Thứ Sáu, 04/11/2022 06:18

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu lý do kiểm soát tín dụng bất động sản

Chiều 3/11, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan tại phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về kiểm soát tín dụng bất động sản.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh Như Ý

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển và thay đổi diện mạo đô thị, góp phần phát triển nhà ở xã hội để đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản phát triển cần huy động nhiều nguồn lực từ các kênh, ví dụ như nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ ngân sách nhà nước, vốn tự có của doanh nghiệp và người dân. “Vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh vốn để phát triển thị trường bất động sản”, bà Hồng cho hay.

Thống đốc nhấn mạnh, việc điều hành tín dụng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam phải lấy mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống, cũng như đảm bảo ổn định được thị trường tiền tệ và ngoại hối.

“Chẳng hạn, trong điều kiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống thì việc mở rộng tín dụng cho thị trường bất động sản sẽ gây khó khăn cho Ngân hàng nhà nước trong việc đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ, chưa nói đến là sẽ đi ngược lại mục tiêu của chính sách tiền tệ. Chính vì vậy, điều hành tín dụng cũng cần phải cân nhắc hết sức thận trọng”, bà Hồng cho hay.

Cũng theo Thống đốc, sự an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng rất quan trọng.

“Chúng tôi xét thấy, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Rủi ro ở đây không phải là rủi ro tín dụng, không phải rủi ro là dự án đó không trả được nợ, kể cả một dự án hoạt động có hiệu quả, có đủ điều kiện vay vốn, nhưng vì yêu cầu về tín dụng đối với bất động sản thường dài hạn và với số tiền lớn.

Với đặc tính huy động vốn của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, cho nên khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các tổ chức tín dụng nếu không kiểm soát tốt thì sẽ đối mặt với những rủi ro về thanh khoản.

Chính vì vậy, trong quá trình kiểm soát thì Ngân hàng Nhà nước đã không kiểm soát bằng các biện pháp trực tiếp mà chúng tôi kiểm soát bằng các biện pháp gián tiếp. Các văn bản quy định của Ngân hàng Nhà nước thì quy định theo hướng kiểm soát rủi ro”, bà Hồng nói.

Hệ số điều chỉnh rủi ro 200%

Thống đốc ví dụ, những khoản cho vay đối với kinh doanh bất động sản, áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro là 200% và đối với những khoản cho vay mua nhà nếu như với giá trị trên 4 tỷ đồng, sẽ áp dụng một hệ số rủi ro là 150%. Trong khi đó, đối với những khoản cho vay nhà ở xã hội nếu khoản vay dưới 1,5 tỷ đồng thì áp dụng hệ số rủi ro dưới 50%. Như vậy, chính sách của Ngân hàng Nhà nước hướng đến ưu tiên đối với cấp tín dụng những khoản cho vay đối với các nhà ở phân khúc thấp.

Đối với tín dụng cho nhà ở xã hội, bà Hồng thông tin, hiện nay Chính phủ cũng quan tâm và đã có Nghị định 100 ban hành năm 2015 và năm 2021 đã sửa bằng Nghị định 49. Trong đó giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay nhà ở xã hội và giao cho các tổ chức tín dụng được chỉ định.

Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, đơn vị được thực hiện theo Nghị định thì đến nay đã giải ngân 10.584 tỷ đồng và dư nợ đến 30/9 là 9.147 tỷ đồng. Đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định trong Nghị định này, hiện nay chưa giải ngân được, bởi vì tiền cấp bù lãi suất cũng chưa được bố trí cho các tổ chức tín dụng. Cho nên các tổ chức tín dụng cũng chưa thực hiện cho vay đối với chương trình theo Nghị định 100 này.

“Trong thời gian tới, chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nằm trong khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ để kiên định đối với mục tiêu góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội cũng như đảm bảo an toàn hệ thống. Đối với các công cụ, giải pháp của tín dụng, chúng tôi sẽ cân nhắc vào trong tổng thể các công cụ, giải pháp khác để làm sao đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ”, Thống đốc bày tỏ.

Luân Dũng

Tiền phong

Các tin tức khác

>   SCB cộng thêm lãi suất 0.8%/năm dành cho khách hàng gửi tại quầy (03/11/2022)

>   SHB được vinh danh trong Top 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu Việt Nam (03/11/2022)

>   SHB chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức, tỷ lệ 15% (03/11/2022)

>   SCB đang làm việc với các công ty chứng khoán liên quan đến trái phiếu (03/11/2022)

>   Khẳng định "Chất sống" riêng biệt cùng hệ sinh thái tín dụng Sacombank  (03/11/2022)

>   Không phải chỉ hộ nghèo mới được vay vốn 'xóa đói giảm nghèo' (03/11/2022)

>   Bị chiếm đoạt sim điện thoại, người phụ nữ mất hơn 5,3 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng (03/11/2022)

>   LienVietPostBank tiếp tục mua lại hơn 1.8 ngàn tỷ đồng trái phiếu (02/11/2022)

>   Thị trường thanh toán điện tử ASEAN dự báo đạt 2 ngàn tỷ USD vào 2030 (02/11/2022)

>   Lý do ngân hàng liên tục tăng lãi suất (02/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật