết cho NLĐ cũng bị ảnh hưởng.

Công ty TNHH Niessei Electric Việt Nam - chuyên về lĩnh vực điện và điện tử cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của làn sóng khan đơn hàng. Tuy nhiên, mới đây phía công đoàn đã có cuộc họp với ban giám đốc công ty để bàn về mức thưởng tết và đi đến thống nhất “giữ mức thưởng tết như năm ngoái”.

“Trong bối cảnh khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì mức thưởng tết như năm 2022, tức 1-2 tháng lương. Đồng thời, công ty sẽ tính toán điều chỉnh lương cho công nhân lao động tháng 12 tới” - bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Niessei Electric Việt Nam, cho biết.

So với nhiều ngành hàng khác, các công ty trong ngành nông sản xuất khẩu dù cũng gặp khó khăn nhưng vẫn “dễ thở hơn”, vì vậy việc thưởng tết khá ổn. Ông Trần Văn An, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Mekong Herbals, thông tin mức thưởng tết hai khối văn phòng và nhân công làm việc tại nhà máy, trang trại là một tháng lương. Riêng công nhân làm việc tại nhà máy được thưởng thêm 1% tổng giá trị sản phẩm trong năm.

“Đây là mức thưởng để động viên, tri ân NLĐ một năm đóng góp công sức, sáng kiến cho hoạt động công ty. Hơn nữa, công ty mở rộng khách hàng sang nhiều nước, thậm chí lúc đơn hàng gấp công ty tuyển thêm lao động thời vụ để đáp ứng nhu cầu khách hàng ở các thị trường khó tính” - ông An nói.

Cả năm làm lụng nên NLĐ đều mong ngóng khoản thưởng tết để mua sắm, chi tiêu, chi phí tàu xe về quê đoàn tụ gia đình.

Giám đốc điều hành một công ty sản xuất bao bì tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho hay đơn hàng giảm nhanh từ tháng 11 khiến nhà máy sản xuất cầm chừng để 200 NLĐ không mất việc làm. Thời điểm cuối năm, công ty thực sự chịu rất nhiều áp lực vì dòng tiền để trả lương, thưởng tết cho công nhân dần cạn kiệt.

“Dù vậy, chúng tôi đang tính toán phương án thưởng cho công nhân. Tinh thần là khó đến mấy chúng tôi cũng thu xếp thưởng một tháng lương cho NLĐ, để khi đơn hàng ấm lên vẫn đủ nguồn lao động giúp nhà máy sáng đèn. Vì đặt mình trong vai người đi làm, tôi thấu hiểu cả năm làm lụng anh em công nhân đều mong ngóng khoản thưởng tháng 13 để mua sắm, chi tiêu, chi phí tàu xe về quê đoàn tụ gia đình” - vị lãnh đạo công ty chia sẻ.

Hơn 41.000 lao động có hợp đồng mất việc

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố báo cáo cho biết qua thống kê tại 44 tỉnh, thành cho thấy có khoảng 472.000 người (chiếm 65,54% tổng số được khảo sát) bị ảnh hưởng tới việc làm. Trong đó có hơn 41.000 NLĐ mất việc và 430.600 người bị giảm giờ làm hằng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng.

Đây chỉ là NLĐ có hợp đồng, nếu tính cả số không có giao kết sẽ còn lớn hơn.

Giữ chân người lao động

Nhiều công ty bày tỏ ngoài nỗ lực của bản thân để có tiền thưởng tết cho NLĐ, họ cũng rất cần sự hỗ trợ cấp bách từ Nhà nước để giữ chân, giữ việc cho NLĐ. Cụ thể, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp bởi đây là quỹ ngắn hạn và hiện kết dư khá nhiều. Hơn nữa, nguồn quỹ này tăng hằng năm chủ yếu do hai bên đóng góp và hỗ trợ doanh nghiệp trên thực tế cũng là chi về cho NLĐ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước miễn giảm phí công đoàn, nới room tín dụng để họ vay được vốn chăm lo cho NLĐ, nhất là trong dịp tết đến gần. Đồng thời kiến nghị Chính phủ nới điều kiện cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, bình ổn giá xăng dầu và điện để sản xuất được ổn định; xem xét gia hạn gói 26.000 tỉ đồng...

Tại cuộc họp liên quan chăm lo tết cho công nhân lao động diễn ra mới đây, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM, nhận định mức thưởng tết năm nay sẽ không sôi động như các năm trước do tình hình sản xuất khó khăn. Đau đầu nhất hiện nay là chuyện khát đơn hàng và cắt giảm lao động. Đây là điều các doanh nghiệp không mong muốn.

Trong khi đó, phía NLĐ cả năm làm việc, họ trông ngóng thưởng tết để lo cho con cái, gia đình khi tết đến, xuân về. “Trong tình hình bất định như thế này cần giải pháp tổng thể và toàn diện để giúp công nhân lao động gặp khó khăn. Hy vọng thị trường mua sắm, tiêu dùng ấm lên để nhà máy có nhiều đơn hàng, công nhân có việc làm ổn định trở lại” - ông Trung nói.

Tuy vậy, ông Trung cho rằng trong khó khăn hiện tại vẫn có gam màu tươi sáng, đó là các khu công nghiệp, khu công nghệ cao vẫn sáng đèn, nhiều nhà máy vẫn hoạt động ổn định. Do vậy, Liên đoàn Lao động TP.HCM chỉ đạo công đoàn cơ sở bám sát đời sông của công nhân lao động tại nơi sản xuất để có phương án hỗ trợ kịp thời, chủ động đề nghị doanh nghiệp sớm có phương án trả lương, thưởng tết cho NLĐ dịp cuối năm.

Công đoàn Việt Nam cũng đã yêu cầu các cấp công đoàn chủ động thương lượng với doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc. Từ đó nhằm hạn chế thấp nhất số người mất việc mùa cuối năm, nhất là lao động nữ từ 35 tuổi trở lên, có hoàn cảnh khó khăn.•

Nhiều giải pháp chăm lo tết cho công nhân

Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết đang triển khai 10 chương trình chăm lo tết 2023 cho NLĐ. Trong đó, chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân” sẽ chăm lo cho 10.000 hộ gia đình đoàn viên, công đoàn, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón tết; chương trình “Tấm vé nghĩa tình” sẽ tặng khoảng 30.000 vé xe, tàu hỏa và máy bay cho đoàn viên, công nhân về quê đón tết. Dự trù kinh phí chăm lo khoảng 140 tỉ đồng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây cũng công bố kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ trong dịp tết. Dự kiến kinh phí của gói này khoảng 500 tỉ đồng. Mức hỗ trợ đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn không thấp hơn 500.000 đồng/người. Đặc biệt, công đoàn cơ sở được khuyến khích chi cao hơn bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho NLĐ.

PHONG ĐIỀN

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Các đô thị đóng góp 70% GDP cả nước (01/12/2022)

>   Hà Nội sắp có khu đô thị, công viên hàng nghìn ha giữa sông Hồng? (30/11/2022)

>   Bắt ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ (30/11/2022)

>   Vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: 20 doanh nghiệp được Bộ Công an gỡ phong tỏa tài sản (30/11/2022)

>   Xuất khẩu điện thoại của Việt Nam giảm trước mùa Giáng sinh khi Samsung cắt giảm sản lượng (30/11/2022)

>   Giới phân tích nói gì về nguy cơ EVN lỗ kỷ lục hơn 31.000 tỷ đồng? (30/11/2022)

>   Bí thư Nguyễn Văn Nên: Dự báo đúng để đưa giải pháp phát triển kinh tế năm 2023 (30/11/2022)

>   Doanh nghiệp ngang nhiên san lấp đất lúa để làm dự án bất động sản (30/11/2022)

>   Nhập khẩu bông suy yếu, ngành dệt may trong nước gặp áp lực (30/11/2022)

>   Chuyển đổi số thành công có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm (30/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật