SGP - Canh mua khi giá xuống dưới mức 9,900 đồng
CTCP Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) là một trong những doanh nghiệp khai thác cảng biển hàng đầu tại khu vực miền Nam. Trong đó, cảng Sài Gòn Hiệp Phước đang được giới phân tích đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ có vị trí chiến lược.
Hàng hóa thông qua cảng biển cả nước giảm tốc
Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển của cả nước sau 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 608 triệu tấn, tăng 3.42% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này có đóng góp lớn từ hàng hóa nội địa, đạt 284 triệu tấn (+12.62%yoy) nhờ sức tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn tương đối ổn định. Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm tốc (giảm lần lượt 2.63% và 4.35%yoy).
Tính riêng tháng 10/2022, tổng khối lượng ước đạt 58 triệu tấn (+6.6%mom và +1.74%yoy), trong đó hàng xuất khẩu đạt 14.1 triệu tấn (+11.5%mom và -14.3%yoy) và hàng nhập khẩu đạt 16.5 triệu tấn (+18%mom và +10.4%yoy). Hàng xuất khẩu có tín hiệu kém lạc quan do nhiều quốc gia xuất khẩu chủ lực đang chìm trong lạm phát. Ngược lại, hàng nhập khẩu vẫn ghi nhận đà phục hồi.
Về ngắn hạn, triển vọng ngành cảng biển Việt Nam được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn cuối năm 2022 và năm 2023 bởi nhiều yếu tố như chính sách Zero Covid của Trung Quốc, lạm phát cao, nhu cầu suy yếu đi kèm nỗi lo suy thoái... Tuy nhiên, về dài hạn chúng tôi vẫn lạc quan về dư địa tăng trưởng nhờ các hiệp định FTA thế hệ mới, những chính sách thúc đẩy phát triển ngành cảng biển & logistics của Chính phủ.
Tổng quan doanh nghiệp
CTCP Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) là một trong những doanh nghiệp khai thác cảng biển hàng đầu tại khu vực miền Nam và đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế của đất nước.
Hoạt động kinh doanh chính của SGP bao gồm hoạt động khai thác cảng, khai thác kho bãi và lai dắt – cứu hộ hàng hải tại các khu vực kinh tế trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT), đồng bằng sông Mekong và các vùng lân cận.
SGP hiện đang trực tiếp quản lý và khai thác các cảng: cảng Nhà Rồng Khánh Hội, cảng Tân Thuận (bao gồm Tân Thuận 1 và Tân Thuận 2), cảng Sài Gòn Hiệp Phước và cảng Thép Phú Mỹ - BRVT. Trong đó, cảng Nhà Rồng Khánh Hội hiện không còn khai thác và đang trong quá trình di dời và chuyển đổi công năng theo quyết định số 46/2010/QĐ- TTg. Cảng Sài Gòn Hiệp Phước đang là cảng tiếp nhận khai thác hàng hóa từ cảng Nhà Rồng Khánh Hội.
Các cảng Tân Thuận, cảng Sài Gòn Hiệp Phước và cảng Thép Phú Mỹ - BR VT đang được khai thác với tổng sản lượng đạt hơn 10 triệu tấn/năm. Các mặt hàng khai thác chính của các cảng này bao gồm hàng sắt thép, phân bón, container…
Theo số liệu từ Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), thị phần khai thác của SGP tại khu vực TP.HCM đạt 8.95%, đứng thứ hai sau Tân Cảng Cát Lái (thị phần 71% với hơn 80 triệu tấn). Trong đó, nhập khẩu phân bón SGP chiếm 86% thị phần khu vực TP.HCM; cảng Tân Thuận chiếm 61% thị phần làm hàng sắt thép trong khu vực.
Sản lượng khai thác của SGP trong giai đoạn từ 2017 đến nay không có xu hướng tăng trưởng do tác động từ việc di dời cảng Nhà Rồng Khánh Hội, trong đó sản lượng làm hàng container đã giảm hơn một nửa từ 320,000 TEU xuống còn khoảng 134,000 TEU năm 2021.
Cảng Nhà Rồng Khánh Hội. Thủ tướng đã có quyết định 46/2010 di dời cảng này từ năm 2010. Thay vào đó là dự án khu phức hợp Nhà Rồng Khánh Hội do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư. Quy mô dự án bao gồm: khu nhà cao tầng chức năng hỗn hợp trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ (3,116 căn), biệt thự (32 căn), trường mẫu giáo, tiểu học, cơ sở y tế… Với số vốn góp tại công ty Ngọc Viễn Đông và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý cảng biển, chúng tôi kỳ vọng SGP sẽ duy trì khai thác bến du lịch tại dự án này trong tương lai.
Cảng Tân Thuận. Là cảng có sản lượng cao nhất trong hệ thống cảng do SGP trực tiếp quản lý, ước đạt hơn 5.6 triệu tấn năm 2021, chiếm hơn 55% tổng sản lượng. Cảng Tân Thuận khai thác chủ yếu hàng container nội địa và hàng sắt thép. Sản lượng làm hàng sắt thép của cảng Tân Thuận năm 2021 đạt 3.7 triệu tấn (+22%yoy) nhờ thị trường tiêu thụ sắt thép nội địa và xuất khẩu khả quan.
Chúng tôi lưu ý hiện cảng Tân Thuận đã khai thác tối đa công suất và không thể mở rộng do khu vực nội thành không còn quỹ đất để xây dựng cảng biển. Thành phố đã có chủ trương di dời cảng này ra khỏi nội thành để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị. Cảng Tân Thuận sẽ từng bước bàn giao mặt bằng và di dời sang cảng Sài Gòn Hiêp Phước để triển khai xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Tuy nhiên, việc di dời cảng Tân Thuận sẽ phụ thuộc vào tiến độ xác định chủ đầu tư và phương án đầu tư của thành phố.
Theo dự kiến, cảng Tân Thuận vẫn sẽ hoạt động ổn định từ nay đến năm 2025, sau đó sẽ bàn giao một phần diện tích (khoảng 40%) để xây cầu Thủ Thiêm 4. Chiều dài cầu cảng dự kiến giảm còn 550m.
Cảng Sài Gòn Hiệp Phước (giai đoạn 1). Nằm tại Huyện Nhà Bè TP.HCM, khu cảng rộng 36ha, với quy mô 800m cầu cảng gồm 3 bến cho tàu trọng tải 50,000DWT, năng lực thông qua bến 8,700,000 tấn/năm. Giai đoạn 2 (đang đầu tư) có tổng diện tích hơn 40ha; chiều dài cầu tàu đạt 1,000m, năng lực hàng hóa thông qua cảng đạt 10 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2 lên đến 3,200 tỷ đồng.
Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của cảng Sài Gòn Hiệp Phước nhờ những lợi thế như: Vị trí ngay khu công nghiệp Hiệp Phước (quy mô hơn 1,686ha); Nằm trên sông Soài Rạp là nơi có phân lưu lớn nhất hệ thống sông Đồng Nai; Kết nối thuận tiện với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, khu vực cảng Sài Gòn Hiệp Phước nói riêng và khu vực cảng Hiệp Phước nói chung đang gặp nhiều hạn chế như:
- Hệ thống hạ tầng đường kết nối với cảng khu vực cảng chưa đáp ứng được nhu cầu khiến hàng hóa lưu thông qua cảng gặp nhiều khó khăn và chi phí logistics tăng;
- Luồng vào sông Soài Rạp bị hạn chế (chỉ tiếp nhập được cỡ tàu 30,000 DWT) do bồi lắng nhanh khiến các cảng không thể tiếp nhận tàu container như dự kiến 50,000-70,000 DWT.
Hiện thành phố vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nâng cấp hạ tầng kết nối đến khu vực cảng, hoạt động nạo vét cũng chưa đạt được kết quả mong muốn. Đây là yếu tố cản trở chính đến khả năng khai thác của cảng.
Nhóm cảng khu vực Cái Mép Thị Vải
Ngoài các cảng trực tiếp sở hữu ở khu vực TP.HCM, SGP còn góp vốn liên doanh với nhiều cảng nước sâu trong hệ thống cảng Cái Mép Thị Vải gồm cảng SP-PSA (sở hữu 36%), cảng SSIT (sở hữu 38.93%) và cảng CMIT (sở hữu 15%).
Cảng SP-PSA. Đi vào hoạt động từ năm 2009, là cảng nước sâu đầu tiên tại khu vực Cái Mép Thị Vải. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của SP-PSA trong những năm gần đây đang không hiệu quả, nguyên nhân chính bởi:
- Gặp bất lợi về vị trí khi nằm tương đối sâu trong khu vực thượng nguồn sông Thị Vải, dẫn đến khó có khả năng cạnh tranh với các cảng như cảng Gemalink, nhóm Tân Cảng (TCTT, TCIT và TCCT).
- Bên cạnh đó, dù được thiết kế là cảng nước sâu để khai thác các chuyến tàu container cỡ lớn, nhưng trong nhiều năm trở lại đây hàng hóa thông qua cảng SP-PSA chủ yếu là hàng rời, lượng hàng container rất thấp do tình trạng chung khu vực cảng Cái Mép Thị Vải thừa công suất. Điều này dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ của cảng SP-PSA trong nhiều năm do không bù đắp được chi phí lãi vay và chi phí khấu hao lớn.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy những tín hiệu khả quan trong giai đoạn gần đây của cảng SP-PSA nhờ tái cơ cấu khoản nợ 109.9 triệu USD, giúp doanh nghiệp giảm nghĩa vụ tài chính và rủi ro tiềm ẩn. Bên cạnh đó, SP-PSA đang lên kế hoạch sửa chữa, bảo trì lại các máy móc thiết bị và cơ cấu sản lượng sang khai thác hàng containier, điều này kỳ vọng sẽ giúp cảng SP-PSA hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Cảng CMIT và SSIT. Nằm ở khu vực hạ nguồn sông Thị Vải, cả hai cảng này cũng đã trải qua giai đoạn liên lục thua lỗ. Tuy nhiên, kể từ năm 2020 trở lại đây cảng CMIT và SSIT đã hoạt động hiệu quả trở lại khi nhu cầu xuất nhập khẩu qua khu vực cảng Cái Mép Thị Vải tăng cao giúp sản lượng bắt kịp với công suất thiết kế.
Tuy nhiên, với cảng SSIT (Liên doanh SSIT), nhà đầu tư cần lưu ý khi liên doanh này đang gặp căng thẳng về tình hình tài chính và có thể đe dọa đến khả năng tiếp tục hoạt động. Dù hoạt động kinh doanh của cảng SSIT bắt đầu có được sự ổn định. Tuy nhiên, dòng tiền của SSIT vẫn không thể thu xếp để trả nợ vay cho các tổ chức đúng theo lịch trả nợ.
Cụ thể, đến ngày 31/8/2022, Liên doanh SSIT còn nợ 5 tổ chức tín dụng tổng số tiền 47.7 triệu USD (trong đó 43.2 triệu USD là nợ quá hạn). Theo lịch trả nợ vay, trước ngày 15/12, Liên doanh SSIT phải trả nợ dứt điểm tổng số tiền trên cho các tổ chức tín dụng.
Hiện SGP đang lấy ý kiến cổ đông về việc cho Liên doanh SSIT vay 24 triệu USD để trả nợ, khoản tiền hỗ trợ này sẽ được lấy từ nguồn vốn nhàn rỗi của SGP. Thời gian Liên doanh SSIT hoàn trả khoản tiền này cho SGP trong vòng 3 năm nhưng có thể gia hạn thêm 1 năm.
Liên doanh SSIT hiện đang hoạt động ổn định trở lại, hoạt động kinh doanh đã bắt đầu có lãi sau thuế trong khi tiềm năng của khu vực cảng Cái Mép Thị Vải còn rất lớn. Do đó, việc SGP hỗ trợ Liên doanh SSIT sẽ giúp cho công ty này ổn định tình hình tài chính, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh và mang lại lợi ích cho SGP trong tương lai.
Nhiều dự án hạ tầng sẽ được đầu tư tại khu vực cảng Cái Mép Thị Vải
Số liệu từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 83.9 triệu tấn (-4%yoy). Khối lượng hàng container thông qua bằng tàu biển giảm tốc, ước đạt 26.3 triệu tấn (+2%yoy). Trong đó, tổng số lượt tàu biển thông qua cảng giảm, ước đạt 14.463 lượt (-10%yoy).
Cụm cảng Cái Mép Thị Vải được dự báo sẽ tăng trưởng chậm trong năm 2022 và đối mặt với khả năng suy yếu trong năm 2023 bởi các yếu tố như nhu cầu tiêu dùng suy yếu, bất ổn chính trị, lạm phát cao và nỗi lo suy thoái.
Tuy nhiên về dài hạn, cụm cảng Cái Mép Thị Vải còn nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ các yếu tố như kinh tế toàn cầu phục hồi, các hiệp định FTA, đầu tư & nâng cấp hạ tầng cảng và xu hướng dịch chuyển nguồn hàng từ các cảng nội thành TP.HCM.
Kết quả kinh doanh 9 tháng giảm sâu
Sau 9 tháng đầu năm 2022, SGP ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực khi doanh thu chỉ đạt 876.4 tỷ (-11.9%yoy), trong đó doanh thu hoạt động khai thác giảm -14.8%yoy, nguyên nhân chủ yếu do thị trường sắt thép và phân bón nhập khẩu đều có tín hiệu kém sôi động so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 34.3 tỷ (+5.7%yoy), lãi từ công ty liên doanh/liên kết đạt 50.6 tỷ (-17.2%yoy).
Do chi phí giá vốn chỉ giảm nhẹ -6.9%yoy khiến cho lợi nhuận gộp giảm mạnh -19.8%yoy, đạt 313.1 tỷ; biên lãi gộp giảm xuống còn 35.7%. Chi phí lãi vay tăng hơn 5 lần cùng kỳ, đạt 16.1 tỷ; chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 146.5 tỷ (+24.3%yoy). Qua đó khiến kết quả lợi nhuận sau thuế của SGP sau 9 tháng đầu năm chỉ đạt 193.4 tỷ (-33.6%yoy).
Ước tính kết quả kinh doanh
Chúng tôi ước tính doanh thu và sản lượng khai thác hàng hóa của SGP giảm trong năm 2022 đạt lần lượt 1,210 tỷ (-11.8%yoy) và 9.04 triệu tấn (-11.2%yoy) do tình hình tiêu thụ và xuất nhập khẩu các loại hàng hóa như phân bón, sắt thép (mặt hàng khai thác chính của SGP) kém lạc quan khi đều ghi nhận giảm mạnh sau 3 quý đầu năm.
Lợi nhuận gộp cả năm 2022 ước đạt 466 tỷ (-17.2%yoy), biên lợi nhuận gộp giảm từ 41.1% xuống 38.5%. Lợi nhuận trước thuế đạt 376 tỷ giảm mạnh so với cùng kỳ (-61.4%yoy) chủ yếu do: tăng chi phí lãi vay, tăng chi phí trích lập dự phòng cho các khoản phải thu quá hạn, giảm lợi nhuận từ các cảng liên doanh/liên kết và không còn ghi nhận khoản lãi đột biến từ việc tái cơ cấu cảng SP-PSA. Từ các kết quả trên chúng tôi ước tính được lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 292 tỷ (-67%yoy).
Với kết quả này, SGP sẽ thực hiện được 83.7% kế hoạch sản lượng, doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước thực hiện lần lượt 93.8% và 98.5% so với kế hoạch năm 2022.
Tình hình tài chính
Tổng tài sản của SGP đi ngang so với đầu năm đạt 5,377.5 tỷ (-1.1%). Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 1,771.4 tỷ (-5.7%), tài sản dài hạn đạt 3,606.1 tỷ (+1.32%). Trong cơ cấu tổng tài sản, tài sản dài hạn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 30.9%), đầu tư tài chính dài hạn (chiếm 19.9%), đầu tư tài chính ngắn hạn (chiếm 17.9%).
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả đang chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 2,776.9 tỷ (chiếm 51.6%). Trong đó, nợ ngắn hạn đạt 616.3 tỷ, giảm -11% so với đầu năm chủ yếu do giảm các khoản phải trả người bán (-33% còn 88.8 tỷ) và nợ vay ngắn hạn (-16.6% còn 214.5 tỷ); nợ dài hạn đạt 2,160.6 tỷ, giảm 0.97% so với đầu năm, chủ yếu do nợ vay dài hạn giảm -10.9% còn 108.3 tỷ.
Phải thu khó đòi tiếp tục tăng. Chúng tôi lưu ý khoản phải thu ngắn hạn tại Công ty TNHH LD DV Container Quốc tế CSG-SSA (Liên doanh SSIT) đã tăng thêm 60.6 tỷ so với đầu năm đạt 308.6 tỷ, trong đó số đó có 266.8 tỷ là phải thu khó đòi (chiếm 86%). Việc thu hồi sẽ phụ thuộc vào khả năng cải thiện tình hình tài chính của công ty này. Do đó trong trường hợp thị trường kinh doanh ảm đạm, các khoản phải thu khó đòi và chi phí dự phòng sẽ gây áp lực lên lợi nhuận của SGP.
Nợ vay có thể tăng mạnh. Liên quan đến khoản ứng vốn từ 599 tỷ từ Bộ Tài Chính và 850 tỷ từ công ty Ngọc Viễn Đông để phục vụ di dời cảng Nhà Rồng Khánh Hội và xây dựng cảng Sài Gòn Hiệp Phước. Theo đó, sau khi hoàn tất, SPG sẽ phải hoàn trả số tiền này cho Bộ Tài chính và công ty Ngọc Viễn Đông, do đó áp lực nợ vay của SGP dự khiến sẽ tăng mạnh khi công ty thực hiện nghĩa vụ hoàn trả hai khoản ứng vốn này, dự kiến sau năm 2025.
Rủi ro đầu tư
- Chậm đầu tư hạ tầng đường kết nối quanh khu vực cảng Hiệp Phước và nạo vét trên luồng sông Soài Rạp;
- Rủi ro di dời cảng Tân Thuận nhưng hệ thống hạ tầng đường bộ tại khu vực Hiệp Phước chưa kịp đầu tư. Điều này sẽ khiến cảng Tân Thuận bị mất thị phần vào tay các cảng trong khu vực;
- Sản lượng khai thác thấp hơn dự kiến;
- Rủi ro thanh khoản giao dịch của cổ phiếu thấp.
Định giá doanh nghiệp
Chúng tôi sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash Flow - DCF) với lãi suất chiết khấu WACC là 12.59%. Chúng tôi ước tính được giá trị nội tại của SGP là 14,240 đồng.
Nhà đầu tư có thể canh mua khi giá xuống dưới mức 9,900 đồng (chiết khấu khoảng 30% so với kết quả định giá).
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|