Thứ Sáu, 11/11/2022 13:00

Quản trị rủi ro khi đầu tư chứng khoán

Quản trị rủi ro có vai trò vô cùng quan trọng trong suốt quá trình giao dịch quyết định thành công của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại không biết phải bắt đầu từ đâu và làm thế nào để quản trị rủi ro, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại.

Trong tài chính, quản trị rủi ro là một quá trình phân tích, xác định những rủi ro có thể gặp phải; từ đó  chấp nhận hoặc giảm thiểu sự không chắc chắn khi ra quyết định đầu tư. Đôi khi chúng ta sẽ hiểu, quá trình quản trị rủi ro là quá trình hạn chế thua lỗ từ một khoản đầu tư hoặc một danh mục nhất định.

Khái niệm quản trị rủi ro là một khái niệm rất rộng, gắn nhiều đến xác suất thống kê và không dành cho đại đa số nhà đầu tư. Vì thế, để dễ tiếp cận, người viết chỉ tập trung vào một số kỹ thuật quản trị rủi ro mà nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận. Theo đó, nhà đầu tư sẽ có những phương pháp quản trị rủi ro đơn giản trong các giai đoạn: (1) trước khi mở vị thế (2) trong khi nắm giữ vị thế (3) sau khi đóng vị thế.

Trước khi đầu tư

Trước khi mở vị thế mua/bán, nhà đầu tư cần đánh giá một số vấn đề như sau:

Luôn tính toán ngưỡng cắt lỗ: Nghe có vẻ bình thường nhưng đây lại là điều rất quan trọng trong đầu tư. Chúng ta có thể kiếm được một cổ phiếu của một doanh nghiệp tốt, tuy nhiên, tốt thôi là chưa đủ, vị thế mua/bán tốt mới giúp kiểm soát được rủi ro. Và tính toán ngưỡng cắt lỗ là điều tối quan trọng trong vấn đề này. Điều này giúp đánh giá được mức thua lỗ sẽ gánh chịu nếu dự báo sai.

Hệ số rủi ro/lợi nhuận (risk reward ratio): Hệ số này đo lường lợi nhuận tiềm năng nhà đầu tư có thể nhận được so với khoản thua lỗ tối đa có thể gánh chịu. Thông thường khoản thua lỗ tối đa sẽ được tính từ giá mua cho đến giá cắt lỗ. Trong khi lợi nhuận sẽ được đo lường dựa trên giá mục tiêu từ các mẫu hình giá, ngưỡng kháng cự tiềm năng hoặc sẽ là kỳ vọng từ các phương pháp cơ bản.

Ví dụ nếu hệ số này là 1:7 (sau khi rút gọn) có nghĩa nhà đầu tư  nhận được 7 đồng trong khi có thể mất 1 đồng khi mở vị thế. Tuy nhiên, nếu cùng cổ phiếu đó nhưng giá mua cao hơn và hệ số này thay đổi thành 1:1 thì vị thế mua đã không còn hấp dẫn do giá mua quá cao. Thông thường hệ số này nên đạt ít nhất là 1:3. Nếu hệ số này quá lớn thì rủi ro sẽ cao, khi đó nhà đầu tư không nên mở vị thế. Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ nên chờ đợi một điểm mua khác tốt hơn hoặc đơn giản là tìm một cổ phiếu khác.

Trong quá trình đầu tư

Để lợi nhuận chạy: Ngưỡng chốt lời thường được tính toán dựa trên các mẫu hình giá, các kháng cự mạnh hoặc trên phân tích cơ bản. Những điều này lại có mức độ tin cậy khác nhau, như các yếu tố cơ bản thay đổi có thể thúc đẩy giá tăng trưởng mạnh hơn dự kiến. Hay như trong xu hướng tăng, các ngưỡng kháng cự sẽ trở nên dễ bị phá vỡ hơn, đặc biệt khi một ngưỡng kháng cự bị phá thì đó lại là một tín hiệu bứt phá (breakout) quan trọng cho thấy xu hướng tăng đang được xác nhận một cách mạnh mẽ. Vậy tại sao lại chốt lời trong khi xu hướng vẫn đang tiếp tục?

Cần lưu ý, việc nâng mức chốt lời phải dựa trên những phân tích cụ thể và hợp lý, nếu nhà đầu tư không biết phải làm gì tiếp theo khi giá vượt mục tiêu giá thì tốt nhất vẫn nên chốt lời và chờ đợi một cơ hội khác. Bên cạnh đó, việc nâng mục tiêu giá cũng nên đi kèm với việc nâng cắt lỗ (được đề cập bên dưới) để bảo vệ lợi nhuận đã có.

Cắt lỗ: Đây là điều cốt lõi trong quản trị rủi ro. Chúng ta có thể kiếm được rất nhiều tiền từ việc đầu tư, nhưng chỉ cần cố “gồng” trong một vài trường hợp sẽ làm lợi nhuận trước đó biến mất. Chúng ta không biết việc cắt lỗ tại thời điểm đó có chính xác hay không. Nhưng cắt lỗ đảm bảo được nguồn lực (tiền) vẫn còn và có thể sử dụng để đầu tư trở lại.

Ví dụ, khi thiết lập chiến lược với ngưỡng cắt lỗ 2% dưới giá mua và chẳng may giá chạm cắt lỗ liên tiếp trong 10 lần thì tổng số tiền thiệt hại sẽ là 18.29. Với mức lỗ này, chỉ cần danh mục sinh lợi 22.3% thì sẽ huề vốn (100/81.71-1). Chưa kể, nếu phương pháp đầu tư ban đầu đã được xây dựng một cách kỹ lưỡng thì việc thua lỗ 10 lần liên tiếp là điều rất khó diễn ra. Nếu thực sự thua lỗ 10 lần liên tiếp thì đó là do (1) chiến lược đầu tư sai (nhà đầu tư cần cải thiện lại chiến lược) hoặc (2) nhà đầu tư quá “xui” (tức nhà đầu tư không hợp với việc đầu tư tài chính).

Tính toán vốn với mức cắt lỗ 2%

Nâng cắt lỗ: Trong quá trình đầu tư, chúng ta sẽ gặp rất nhiều trường hợp giá tài sản tăng trưởng theo dự đoán (có lãi). Tuy nhiên, trước khi chạm giá mục tiêu thì xu hướng sẽ bị đảo ngược và điều chỉnh về ngưỡng cắt lỗ, qua đó tạo ra một khoản lỗ nhỏ trong danh mục. Xét trên khía cạnh kỹ thuật đầu tư thì đây là điều bình thường và mọi thứ vẫn đang ổn khi các quy tắc ban đầu được tuân thủ. Tuy nhiên, đứng trên khía cạnh quản trị rủi ro thì phương pháp này đang gánh chịu rủi ro không cần thiết khi bỏ lỡ khoản lợi nhuận tiềm năng. Vì thế, để tránh những trường hợp như thế này, nhà đầu tư cần phải thiết lập thêm một cơ chế “nâng cắt lỗ”.

Cơ chế này sẽ hoạt động như sau: nếu giá di chuyển đúng theo dự báo (tăng trưởng) thì ngưỡng cắt lỗ sẽ được dời lên (nâng lên) tương ứng để đảm bảo trong trường hợp giá có đảo chiều thì khoản đầu tư vẫn tạo ra được lợi nhuận hoặc tránh lỗ.

Sau đầu tư

Một vấn đề mà ít nhà đầu tư quan tâm là sau khi đầu tư cần làm gì.

Đánh giá lại các khoản đầu tư: Việc này nhằm kiểm tra chiến lược đầu tư đang sử dụng có hoạt động hiệu quả không và cần cải thiện thêm gì. Việc đánh giá lại này còn giúp nhà đầu tư cải thiện dần chiến lược của bản thân và tìm kiếm được nhiều lợi nhuận hơn trong tương lai.

Tránh xa thị trường khi đạt lợi nhuận/thua lỗ lớn: Nghe có vẻ không hợp lý nhưng đây là điều cần thiết. Khi “thắng lớn”, nhà đầu tư sẽ có tâm lý hưng phấn và sẽ mạo hiểm hơn vào những quyết định đầu tư sau đó với tâm lý là dù có lỗ thì cũng được bù đắp phần nào từ khoản lợi nhuận trước đó. Do vậy, nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu rất nhiều khoản thua lỗ sau đó.

Ngược lại, khi thua lỗ lớn, tâm lý gỡ gạc (all in) sẽ xuất hiện làm chúng ta chấp nhận những rủi ro lớn hơn với mong muốn thu hồi lại vốn. Nhưng lợi nhuận lớn sẽ đi kèm rủi ro lớn và thường kết quả là danh mục chỉ thua lỗ nhiều hơn. Do đó, trong cả 2 trường hợp nhà đầu tư phải “tĩnh tâm” và tránh bị chi phối bởi cảm xúc. Lúc đó việc đầu tư mới trở nên hiệu quả. Một trong số những cách được khuyến nghị là tránh xa thị trường trong một thời gian để ổn định tâm lý trước khi quay lại giao dịch.

Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng phân tích, Chứng khoán KIS Việt Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Chứng khoán: Những bài học từ sòng bạc (08/11/2022)

>   Phân biệt Đúng – Sai trong đầu tư chứng khoán cùng “Bí mật đồng tiền” (07/11/2022)

>   Chuyên gia kinh tế cũng sập bẫy của 'ông hoàng đọc lệnh' (07/11/2022)

>   Những bài học đầu tư chứng khoán rút ra từ chạy trail (06/11/2022)

>   Đọc vị những nỗi sợ trên thị trường chứng khoán với chương trình “Bí mật đồng tiền” (01/11/2022)

>   Nhà đầu tư chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Bình: "Tôi chưa từng có ý định rời bỏ thị trường"  (01/11/2022)

>   Điều gì đang “giết chết” những nhà đầu tư nhỏ lẻ? (26/10/2022)

>   Hiệu suất đầu tư của phụ nữ cao hơn đàn ông do họ… ít tự tin hơn (23/10/2022)

>   Nhà đầu tư cổ phiếu, trái phiếu có năm tồi tệ nhất hơn nửa thế kỷ qua, nên làm gì với tiền của bạn? (21/10/2022)

>   Những thăng trầm của các tỷ phú "sinh ra" từ COVID (19/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật