Thứ Ba, 15/11/2022 11:52

Tổ chức trung gian trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp và những vấn đề pháp lý

Hoạt động của các ngân hàng trong những năm qua đã mở rộng sang làm trung gian bán bảo hiểm, giới thiệu khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty chứng khoán nhằm tận dụng lợi thế mạng lưới phòng giao dịch của mình. Nhưng khi xảy ra sự cố thì xuất hiện câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của các tổ chức trung gian này như thế nào?

Ngân hàng có được làm môi giới mua bán trái phiếu?

Chiếu theo Luật Chứng khoán 2019, hoạt động môi giới mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của ngân hàng thực chất là môi giới chứng khoán, bởi điều 4.29 luật này quy định “môi giới chứng khoán là việc làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng”.

Theo Luật Chứng khoán, việc thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phải tuân theo nhiều quy định để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Do đó, doanh nghiệp muốn thực hiện nghiệp vụ này phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép và nhân sự tham gia cung cấp dịch vụ phải có chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán.

Đây vốn là hoạt động truyền thống của các công ty chứng khoán và do đó pháp luật chứng khoán hiện hành quy định về môi giới chứng khoán dưới tư cách là một nghiệp vụ kinh doanh của các công ty chứng khoán.

Trong các quy định pháp luật về phát hành TPDN (đặc biệt là phát hành riêng lẻ), nghĩa vụ của các tổ chức trung gian được quy định một cách chung chung hoặc để ngỏ. Đặc biệt là nghĩa vụ của đại diện người sở hữu TPDN còn khá mờ nhạt, chưa xứng tầm với vị trí đại diện cho quyền lợi của tập thể trái chủ.

Bên cạnh đó, Luật các tổ chức tín dụng hiện hành (điều 103) quy định rằng các ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện các hoạt động kinh doanh như bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán.

Nói cách khác, các ngân hàng thương mại không được quyền tự nhân danh mình thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán mà phải thông qua một công ty hoặc công ty liên kết.

Dưới góc độ về việc phòng ngừa xung đột lợi ích, người viết cho rằng quy định nêu trên là phù hợp. Việc để các ngân hàng tham gia vào phân phối hay môi giới những loại chứng khoán như TPDN rất dễ gây nên sự nhầm lẫn cho khách hàng và tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại, thậm chí khủng hoảng niềm tin của khách hàng như những gì đang diễn ra.

Một câu hỏi đặt ra trong việc ngân hàng thực hiện hoạt động môi giới mua bán TPDN là các ngân hàng này dựa trên cơ sở pháp lý nào và có được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hay chưa? Và nếu được cấp phép, các cơ quan này dựa trên căn cứ pháp lý nào?

Chỉ là câu chuyện của hai bên?

TPDN có bản chất là một loại chứng khoán nợ, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu (trái chủ) đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành. Quan hệ giữa trái chủ và doanh nghiệp phát hành là quan hệ hai bên: chủ nợ và con nợ.

Do đó, nói đến các nghĩa vụ phát sinh từ TPDN là nhắc đến nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp phát hành cho các trái chủ theo những điều kiện phát hành. Nếu con nợ không có khả năng trả nợ, trái chủ đành chịu cảnh trắng tay.

Nếu nhìn ở góc độ này, thì có thể khẳng định các tổ chức trung gian phát hành không có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ phát sinh từ TPDN cho các trái chủ. Vì tất cả các bên trung gian đều không phải là con nợ của trái chủ. Và pháp luật cũng quy định rất rõ rằng nhà đầu tư phải tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu.

Tuy nhiên, để một đợt phát hành TPDN thành công cần có sự tham gia của rất nhiều bên với tư cách là tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu. Điển hình như tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán; tổ chức đấu thầu, bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành; tổ chức đăng ký, lưu ký; tổ chức đại lý quản lý tài sản bảo đảm; đại diện chủ sở hữu trái phiếu; tổ chức xếp hạng tín nhiệm; tổ chức kiểm toán.

Mỗi tổ chức trung gian gắn với một vai trò khác nhau giúp đợt phát hành TPDN được diễn ra thành công, đúng luật và bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư. Thực tế, nhà đầu tư cũng không mua TPDN trực tiếp từ tổ chức phát hành mà thông qua các tổ chức trung gian. Đôi khi, chính danh tiếng và uy tín của tổ chức trung gian mới là lý do khiến nhà đầu tư tin tưởng để móc hầu bao mua trái phiếu.

Vậy nếu các tổ chức trung gian này cố tình mập mờ thông tin, lừa dối, ép buộc hay có những vi phạm khác trong quá trình cung cấp dịch vụ trung gian phát hành TPDN gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thì trách nhiệm pháp lý sẽ là gì? Liệu trái chủ có thể kiện đòi bồi thường hay không?

Trách nhiệm của tổ chức trung gian

Trong một thời gian rất dài, nghĩa vụ của các tổ chức trung gian trong hoạt động phát hành TPDN không được những nhà quản lý quan tâm đúng mức. Bằng chứng là trong các quy định pháp luật về phát hành TPDN (đặc biệt là phát hành riêng lẻ), nghĩa vụ của các tổ chức trung gian được quy định một cách chung chung hoặc để ngỏ. Đặc biệt là nghĩa vụ của đại diện người sở hữu TPDN còn khá mờ nhạt, chưa xứng tầm với vị trí đại diện cho quyền lợi của tập thể trái chủ. Trong quy định về phát hành TPDN riêng lẻ, không tồn tại quy định nào về nghĩa vụ của đối tượng này.

Hệ quả của thực trạng này thì đã và đang hiển thị rõ nét trên thực tế. TPDN được đẩy vào kênh phân phối của ngân hàng, ngồi cùng mâm với các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm trên những tờ tiếp thị sản phẩm.

Kèm theo đó, thời hạn TPDN được phân nhỏ, lãi suất thay đổi hoặc đẩy lên cao, làm cho khách hàng có thể nhầm lẫn với tiền gửi tiết kiệm hoặc có niềm tin rằng thu hồi lại tiền lúc nào cũng được.

Bên cạnh đó, các tổ chức trung gian cũng thiếu sự cam kết rõ ràng, thể hiện ở hiện tượng hủy ngang, từ nhiệm vai trò khi đang trong thời hạn trái phiếu. Đơn cử như từ cuối năm 2021 đến nay, một công ty chứng khoán đã thông báo từ nhiệm vị trí đại lý đăng ký, lưu ký; đại lý quản lý tài sản bảo đảm; đại diện sở hữu trong hàng loạt lô TPDN do công ty này tham gia cung cấp dịch vụ từ năm 2020.

Song hành với đó, trách nhiệm pháp lý cũng trong trạng thái không rõ ràng. Nghị định 153/2020 chỉ quy định về trách nhiệm hành chính đối với các vi phạm về cung cấp dịch vụ của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán; tổ chức đăng ký, lưu ký; tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành. Trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự đã không được đề cập đến.

Đồng thời, do các quy định về nghĩa vụ của các tổ chức này khá chung chung và mơ hồ nên hầu như rất khó xác định được vi phạm, ngoại trừ hoạt động tư vấn hồ sơ chào bán. Thêm vào đó, nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cũng thiếu những quy định xử phạt cụ thể dành cho các đối tượng này.

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành nhiều quyết định xử phạt hành chính đối với các công ty chứng khoán, nhưng đa phần liên quan đến vi phạm trong hoạt động tư vấn hồ sơ chào bán. Dường như chưa có quyết định xử phạt nào dành cho các ngân hàng trong quá trình phân phối, môi giới trái phiếu.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022 với mục đích gia cố thêm hàng rào pháp lý về phát hành TPDN riêng lẻ, trong đó dành một dung lượng khá lớn để chi tiết hóa nghĩa vụ của các tổ chức trung gian trong việc cung cấp dịch vụ. Thêm vào đó, quy định bổ sung về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Đây có thể được xem là một bước tiến trong việc phân định rõ ràng hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức trung gian. Mặc dù vậy, để các quy định này có đời sống thực tế thì cần tiến hành rà soát và gia cố lại các quy định về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan cũng như Bộ luật Hình sự hiện hành.

Lưu Minh Sang - Trường Đại học Kinh tế - Luật

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính tiếp tục khuyến nghị về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (14/11/2022)

>   Ban IV: Phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế chông chênh (14/11/2022)

>   VCSC mua lại trước hạn gần 400 tỷ đồng trái phiếu (14/11/2022)

>   Trái phiếu doanh nghiệp cần sự ổn định (14/11/2022)

>   Niềm tin nhà đầu tư mong manh theo 'trái đắng' của doanh nghiệp (12/11/2022)

>   DIG muốn mua lại trước hạn 1,600 tỷ đồng trái phiếu (11/11/2022)

>   Các quỹ trái phiếu ở Việt Nam kinh doanh ra sao trong quý 3/2022 (15/11/2022)

>   Một doanh nghiệp vừa huy động 100 tỷ đồng trái phiếu vừa vay ngân hàng 100 tỷ đồng (11/11/2022)

>   Khủng hoảng thị trường TPDN: Hiệu ứng domino đã diễn ra? (11/11/2022)

>   Chính phủ yêu cầu sớm có giải pháp xử lý các khó khăn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (11/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật