Sàn giao dịch nợ VAMC xử lý được bao nhiêu nợ xấu trong 1 năm qua?
Sau 1 năm đi vào hoạt động, sàn giao dịch nợ của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã xử lý hơn 770 tỷ đồng. Trong đó, thông qua nghiệp vụ tư vấn, môi giới 130 tỷ đồng; tổ chức tín dụng xử lý thông qua đăng tin trên sàn 640 tỷ đồng.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc VAMC cho biết, hiện nay VAMC đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế vận hành, hoàn chỉnh website để thuận tiện hơn cho các tổ chức tín dụng cập nhật, đăng tải thông tin về bán khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng truy cập thông tin.
Xử lý nợ xấu không đơn giản, 1 nhà máy được xây dựng trên diện tích 42 ha để sản xuất trứng gà sạch theo công nghệ khép kín, từ chăn nuôi tới xử lý, đóng gói nhưng thành nợ xấu khi sau gần 4 năm vẫn chưa tìm được nhà đầu tư mới. Ông Hà Đức Tùng, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp Vietcombank Hà Nội, chia sẻ sản xuất trứng gà là ngành nghề đặc thù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhà máy này được đầu tư bài bản, áp dụng hệ thống công nghệ cao của Nhật. Vì vậy để tìm được nhà đầu tư đáp ứng được điều kiện, nhu cầu thì rất hạn chế.
Hàng loạt khoản nợ khác cũng trong tình cảnh tương tự, được chào bán thấp hơn nhằm thu hồi nợ đọng. Riêng trên sàn giao dịch nợ của VAMC có hơn 16 tổ chức tín dụng chào bán với tổng giá trị nợ và tài sản đảm bảo khoảng 32 ngàn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc cấp cao SK Việt Nam, cho rằng cần có những quy định chặt chẽ để những đối tượng tham gia mua bán nợ xấu là những người có tiềm lực, có hiểu biết và sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi tham gia xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, những vấn đề pháp lý như người tham gia mua bán nợ xấu có quyền gì, trách nhiệm gì, được làm gì, không được làm gì. Như vậy sẽ làm cho thị trường, sàn giao dịch nợ xấu trở nên minh bạch và lành mạnh.
Thu Minh
FILI
|