Thứ Bảy, 26/11/2022 08:27

TP.HCM nghiên cứu lập Ban chỉ đạo giải quyết các tồn đọng về dự án treo

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ có nghiên cứu và thành lập tổ công tác giải quyết các dự án treo tại từng quận, huyện tiến tới xây dựng Ban chỉ đạo giải quyết các tồn đọng về dự án treo.

Chiều 25-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng tổ ĐBQH đơn vị số 6 đã có buổi làm việc với UBND quận Bình Tân về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của quận.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong buổi làm việc với quận Bình Tân. Ảnh: THANH TUYỀN

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân thông tin, hiện quận có hai dự án treo trên 20 năm là Khu công nghiệp Vĩnh Lộc và Khu dân cư Vĩnh Lộc nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Cử tri đã nhiều lần đề đạt ý kiến trong các lần tiếp xúc cử tri.

Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư nhưng không tìm được sự đồng thuận giữa hai bên. Từ đó, ông đề xuất giao cho quận quy hoạch lại để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phương án đền bù của hai dự án trên đã có từ năm 1999, đề nghị UBND TP.HCM xin ý kiến Chính phủ cho giải pháp đối với dự án kéo dài hơn 20 năm nhưng chưa hoàn thành; lấy đó làm cơ sở cho các quận, huyện khác tại TP có dự án nào tương đồng thì định hướng làm theo.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, những vướng mắc về hai dự án trên sẽ khó có thể giải quyết nếu không có sự vào cuộc của cả quận Bình Tân lẫn các sở, ngành, UBND TP.HCM. Theo ông, đây là vấn đề không nên kéo dài.

“Các quận, huyện cần có tổ công tác xử lý quy hoạch treo, tìm mọi cách để vấn đề này kết thúc”- ông đề đạt.

Ông gợi mở hướng hoạt động của tổ công tác này là 2 năm đầu chỉ cần thống kê hiện trạng các dự án treo. Trên cơ sở đó tìm vấn đề của từng trường hợp, phân loại rõ dự án nào cần thẩm quyền giải quyết của địa phương, của TP hay của Trung ương để tìm đúng nơi giải quyết dứt điểm.

Ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, cho biết, dự án khu dân cư Vĩnh Lộc và khu công nghiệp Vĩnh Lộc được Thủ tướng phê chuẩn từ năm 1999.

Sau hơn 20 năm, trải qua 4 nhiệm kỳ Quốc hội, cả hai dự án đều chưa thể hoàn thành. Đến nay đã thực hiện đền bù 95% với dự án khu dân cư Vĩnh Lộc, còn 300 hộ vẫn chưa được giải quyết. Điểm khó của dự án này là công tác vận động thu hồi đất gặp nhiều khó khăn.

Với Khu công nghiệp Vĩnh Lộc đã thực hiện bồi thường, giải tỏa hơn 90%, dự án còn vướng mắc ở giá bồi thường, đơn giá bồi thường cho các hộ dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM chia sẻ, từ ngày đầu dự tiếp xúc cử tri tại quận này, ông đã nghe nhiều phản ánh của người dân về hai dự án. Đoàn ĐBQH sau đó đã có ý kiến, quận Bình Tân đã thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý những tồn đọng tại hai dự án.

Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cũng đồng tình với ý kiến cần có một tổ công tác của TP.HCM để giải quyết tồn đọng xung quanh các dự án treo do các tồn đọng này đã có từ năm 2002, khó có thể giải quyết được hết trong một sớm một chiều.

Ghi nhận các ý kiến của phía quận và ĐBQH, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu quận Bình Tân kết hợp với Sở Nội vụ TP bàn về mô hình này. Sau đó, Văn phòng UBND TP cùng Sở Nội vụ có kế hoạch để thành lập tổ công tác giải quyết các vấn đề tồn đọng của những dự án treo.

Ban chỉ đạo sẽ tập trung trong 2-3 tháng để rà soát các nhóm vấn đề; 2-3 tháng lên kế hoạch giải quyết từng vấn đề và hướng giải quyết các dự án treo. Từ đó, nâng lên thành ban chỉ đạo của TP chỉ đạo các vấn đề tồn đọng về dự án treo.

Ông Mãi yêu cầu Văn phòng UBND TP xây dựng kế hoạch rà soát xử lý các dự án treo trên địa bàn TP và chỉ đạo quận, huyện lập tổ công tác như quận Bình Tân để rà soát các nhóm vấn đề, có giải pháp giải quyết. Ban chỉ đạo TP sẽ giúp các địa phương thống nhất với cấp ủy, ủy ban của các quận, huyện để giải quyết các dự án treo.

Rà soát, thực hiện 44 dự án

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, quận Bình Tân có 44 dự án trong và ngoài ngân sách chưa thể hoàn thành, vì vậy phải tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng để hấp thụ nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn xã hội cho phát triển kinh tế- xã hội của quận.

“Làm sao giải ngân tiền là tiền phải ra, chứ không phải ra khỏi kho bạc rồi chạy vào tài khoản tạm gửi. Tiền đó phải đi vào túi người dân để người dân sử dụng nguồn đó đầu tư, tiêu dùng, đi vào nền kinh tế chứ không phải chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác”- Chủ tịch Phan Văn Mãi lưu ý.

Từ đây đến cuối năm, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị quận tập trung triển khai các dự án, thực hiện giải ngân đầu tư công. Quận Bình Tân còn 200 tỉ chưa giải ngân được, đây là nhiệm vụ khó khăn.

Thanh Tuyền

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   143 dự án bị vướng mắc pháp lý (26/11/2022)

>   HoREA đề xuất gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 1 năm, cho phép NĐT không chuyên mua trái phiếu riêng lẻ (25/11/2022)

>   Không đẩy hết rủi ro cho doanh nghiệp (25/11/2022)

>   Doanh nghiệp bất động sản: Ngậm ngùi lương, thưởng cuối năm (24/11/2022)

>   Bộ Xây dựng công bố kế hoạch thanh tra năm 2023 (23/11/2022)

>   Bộ lọc để khơi thông dòng vốn (22/11/2022)

>   Nơi rầm rộ tách thửa, nơi tìm cách bỏ cọc đấu giá (22/11/2022)

>   Giải mã tình trạng đóng băng, vướng mắc của thị trường BÐS: Mỏi mòn chờ vốn (22/11/2022)

>   'Trị bệnh' sợ trách nhiệm, sợ sai để gỡ vướng thị trường bất động sản (21/11/2022)

>   Chu kỳ 10 năm khủng hoảng bất động sản và những điều khác biệt (21/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật