Các đô thị đóng góp 70% GDP cả nước
Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội cho mỗi quốc gia, khu vực, địa phương để có thể phát triển và tăng trưởng đột phá về mọi mặt
Sáng 30-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11-11-2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đồng chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Còn thiếu đồng bộ
Tham luận tại hội nghị, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị (PTĐT) Việt Nam, cho biết năm 1990 cả nước có 500 đô thị (tỉ lệ đô thị hóa vào khoảng 17%-18%), đến tháng 9-2022, có 888 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 41,5%. Theo ông Chính, tỉ lệ đô thị hóa ở Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó quy hoạch đô thị còn thiếu đồng bộ, thiếu tích hợp, công tác dự báo quy hoạch thiếu tính chính xác, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa gắn quy hoạch với nguồn lực thực hiện, phải điều chỉnh thường xuyên, thiếu vắng sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân nên chưa đáp ứng được yêu cầu PTĐT trong giai đoạn mới.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân lưu ý Việt Nam là vùng sẽ chịu nhiều rủi ro của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Rủi ro sẽ ngày càng gia tăng đối với các vùng châu thổ và đô thị lớn, đặc biệt là các đô thị ven biển. Nếu nước biển dâng 100 cm, ĐBSCL có thể ngập tới trên 47,29% diện tích, trong đó Cà Mau và Kiên Giang là các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất, tương ứng với 79,62% và 75,68% diện tích. Khoảng 13,2% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,94% diện tích tỉnh Quảng Ninh, 5,49% diện tích tỉnh Thừa Thiên - Huế, 17,15% diện tích TP HCM, 4,84% diện tích tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập. Theo ông Nhân, công tác quy hoạch, PTĐT tại Việt Nam cần có những thay đổi căn bản để vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa thích ứng với các tác động tiêu cực của thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn do biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra 15 nhóm chỉ tiêu cụ thể như: Tỉ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị. Đến năm 2025, bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị. Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11%-16% vào năm 2025, 16%-26% vào năm 2030.
Các đô thị đóng góp lớn vào phát triển kinh tế cả nước. Trong ảnh: Khu đô thị Thủ Thiêm, TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
|
Phát triển đô thị là động lực phát triển
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đô thị hóa và PTĐT là cơ hội đối với mỗi quốc gia, khu vực, địa phương để có thể phát triển và tăng trưởng đột phá về mọi mặt. Tại Việt Nam, các đô thị đang đóng góp 70% GDP cả nước, 5 thành phố trực thuộc trung ương mặc dù chỉ chiếm 2,9% về diện tích và khoảng 22% về dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% GDP cả nước.
Thủ tướng đánh giá đô thị Việt Nam cũng còn rất nhiều vướng mắc và các thách thức cần vượt qua. Một số vấn đề như quá tải hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thiếu nhà ở xã hội, tác động, rủi ro từ biến đổi khí hậu, nhất là ngập lụt, phát thải khí nhà kính, hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa) chưa phát triển ngang tầm kinh tế, nhất là khi có diễn biến bất thường như đại dịch COVID-19, tình trạng quy hoạch treo ở một số nơi… Để hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có tư duy, cách tiếp cận mới; bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, mà trước hết là nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung, xác định PTĐT gồm 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý PTĐT; nâng cao năng lực trong các khâu xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị.
Xây dựng TP HCM thành đô thị đẳng cấp quốc tế
Trình bày tham luận với chủ đề "Định hướng PTĐT TP HCM vươn tầm khu vực và thế giới", Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết TP HCM dù chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số khoảng 10 triệu người nhưng chiếm hơn 37% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm hơn 25% tổng FDI các tỉnh, thành ven biển và gần 11% cả nước. TP HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam - điểm đến quan trọng mang tầm vóc quốc tế trong mạng lưới chuỗi đô thị biển khu vực Đông Nam Á thông qua phát triển chuỗi đô thị - kinh tế biển xanh gắn với khu vực biển Cần Giờ. Dù vậy, trải qua quá trình PTĐT trong thời gian qua, TP HCM vẫn còn một số mặt hạn chế nhất định cần được khắc phục sớm. Việc PTĐT bảo đảm bền vững, hài hòa với các vùng lận cận TP là một thách thức lớn, cần nỗ lực và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới.
|
Văn Duẩn
Người lao động
|