Thứ Sáu, 18/11/2022 21:56

Lạm phát Nhật Bản lên mức cao nhất trong 40 năm

Lạm phát tại Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm trong tháng 10, do ngân hàng trung ương vẫn giữ chính sách lãi suất thấp.

Đồng Yên đã giảm hơn 20% trong năm nay. Ảnh: Bloomberg

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản đã tăng 3,6% so với một năm trước đó, vượt mức tăng 3,5% mà các nhà kinh tế dự đoán ​​và mức 3% trong tháng 9.

Chỉ số CPI của Nhật Bản không bao gồm giá thực phẩm tươi sống, nhưng bao gồm giá các sản phẩm dầu mỏ. Mức lạm phát cũng cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tháng thứ 7 liên tiếp.

Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/1982, khi diễn ra một cuộc khủng hoảng ở Trung Đông bắt nguồn từ cuộc chiến Iran-Iraq đã làm gián đoạn nguồn cung dầu thô và khiến giá năng lượng tăng đột biến.

Dữ liệu tháng 10 cho thấy giá nguyên liệu thô tăng và đồng yen yếu đã khiến chi phí năng lượng tăng 15,2%, trong khi thực phẩm tăng 5,9%, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 3/1981.

đồng yên, yên nhật, lạm phát, nhật bản, chỉ số, giá tiêu dùng, kinh tế, ngân hàng trung ương, lãi suất ảnh 1

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản đã tăng 3,6% so với năm ngoái. Ảnh: Japan Times.

Trong số các mặt hàng thực phẩm, 88% đắt hơn so với một năm trước, dẫn đầu là đồ uống có cồn, như bia và rượu sake. Giá hàng gia dụng tăng 11,8%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3/1975, do chi phí vận chuyển, nguyên liệu thô và năng lượng tăng cao.

Dữ liệu cho thấy các công ty Nhật Bản đang dần bỏ suy nghĩ giảm phát khi họ áp dụng tăng giá đối với nhiều loại sản phẩm. Trong số 522 mặt hàng cấu thành chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi, 406 mặt hàng đã đắt hơn trong tháng 10 so với năm ngoái. Vào tháng 9 con số này là 385.

Các nhà thầu phụ cũng phải vật lộn với áp lực giá bán buôn, chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp đã tăng 9,1% tính đến tháng 10.

Những hạn chế về nguồn cung từ nước ngoài đã đẩy giá thực phẩm, hàng hóa công nghiệp và các bộ phận sản xuất phải nhập khẩu tăng lên, đồng thời khiến đồng yen giảm. Tới nay, đồng tiền này đã giảm hơn 20% trong năm nay nếu tính theo đồng USD.

Dù thị trường đang khó khăn, các nhà kinh tế không hề mong muốn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tham gia vào xu hướng tăng lãi suất toàn cầu. Họ coi sự gia tăng lạm phát này là một giai đoạn, và sẽ ngừng tăng khi chi phí nhập khẩu giảm dần.

đồng yên, yên nhật, lạm phát, nhật bản, chỉ số, giá tiêu dùng, kinh tế, ngân hàng trung ương, lãi suất ảnh 2

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn quyết tâm duy trì chính sách lãi suất thấp. Ảnh: Bloomberg.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn quyết tâm duy trì chính sách lãi suất thấp của mình. Hiện BOJ giữ lãi suất dài hạn quanh mức 0% và lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%.

Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, cho hay: “Nền kinh tế vẫn còn mong manh sau suy thoái do Covid-19. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản vẫn ở mức vừa phải so với tiêu chuẩn của các nước phát triển khác”.

BOJ dự báo mức giá trung bình của năm tài chính đến hết tháng 3/2023 sẽ cao hơn 3% so với năm 2021-22, nhưng mức tăng trong năm 2023-24 sẽ chỉ bằng một nửa.

Takeshi Minami, Trưởng phòng kinh tế tại Viện nghiên cứu Norinchukin, cũng cho biết: “Đà tăng sẽ sớm chậm lại. Lạm phát sẽ đạt đỉnh vào cuối năm và giá cả sẽ bắt đầu giảm trong năm mới".

Bảo Trung

Zing.vn

Các tin tức khác

>   J.P.Morgan: Kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái nhẹ trong năm 2023 (18/11/2022)

>   Anh xác nhận nền kinh tế chính thức rơi vào tình trạng suy thoái (17/11/2022)

>   CNN dự báo Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Mỹ (17/11/2022)

>   Lạm phát tại Anh tăng cao nhất 41 năm (16/11/2022)

>   Hiểu đúng về 16 điểm chính sách “giải cứu” bất động sản Trung Quốc (16/11/2022)

>   Donald Trump chính thức chạy đua cho chức Tổng thống Mỹ năm 2024 (16/11/2022)

>   Thêm dữ liệu cho thấy lạm phát Mỹ đã hạ nhiệt (15/11/2022)

>   Amazon sắp có đợt sa thải lớn nhất lịch sử (15/11/2022)

>   Làn sóng sa thải lan đến ngành bất động sản (15/11/2022)

>   Khủng hoảng địa ốc của Trung Quốc sắp kết thúc? (15/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật