Cứ sai phạm thì đổ lỗi 'do xã hội hóa'?
Vụ án môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác xảy ra tại hàng loạt trung tâm đăng kiểm xe cơ giới phía Nam đang được công an mở rộng điều tra. Một số trung tâm đăng kiểm tạm ngưng hoạt động, trùng với thời điểm cuối năm, tạo nên tình trạng quá tải tại các trung tâm còn hoạt động, gây ra bao khó khăn cho việc đi kiểm định xe của người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay chỉ cần tìm kiếm với cụm từ khóa “đăng kiểm xe ô tô” thì từ Google đến mạng xã hội như Tiktok, Facebook, YouTube sẽ cho ra hàng ngàn, hàng chục ngàn kết quả đăng tải câu chuyện liên quan đến đăng kiểm. Rất nhiều báo đài mổ xẻ, bình luận về tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm, trong đó có không ít ý kiến đổ lỗi cho việc cho tư nhân hóa, xã hội hóa công tác đăng kiểm ô tô.
Cơ quan quản lý nhà nước về đăng kiểm là Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Cơ quan này đã tham mưu cho Bộ GTVT ra quyết định “xã hội hóa” việc kiểm định ô tô từ năm 2005, trong tình hình lúc ấy cả nước chỉ có 84 trạm đăng kiểm do Nhà nước đầu tư, trong khi nhu cầu đăng kiểm xe tăng vùn vụt. Từ đó đến nay, số lượng trạm đăng kiểm đã tăng gần gấp 3 lần và Bộ GTVT đã có nhiều văn bản quy định đưa hoạt động đăng kiểm đi vào nề nếp.
Trả lời báo chí mới đây, đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm lý giải, trước đây, số lượng trung tâm đăng kiểm được khống chế, song từ khi xã hội hóa hoạt động đăng kiểm thì có tình trạng mở tràn lan các trung tâm đăng kiểm. Nhiều trung tâm sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa bản chất là doanh nghiệp, khi đầu tư muốn lãi nhanh nên nguy cơ phát sinh tiêu cực lớn, chưa kể nguồn nhân lực cũng không thể đảm bảo kiểm soát được hết.
Các giải thích vừa nêu, cũng như các ý kiến đổ lỗi cho “xã hội hóa” dẫn đến “bát nháo” tại một số trung tâm đăng kiểm dường như là cách dễ dàng nhất cho nhà quản lý. Nhưng, kiểu quy kết này chừng như quên đi rằng hoạt động đăng kiểm có hành lang pháp lý với hàng loạt nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ GTVT, các quy định, quy trình kỹ thuật chuyên ngành rất chặt chẽ của chính Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tiêu cực, nhũng nhiễu trong đăng kiểm đã có từ lâu, ai có xe mang đi đăng kiểm ít nhiều cũng biết và nó còn có trước khi cho xã hội hóa. Nhưng tới khi công an vào cuộc thì cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Cục Đăng kiểm Việt Nam mới quyết định thành lập tổ công tác về tăng cường công tác quản lý nhà nước; kiểm tra, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới.
Theo một bài viết trên vnexpress, vào năm 2006 khi mới cho tư nhân tham gia đầu tư trạm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm lúc đó có nói: “Cục Đăng kiểm đề ra quy định, trạm nào vi phạm các quy định, quy trình kiểm định thì đăng kiểm viên, trưởng trạm sẽ bị đình chỉ hoặc rút giấy chứng nhận hành nghề kiểm định”.
Có hơn 70.000 xe không đủ chuẩn nhưng đã “được” tham gia giao thông trong vụ án mà công an đang điều tra cho thấy có vấn đề nằm ở công tác quản lý nhà nước chuyên ngành. Bởi, dù trung tâm đăng kiểm do Nhà nước hay tư nhân lập ra thì suy cho cùng đều phải có sự điều chỉnh của pháp luật, sự giám sát, chế tài của cơ quan quản lý nhà nước. Theo người viết, gốc rễ vấn đề nằm ở công tác quản lý chứ không phải tại cho xã hội hóa nên mới xảy ra cớ sự(!). Những ùn tắc, phiền toái khi đi đăng kiểm xe những tuần qua được đổ lỗi cho việc xã hội hóa xem chừng không thuyết phục được người dân.
Mục tiêu của Bộ GTVT cho xã hội hóa đăng kiểm được đề cập trong quy hoạch mạng lưới đăng kiểm tới năm 2030 là “Phát triển mạng lưới các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hợp lý đáp ứng nhu cầu của xã hội và tạo thuận lợi cho người dân”.
Giờ ai và cơ quan nào phải chịu trách nhiệm cho những phiền toái của người dân khi hàng hoạt trung tâm đăng kiểm bị phanh phui tiêu cực?
Hồng Văn
TBKTSG
|