Thứ Hai, 05/12/2022 07:00

Ì ạch giải ngân vốn đầu tư từ nước ngoài

Mặc dù Chính phủ thường xuyên đôn đốc, song tỉ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài vẫn thấp

Lũy kế 11 tháng năm 2022, tỉ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài mới đạt 26,06%. Đáng quan ngại, hiện còn 6 bộ và 4 địa phương có tỉ lệ giải ngân 0% và có gần 40% số dự án chưa giải ngân đồng nào.

Có tiền không tiêu được

Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng chỉ tương ứng 9.014,59 tỉ đồng. Trong đó, của các bộ, ngành là hơn 4.154 tỉ đồng (35,17%), của các địa phương là 4.860 tỉ đồng (21,34%).

Đến cuối tháng 11, Bộ Tài chính nhận được đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 8/13 bộ, ngành với tổng số vốn đề nghị giảm 3.678,5 tỉ đồng (không gồm 250,364 tỉ đồng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và 50 tỉ đồng của Bộ Y tế đã được chấp thuận điều chỉnh giảm), 35/59 địa phương với tổng vốn đề nghị giảm 8.804,5 tỉ đồng. Cùng với đó, trong tổng số 294 dự án, tiểu dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022, có 114/294 dự án (gần 40%) chưa giải ngân, với kế hoạch vốn giao là 6.235,2 tỉ đồng, chiếm 18,03% kế hoạch vốn.

Đơn cử như ngành giao thông vận tải, các dự án ODA đã giải ngân 3.709 tỉ đồng (đạt 68,2%); kế hoạch còn lại chưa giải ngân 1.731 tỉ đồng.

Ì ạch giải ngân vốn đầu tư từ nước ngoài - Ảnh 1.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, một trong những dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài, đến nay vẫn chậm tiến độ

Về nguyên nhân giải ngân vốn chậm, Bộ Tài chính nêu rõ chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc trong tổ chức triển khai dự án dẫn đến không có khối lượng hoàn thành để giải ngân. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, điều chỉnh hiệp định vay hoặc đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chậm do vướng một số khâu như giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, đấu thầu, ký hợp đồng, giá nguyên vật liệu tăng...

Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đã nhấn mạnh các dự án giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ rất chậm, thời gian triển khai dự án kéo dài, phải gia hạn thực hiện, không hoàn thành, đưa dự án vào khai thác đúng thời hạn dự kiến, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Việc giải ngân chậm đã dẫn đến chậm trễ trong thực hiện các mục tiêu phát triển, không chỉ làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng tới thực hiện dự án mà có thể dẫn tới tranh chấp hợp đồng với nhà thầu, ảnh hưởng uy tín của Việt Nam cũng như quyết định đầu tư của các nhà tài trợ.

Sớm hoàn thành khối lượng

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công diễn ra nhiều năm nay.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, TS Lê Đăng Doanh cho rằng có sự khác nhau về quản lý hợp đồng giữa Việt Nam với nhà tài trợ nước ngoài, việc chỉnh lại chủ trương đầu tư cũng mất nhiều thời gian. Do đó, cần tháo gỡ các nút thắt này để đẩy nhanh tiến độ. Việc xây dựng kế hoạch vốn cần sát với thực tế, với năng lực thực hiện để đáp ứng tiến độ giải ngân.

"Nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng thực hiện, dẫn đến ì ạch trong giải ngân" - ông Doanh nhấn mạnh và kiến nghị công tác lập, giao, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch nguồn vốn phải sát nhu cầu.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng đề nghị các bộ ngành, địa phương chỉ đạo chủ dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng, bố trí đủ vốn đối ứng, bảo đảm việc thực hiện thông suốt, khẩn trương nghiệm thu khối lượng và gửi hồ sơ đến cơ quan kiểm soát chi và tập hợp để giải ngân. Đặc biệt, với các dự án năm 2022 là năm cuối thực hiện, giải ngân, chủ dự án cần xử lý dứt điểm để hoàn thành khối lượng và giải ngân. Ông Hưng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ xem xét thủ tục, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, bao gồm cả kiến nghị điều chỉnh tổng mức chủ trương đầu tư của các dự án. Về nguyên tắc, không đặt vấn đề hoàn trả vốn, bởi dự toán đã giao thì trách nhiệm thuộc các cơ quan đề xuất kế hoạch vốn. Đối với phần vốn nước ngoài, dù hoàn trả nhưng cả trung ương và địa phương vẫn phải trả chi phí cam kết vốn, lãi vay.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP Hà Nội, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với Hà Nội đẩy nhanh công tác nghiệm thu và bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống. Đẩy nhanh công tác rà soát hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án, bảo đảm thời gian phê duyệt trước ngày 31-12-2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo ông Tú, việc xét duyệt giải ngân, điều chỉnh, bổ sung các hiệp định vay cho các dự án khi hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng đang gặp vướng mắc. Do đó, kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và các cơ quan liên quan làm việc với các nhà tài trợ để xem xét, sớm tháo gỡ. 

Tăng cường phân cấp trong quản lý

Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với Luật số 03/2022/QH15 theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn nước ngoài, tăng cường phân cấp trong quản lý, sử dụng vốn ODA gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị sử dụng vốn ODA.

Bài và ảnh: MINH CHIẾN

Người lao động

Các tin tức khác

>   Thủ tướng: Cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời (04/12/2022)

>   Yên Bái bất ngờ đề xuất bổ sung sân bay vào quy hoạch (04/12/2022)

>   Phát hiện hơn 1 tấn ức vịt, chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc (03/12/2022)

>   'Cuộc chiến' vận tải hàng không (03/12/2022)

>   Tăng giá điện lúc nào hợp lý? (03/12/2022)

>   CEO Nike: Đội ngũ nhân viên Việt Nam có kỹ năng tốt nhất thế giới, làm ra 300 triệu đôi giày mỗi năm (02/12/2022)

>   Làm gì để người dân ĐBSCL thoát nghèo? (02/12/2022)

>   Điều tra trách nhiệm của Bộ GTVT và 4 tỉnh, thành liên quan vụ Cienco 1 (02/12/2022)

>   Ra luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng thiếu thông tin về bên được hỗ trợ (02/12/2022)

>   Bộ Công Thương xem xét đề xuất tăng giá điện của EVN (02/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật