Thứ Hai, 07/11/2022 11:29

Xuất khẩu Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 10

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm khi nhu cầu suy yếu và rủi ro suy thoái toàn cầu ngày càng tăng.

Tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD giảm 0.3% so với cùng kỳ, cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết trong ngày 07/11. Con số này trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 4.5% từ các chuyên gia kinh tế và mức tăng 5.7% của tháng 9/2022.

Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 0.7%, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2020. Thặng dư thương mại tăng nhẹ lên 85.1 tỷ USD trong tháng 10/2022, từ mức 85 tỷ USD của tháng trước.

Sự suy yếu của xuất khẩu càng gây thêm áp lực lên một nền kinh tế đang bị tác động bởi cú sụp của thị trường bất động sản, sự gián đoạn vì kiểm soát COVID-19 và chi tiêu yếu ớt.

Trong 2 năm qua, xuất khẩu là “đầu kéo” chính cho đà hồi phục của Trung Quốc giữa lúc nhu cầu từ nước ngoài tăng cao. Tuy nhiên, khi nhu cầu bắt đầu biến mất, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc cũng quay đầu giảm.

“Xuất khẩu yếu ớt phản ánh nhu cầu yếu từ nước ngoài cũng như sự gián đoạn nguồn cung trong nước vì các biện pháp kiểm soát dịch”, Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế tại Pinpoint Asset Management, cho hay. “Tôi cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn sẽ yếu trong vài tháng tới khi kinh tế toàn cầu giảm tốc”.

Trước đó, các quan chức Chính phủ cảnh báo xuất khẩu có thể còn yếu hơn nữa khi nhu cầu ở nước ngoài suy giảm.

“Rủi ro nhu cầu giảm tốc ở nước ngoài ngày càng tăng” trong quý 4/2022, phát ngôn viên Bộ Thương mại Shu Jueting cho biết tại cuộc họp báo trong tháng trước. Môi trường thương mại ngày càng phức tạp với Trung Quốc và sự bất định cũng gia tăng trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu chững lại.

 

Động thái thắt chặt tiền tệ quyết liệt ở các nước phát triển làm gia tăng rủi ro suy thoái toàn cầu và từ đó kéo giảm nhu cầu với sản phẩm từ Trung Quốc. Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất lần thứ 6 liên tiếp trong năm nay. Các quốc gia châu Âu dự kiến cũng làm điều tương tự.

 

Các đợt bùng phát COVID-19 và biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt ở Trung Quốc cũng là một nỗi lo lớn của các chuyên gia. Mới đây, cơ quan y tế quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục duy trì Zero COVID và từ đó đập tan hy vọng tình hình kinh tế sẽ sớm cải thiện. Nhiều hộ gia đình đã đẩy mạnh tiết kiệm tiền và giảm bớt chi tiêu.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách Zero COVID (07/11/2022)

>   Trung Quốc dập tắt hy vọng nới lỏng chính sách 'zero Covid' (07/11/2022)

>   Trung Quốc dẫn đầu khách nước ngoài mua bất động sản ở Thái Lan (06/11/2022)

>   Ông lớn vận tải biển Maersk lãi kỷ lục quý 3/2022, chuyển trọng tâm vào logistics (06/11/2022)

>   Apple ngừng tuyển dụng để cắt giảm chi phí (05/11/2022)

>   Tăng trưởng việc làm tháng 10 của Mỹ vượt dự báo, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3.7% (05/11/2022)

>   EU muốn sử dụng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga để tái thiết Ukraine (05/11/2022)

>   Ứng dụng hẹn hò tăng trưởng bất chấp suy thoái (04/11/2022)

>   Khủng hoảng sữa bò khắp thế giới (04/11/2022)

>   BoE: Nước Anh có thể đối mặt với cuộc suy thoái dài nhất trong lịch sử (04/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật