Những vấn đề nổi bật châu Á phải đối mặt khi các quan chức Fed tỏ ra 'diều hâu' hơn
Đồng USD khởi đầu tuần mới khá thuận lợi do nhà đầu tư lại tỏ ra thận trọng, sau khi số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến ở một số thành phố ở Trung Quốc khiến nước này phải thắt chặt các biện pháp phòng dịch.
Đồng yen Nhật và đồng USD tại Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: THX/TTXVN
|
Đồng USD mạnh lên khi rủi ro gia tăng
Đầu phiên 21/11, đồng USD giảm xuống 140,26 yen đổi 1 USD, sau khi phục hồi từ mức thấp 137,67 yen đổi 1 USD vào tuần trước. Đồng euro duy trì ở mức 1,0327 USD đổi 1 euro và thấp hơn mức cao nhất trong bốn tháng gần đây là 1,1481 USD đổi 1 euro.
Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - tiến 0,131% lên 107,03 vào sáng 21/11, sau khi ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất trong một tháng hồi tuần trước.
Một loạt những thông tin bất lợi về tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc, bao gồm việc nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên sau gần 6 tháng, đã khiến nhà đầu tư thận trọng tìm tới các kênh trú ẩn an toàn như đồng bạc xanh.
Bên cạnh đó, những bình luận khá “diều hâu” từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng giúp đồng USD ổn định sau khi giảm mạnh vào đầu tháng 11. Các nhà đầu tư sẽ rất quan tâm đến biên bản cuộc họp tháng 11 của Fed dự kiến được công bố vào ngày 23/11, với hy vọng nó sẽ giúp làm sáng tỏ ngân hàng này dự kiến kế hoạch tăng lãi suất ra sao.
Các thị trường châu Á đối mặt nhiều bất lợi
Giới quan sát nhận định rằng các báo cáo về sự suy giảm của đồng USD có thể đã bị phóng đại, và đó là một tin xấu cho các thị trường châu Á.
Chứng khoán thế giới đã phục hồi mạnh mẽ, lợi suất trái phiếu và đồng USD giảm, và các điều kiện tài chính đã bớt căng thẳng đáng kể trong tháng 10, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng Fed đang chuẩn bị “xoay trục” khỏi chính sách thắt chặt hiện thời.
Chỉ số chứng khoán MSCI thế giới tăng 15% so với mức thấp nhất ngày 13/10, trong khi chỉ số MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 15% trong bốn tuần qua và đang hướng tới tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 5/2009.
Giới ngân hàng cũng bắt đầu công bố báo cáo triển vọng năm 2023. Các nhà phân tích ngoại hối tại HSBC và Morgan Stanley nằm trong số những người cho rằng đồng USD đang đạt đỉnh và sẽ suy yếu vào năm tới.
Tuy nhiên, với việc các quan chức Fed - ngay cả từ những người từng theo phái ôn hòa như Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly - tỏ ra “diều hâu” hơn, không có gì ngạc nhiên nếu đồng USD tiếp tục đà tăng cho tới cuối năm nay.
Điều này càng làm nổi bật những vấn đề mà thị trường và các nhà hoạch định chính sách châu Á đã phải đối mặt trong cả năm: tỷ giá hối đoái xuống mức thấp lịch sử, những yêu cầu về can thiệp thị trường ngoại hối, áp lực lạm phát ngày một lớn và việc tăng lãi suất trong nước khiến đà tăng trưởng yếu đi.
Nếu Fed không sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất như đồn đoán trước đây của thị trường, hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á cũng sẽ không hành động như vậy. Tuy các cường quốc châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc đang “đi ngược dòng” với việc nới lỏng chính sách, đồng nội tệ và dự trữ ngoại hối của họ đang bị ảnh hưởng lớn từ xu hướng Fed thắt chặt lãi suất.
Đây chính là bối cảnh rộng cho cuộc họp cuối tuần này của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK). Theo một khảo sát của hãng tin Reuters, hầu hết các nhà kinh tế tham gia đều dự kiến BoK sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên ngưỡng 3,25%.
Các nhà hoạch định chính sách của BoK lẫn các ngân hàng trung ương khu vực sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi giá dầu và hàng hóa toàn cầu giảm. Nhưng nếu một Fed “diều hầu” và những người đầu cơ đồng USD có khả năng chi phối thị trường, các ngân hàng trung ương này có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn mức dự kiến trước đây.
H.Thủy
TTXVN
|