'Học phí' quá cao với nhà đầu tư F0?
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu đang giảm sâu, nhiều nhà đầu tư F0 hầu như không dám nhìn vào tài khoản của mình vì không thể chấp nhận sự thật rằng đồng vốn đầu tư vào các mã cổ phiếu ngày càng bị “bốc hơi” mạnh.
Nhiều nhà đầu tư không chuyên đã thua lỗ nặng khi nắm giữ cổ phiếu từ đầu năm đến nay.
|
Không chấp nhận lỗ dẫn đến bị lún sâu…
Đã hơn một tháng nay, anh Hưng Nguyễn mới dám vào lại tài khoản chứng khoán để “thăm” đồng vốn đầu tư vào các cổ phiếu của mình. Anh choáng váng vì số tiền 650 triệu đồng trong nhiều năm tích góp của mình giờ đây bị “bốc hơi” chỉ còn không tới 300 triệu đồng, tức tiếp tục giảm thêm gần 20% so với cách đây một tháng.
Anh Hưng được xem là một trong những nhà đầu tư trung thành trên thị trường chứng khoán khi mà các cổ phiếu được dự báo tiếp tục sụt giảm thì anh vẫn kiên trì để đó “chờ thời”. Anh không muốn chấp nhận “mất tiền” khi bán tháo cổ phiếu dưới mức giá đã mua vào. Thậm chí, những khi giá giảm, anh còn mua thêm cổ phiếu ở những mã đang nắm giữ để hạ thấp giá vốn và hy vọng khi giá tăng trở lại mình sẽ có lời.
Tuy nhiên, đầu tư theo kiểu “dò đáy” cổ phiếu của anh Hưng ngày càng bị lún sâu vào thua lỗ khi các mã chứng khoán anh mua cứ liên tục sụt giảm mà đến nay cũng không biết mức nào là “đáy”. Cứ thế mà đồng vốn đầu tư của anh ngày càng bị “bốc hơi” mạnh. Có mã cổ phiếu anh mua vào hiện tại giá chỉ còn chưa tới 30% so với mức giá lúc anh mua vào.
“Giá như số tiền đầu tư đó tôi để trong ngân hàng lấy lãi hàng tháng thì giờ này đâu đến nỗi thua lỗ nhiều thế này!”, anh Hưng tặc lưỡi tỏ vẻ nuối tiếc, và cho biết: “Tôi chỉ mới tham gia đầu tư vào cổ phiếu trên sàn chứng khoán được khoảng 10 tháng nay khi mà Tết cổ truyền 2022 hóng nghe các bạn học cũ họp lớp cứ ríu rít trúng đậm nhờ đầu tư cổ phiếu, đồng vốn ngày càng tăng”.
Trên thực tế, trong thời gian đầu tham gia thị trường với sắc “xanh – đỏ” của bảng điện tử liên tục chuyển động, anh Hưng cũng may mắn thắng vài phiên khi bỏ ra số tiền 50 triệu đồng để sở hữu một mã cổ phiếu mang tính “đại chúng”. Dù không biết rõ lý do vì sao mình thắng nhưng khi đó nhận thấy kiếm tiền thông qua mua cổ phiếu quá dễ dàng nên càng về sau anh càng rót số tiền lớn hơn vào các mã cổ phiếu.
Trường hợp chị Mai Hiền cũng không khác mấy so với anh Hưng. Tham gia theo kiểu “may rủi” ở thời điểm chỉ số VN-Index vào đỉnh, chị đang rơi vào tình cảnh khốn đốn khi thị trường chứng khoán liên tục đi xuống.
“Một số người có kinh nghiệm về đầu tư chứng khoán trong thời gian qua đã khuyên tôi nên bán các cổ phiếu đang nắm giữ nhằm cắt lỗ nhưng vì sợ bán ra dưới giá mua vào, đồng vốn đầu tư bị sụt giảm mạnh nên tôi cứ thế mà giữ nó trong tài khoản để chờ thời”, chị Mai Hiền chia sẻ, và có suy nghĩ: “Khi cổ phiếu chưa bán ra thì đồng tiền đầu tư của mình vẫn còn đó”.
Cứ thế mà số tiền tích lũy rút từ ngân hàng để đem đầu tư vào các mã chứng khoán của chị Hiền đến nay đã bay hơn 60%. Đọc thông tin về tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thu hẹp sản xuất, hàng loạt người lao động bị mất việc…, chị Hiền lo lắng không biết đến khi nào mình có thể hoàn lại số vốn 1 tỉ đồng khi mà VN-Index hiện đã tụt về mốc 900 so với lúc chị tham gia là hơn 1.500 điểm vào hồi đầu năm nay.
Xoay xở trả nợ, phải bán xe hơi, nhà cửa…
Anh Hưng và chị Hiền không phải là hai nhà đầu tư F0 hiếm hoi bị thua lỗ nặng trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước lao dốc từ đầu năm đến nay. Trên thực tế, khi nhìn thấy các đồng nghiệp, bạn bè và cả những người hàng xóm “thắng lớn” nhờ cổ phiếu tăng cao trong thời gian nửa cuối năm 2021, nhiều người không biết gì về chứng khoán cũng lao vào vào thị trường này nhằm cầu may, thậm chí có người còn quyết định nghỉ việc để tập trung cho việc “lướt sóng” chứng khoán.
Do đó mà lượng nhà đầu tư trong nước mở tài khoản tham gia chứng khoán liên tục lập kỷ lục mới qua mỗi tháng. Ngay cả ở thời điểm thị trường bắt đầu rơi vào tình cảnh ảm đạm, tài khoản mở mới vẫn lập kỷ lục khi mà nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng việc sụt giảm chỉ là tạm thời.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tháng 5-2022, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 476.455 tài khoản chứng khoán, gấp đôi so với tháng 4 và cao hơn tới 76% so với kỷ lục hơn 270.000 tài khoản mở mới hồi tháng 3-2022. Con số kỷ lục nhà đầu tư, mà phần nhiều là tay ngang như anh Hưng và chị Hiền, gia nhập thị trường đã đánh dấu một bước ngoặt đối với thị trường chứng khoán Việt Nam – nơi mà bản thân hai nhà đầu tư này cùng nhiều người lao động khác vốn chuộng các kênh bất động sản, gửi tiết kiệm hay giữ vàng lại quay sang mua cổ phiếu.
Cũng giống như anh Hưng và chị Hiền, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán hầu như chỉ quan tâm đến “ba chữ cái” của cổ phiếu đầu tư, trong khi không tìm hiểu lĩnh vực hoạt động cốt lõi, phân tích tình hình hoạt động kinh doanh, phân tích tài chính cũng như xu hướng tiềm năng phát triển sắp tới của doanh nghiệp. Họ cũng không biết phân tích khi lợi nhuận kỳ vọng bị ảnh hưởng bởi chính sách vĩ mô, rủi ro ngành… của doanh nghiệp mà mình có ý định đầu tư. Không ít nhà đầu tư F0 đã bị “chìm” khi “lướt sóng” trong thời gian vừa qua.
Đáng chú ý hơn là các trường hợp đầu tư từ tiền vay của các công ty chứng khoán (margin), dẫn đến càng lỗ nặng hơn khi hàng loạt cổ phiếu liên tục nằm sàn trong thời gian qua. Sử dụng margin, nhà đầu tư có thể mua được số lượng cổ phiếu nhiều hơn so với việc chỉ dùng vốn tự có. Do đó, không giống như trường hợp anh Hưng và chị Hiền tham gia mua cổ phiếu bằng chính đồng tiền tích lũy của mình, các nhà đầu tư giao dịch ký quỹ còn phải trả tiền lãi vay cao cho các công ty chứng khoán. Điều này đã gây sức ép rất lớn cho các nhà đầu tư sử dụng margin để xoay xở tài chính trả nợ hoặc buộc phải bán tháo cổ phiếu ngay khi giá cổ phiếu bị giảm mạnh.
Từng có nhiều năm tham gia mua cổ phiếu, đầu năm nay khi quay trở lại thị trường chứng khoán, anh Minh Đức tự tin vào khả năng phân tích và phán đoán các mã cổ phiếu mình đầu tư. Thế nhưng, ngay cả các nhà đầu tư là các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư với đội ngũ chuyên gia phân tích chuyên nghiệp cũng bị thua lỗ nhiều, thì các mã cổ phiếu của anh Đức không nằm ngoài vòng xoáy bị “bốc hơi” đó.
Vấn đề là số tiền anh Đức đầu tư qua margin đã lên đến hơn 1,2 tỉ đồng giờ đây phải thanh toán vốn và lãi vay rất cao của công ty chứng khoán. Do đó, anh buộc phải bán chiếc xe hơi yêu dấu của mình, thu về được 50% so với giá trị mua vào cách đây 3 năm, lấy tiền chi trả nhằm phần nào giảm bớt gánh nặng nợ nần.
Cũng đầu tư theo kiểu vay margin với kỳ vọng thu lãi nhanh nếu giá cổ phiếu tăng, anh Tấn Phong giờ đây “điêu đứng” với tình cảnh nợ nần khi gánh số tiền lãi vay của công ty chứng khoán. “Giữa muôn vàn khó khăn về kinh tế, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, lãi suất vay tăng cao cùng với việc khó tiếp cận vốn các tổ chức tài chính, việc bán đi tài sản giá trị mình đang sở hữu là cách tốt nhất”, anh Phong chia sẻ. Thế là anh quyết định rao bán căn hộ giá 4,5 tỉ đồng ở quận Bình Thạnh (TPHCM) để trả nợ; đồng thời cũng đi tìm chỗ trọ cho gia đình nhỏ của anh.
“Sợ” chứng khoán, quay lại gửi ngân hàng?
Diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán thời gian vừa qua cũng khiến nhiều nhà đầu tư F0 phần nào rút ra những bài học kinh nghiệm, để hiểu về sự tỉnh táo khi tham gia thị trường, cân nhắc hơn trước mỗi quyết định mua-bán cổ phiếu, thay vì đầu tư theo tâm lý đám đông.
Do thua lỗ nhiều nên các nhà đầu tư chứng khoán phải bán tài sản như ô tô, căn hộ, nhà …. Ảnh minh họa: Lê Hoàng
|
Có kinh nghiệm 3 năm tham gia thị trường chứng khoán và chỉ tập trung vào việc “lướt sóng” chứng khoán, anh Minh Thái may mắn đã cắt lỗ khi số vốn đầu tư vào các mã cổ phiếu bị hụt khoảng 30%. Đánh giá tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, trong khi các ngân hàng đang huy động vốn với lãi suất khá cao, anh quyết định chuyển toàn bộ số vốn còn lại của mình hình hiện nay gửi vào ngân hàng để hưởng lãi.
“Tôi quyết định chuyển hết 700 triệu đồng tiền tích lũy còn lại vào một ngân hàng uy tín để nhận về lãi suất 9,4% mỗi năm”, anh Thái chia sẻ, và cho biết: “Đây là mức lãi suất khá cao và tôi rất yên tâm khi gửi tiền vào ngân hàng này trong thời hạn 3 năm thay vì đầu tư chứng khoán vừa dễ bị ‘đau tim’ mà chưa biết khi nào thị trường phục hồi”.
Do số tiền đầu tư còn hạn chế nên việc đầu tư đất đai, nhà cửa… là xa tầm tay của nhiều nhà đầu tư F0. Do vậy, việc gửi tiền với lãi suất cao tại các ngân hàng hiện nay được các nhà đầu tư không chuyên quan tâm nhiều hơn.
“Trước đây, khi tham gia đầu tư vào các mã cổ phiếu, tôi cũng đặt kỳ vọng khi sinh lời được khoản 10% là bán chúng. Do đó, việc các ngân hàng huy động với lãi suất cao như hiện nay tôi nghĩ việc chuyển vốn vào gửi tiết kiệm là quyết định hợp lý của mình”, anh Minh Thái chia sẻ. Anh cũng cho rằng đầu tư vào vàng thì sợ rủi ro cao do vàng đã tăng giá quá nhiều trong thời gian qua.
Chia sẻ với chúng tôi, một số nhà đầu tư F0 cho rằng họ quá vội vàng khi rót số tiền lớn vào cổ phiếu mà không tìm hiểu kỹ càng. Diễn biến của thị trường vừa qua được cho là bài học kinh nghiệm với những nhà đầu tư không chuyên, “chơi” theo tâm lý đám đông. Chạy theo thị trường, nhà đầu tư bán tháo khi thị trường xấu đi, càng kéo giá cổ phiếu giảm sâu hơn, do đó càng thất bại. Một số khác giữ cổ phiếu, không chịu cắt lỗ, thì luôn phập phồng lo trắng tay bởi không biết trạng thái thị trường sắp tới như thế nào: phục hồi? lình xình? hay tiếp tục chìm sâu?
Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, khi mới bước vào thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư F0 thường mắc phải một số sai lầm như đầu tư kiểu hên xui, không gồng lỗ và cắt lỗ, không có mục tiêu đầu tư cụ thể… Vì thế, để tránh rủi ro, nhà đầu tư cần lập kế hoạch cụ thể trước khi rót tiền vào chứng khoán. Nên bắt đầu với số vốn vừa phải, không nên thử sức với số tiền lớn để tránh những rủi ro mất trắng. Cùng với đó, cần nâng cao kiến thức về thị trường chứng khoán để đưa ra những quyết định đúng đắn.
Số tài khoản chứng khoán mới sụt giảm
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 9 các nhà đầu tư trong nước đã mở mới 102.244 tài khoản chứng khoán, giảm 34% so với tháng trước và chỉ bằng 1/5 so với giai đoạn bùng nổ hồi tháng 5-6 năm nay.
Đây là lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư thấp nhất kể từ tháng 7-2021 và là tháng thứ 3 liên tiếp sụt giảm mạnh. Tính đến nay, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt hơn 6,6 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,5% dân số. Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 2,3 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).
|
Lê Hoàng
TBKTSG
|