Các nhà đầu tư lớn lần đầu ủng hộ trái phiếu kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008
Các nhà đầu tư lớn đang quay trở lại thị trường trái phiếu sau đợt bán tháo lịch sử trong năm 2022, trong đó, các nhà quản lý lần đầu tiên ủng hộ đầu tư vào trái phiếu thay vì các loại tài sản khác kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thời điểm tốt nhất để đầu tư trái phiếu
Lợi nhuận hàng năm của chỉ số theo dõi các tài sản có thu nhập cố định trên khắp thế giới của Bloomberg đã giảm 15% trong năm nay, do lạm phát cao buộc các nền kinh tế phát triển phải tăng mạnh lãi suất. Đây cũng là thời kỳ thị trường tài sản có thu nhập cố định hoạt động yếu kém nhất kể từ năm 1990.
Lợi nhuận hàng năm đối với chỉ số tổng hợp trái phiếu toàn cầu của Bloomberg
Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu tăng (khi giá trái phiếu giảm) đang thu hút những nhà đầu tư từng cho rằng trái phiếu không còn hấp dẫn suốt nhiều năm qua. Lợi suất của chỉ số tổng hợp trái phiếu toàn cầu của Bloomberg đã tăng lên 4% trong tháng 10/2022, từ mức 1.3% vào đầu năm nay, và là mức cao nhất kể từ năm 2008.
Lần đầu tiên kể từ năm 2009, giới đầu tư tăng tỷ trọng trái phiếu so với các loại tài sản khác trong danh mục của họ, theo khảo sát tháng 12/2022 của Bank of America (được thực hiện với các quỹ quản lý có tổng tài sản trị giá hơn 800 tỷ USD).
Sức hấp dẫn không chỉ đến từ triển vọng thu nhập của những trái phiếu được xếp hạng cao. Một số nhà quản lý quỹ cho rằng tài sản có thu nhập cố định sẽ lấy lại vai trò là yếu tố giúp cân bằng danh mục có các tài sản rủi ro hơn mỗi khi thị trường chứng khoán giảm.
Năm nay, tài sản có thu nhập cố định không phải là một giải pháp thay thế, bởi cả chúng lẫn các tài sản rủi ro đều lao dốc trong đợt bán tháo trong năm. “Nhưng tôi nghĩ, tài sản có thu nhập cố định sẽ lấy lại vị thế đó, miễn là thị trường đi đúng hướng và lạm phát tiếp tục giảm dần”, Antonio Cavarero, giám đốc đầu tư của Generali Insurance Asset Management, cho biết.
Lợi suất tăng đang kích thích nhu cầu đầu tư vào trái phiếu
Ông Cavarero cho hay ông đã mua trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư của châu Âu, với mức lợi suất cao hơn tỷ lệ cổ tức của các cổ phiếu tại khu vực này. Quỹ Generali Insurance đã mua trái phiếu của những doanh nghiệp chất lượng cao mà theo nhiều chuyên gia kinh tế là có khả năng vượt qua được thời kỳ suy thoái kinh tế sắp tới. “Như vậy, bạn mới có thể kỳ vọng chắc chắn rằng tiền của mình sẽ quay về”, ông Cavarero nói.
Theo dữ liệu của EPFR, có những dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đang dự kiến quay lại với tài sản có thu nhập cố định, sau khi dòng tiền ồ ạt rút khỏi thị trường này vào đầu năm nay. Tháng 11/2022 là tháng đầu tiên các quỹ trái phiếu toàn cầu ghi nhận dòng vốn chảy vào, sau hai tháng bị rút tiền liên tục.
Đà phục hồi của giá trái phiếu hầu hết diễn ra khi lạm phát bắt đầu hạ nhiệt ở Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Greg Peters, đồng giám đốc đầu tư của PGIM Fixed Income, lợi suất hiện nay đủ cao để khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn, ngay cả khi lạm phát được điều chỉnh đã tăng trở lại. Phần bù rủi ro cũng đã tăng lên kể từ cuối năm 2021.
“Trong bối cảnh lợi suất cao hơn và phần bù rủi ro tăng lên, đây là thời điểm tốt nhất [để đầu tư trái phiếu] mà chúng tôi nhận thấy sau một thời gian dài vừa qua. Chúng ta đang trở lại thời kỳ bình thường”, ông Peters nhận định.
Tháng 12/2022, quỹ đầu tư vào tài sản có thu nhập cố định Pimco cho rằng động lực để sở hữu trái phiếu đang mạnh mẽ hơn nhiều so với nhiều năm trước, một phần do loại tài sản này vẫn hoạt động hiệu quả trong thời kỳ suy thoái.
Cũng trong tháng 12, nhóm Initiative on Global Markets của Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago hợp tác với Financial Times thực hiện một cuộc khảo sát với giới chuyên gia kinh tế. Kết quả cho thấy 85% chuyên gia tham gia khảo sát dự đoán Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Các nền kinh tế ở châu Âu, vốn đang chật vật vì giá năng lượng cao, cũng sẽ phải trải qua một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn.
Trái phiếu chưa phải là tốt nhất
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư, bao gồm cả BlackRock, đã cảnh báo rằng trong cuộc suy thoái tiếp theo, trái phiếu được xếp hạng cao có thể không giúp ích được gì cho danh mục đầu tư. Trái phiếu thường tăng giá trong thời kỳ suy thoái vì nhà đầu tư chuyển tiền vào các tài sản trú ẩn an toàn và các ngân hàng trung ương hạ lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu lạm phát tiếp tục ở mức cao ngất ngưởng trong thời kỳ suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương ở châu Âu có thể buộc phải giữ lãi suất ở mức cao, ngay cả khi họ có thể chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và đà tăng trưởng bị gián đoạn.
“Khi đó, tôi nghĩ Fed sẽ không giải cứu. Họ sẽ phải bám sát kế hoạch kiểm soát lạm phát của họ. Tôi cho rằng họ sẽ không thể hạ lãi suất trong năm 2023”, Jean Boivin, giám đốc Viện Đầu tư BlackRock, nhận định.
Ông Boivin tin rằng lạm phát sẽ giảm, nhưng vẫn sẽ cách xa mức mục tiêu và điều này sẽ ngăn cản các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ. Vì lý do này, BlackRock đang giảm tỷ trọng trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài, loại tài sản đặc biệt nhạy cảm với kỳ vọng lạm phát.
“Tôi nhận thấy có nhiều lời bình luận cho rằng trái phiếu đang quay trở lại. Song, chúng tôi nghĩ đà phục hồi sẽ ở mức vừa phải, đồng thời, trái phiếu chỉ là phương án tốt hơn”, Jeffery Johnson, giám đốc mảng tài sản có thu nhập cố định tại Vanguard, nói.
Kim Dung (Theo FT)
FILI
|