Giảm quy hoạch khu kinh tế Nam Phú Yên còn hơn 20.7 ngàn ha
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040 được thông qua tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Phú Yên khoá VIII.
Khu kinh tế Nam Phú Yên được điều chỉnh với diện tích 20,730 ha, giảm 250 ha so với trước đây do cập nhật lại ranh giới tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được Bộ Giao thông Vận tải thỏa thuận với địa phương.
Theo đồ án điều chỉnh, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 200,000 - 230,000 người và sẽ tăng lên khoảng 280,000 - 300,000 người trong năm 2040. Cấu trúc quy hoạch đến năm 2040 với hình thái, không gian kiến trúc, tính chất và vị trí các khu chức năng của KKT Nam Phú Yên theo Quy hoạch chung năm 2009 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 23/10/2009, nhưng có sự điều chỉnh.
Cụ thể, vành đai công nghiệp phía Tây có hai Trung tâm công nghiệp gắn với sân bay Tuy Hòa ở phía Bắc và cảng Bãi Gốc ở phía Nam để phát huy năng lực hạ tầng kỹ thuật khung quốc gia sân bay, cảng biển, đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Vành đai ven biển ở phía Đông phát triển dịch vụ du lịch và đô thị. Hành lang xanh ven sông Ba và sông Bàn Thạch phát triển không gian sinh thái và dịch vụ du lịch.
Ngoài ra còn có ba trung tâm phát triển chính sẽ được hình thành gồm Trung tâm đô thị và hậu cần sân bay, Trung tâm đô thị Hòa Vinh, Trung tâm đô thị thương mại ven biển. Bên cạnh đó còn có tam giác phát triển du lịch phía Nam với 3 mũi nhọn là khu vực Biển Hồ - núi Đá Bia; khu du lịch Mũi Điện - Bãi Môn và khu du lịch Hòn Nưa.
Theo quy hoạch, KKT Nam Phú Yên được chia thành 6 phân khu chức năng (điều chỉnh phân khu 5). Trong đó, phân khu 1 là khu vực phát triển đô thị phía Bắc sân bay Tuy Hòa, định hướng phát triển khu đô thị sân bay và hình thành quỹ đất hậu cần sân bay - dự trữ phát triển mở rộng sân bay trong tương lai dài hạn, phát triển du lịch sinh thái ven sông Ba.
Phân khu 2 là khu vực phát triển đô thị du lịch, dịch vụ ven biển, định hướng phát triển quỹ đất thương mại dịch vụ du lịch hỗn hợp khu vực ven biển.
Phân khu 3 là khu vực phát triển đô thị Hòa Vinh, định hướng hình thành đô thị nén, tập trung tại khu vực lõi Hòa Vinh, kết hợp với hệ thống cây xanh, mặt nước. Khu vực phía Đông Bắc phát triển công nghiệp bảo đảm sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.
Phân khu 4 là khu vực phát triển du lịch, dịch vụ ven sông Bàn Thạch, định hướng phát triển mô hình dịch vụ du lịch sinh thái bán ngập, kết hợp nông nghiệp thủy sản công nghệ cao tại hạ lưu sông Bàn Thạch, phát triển mô hình khu du lịch sinh thái ven sông, trang trại nhà vườn sinh thái.
Phân khu 5 là khu vực phát triển công nghiệp tập trung, có sự điều chỉnh về định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển.
Phân khu 6 là khu vực phát triển phía Nam, định hướng hình thành tam giác phát triển du lịch đa dạng, chất lượng cao.
Về định hướng hệ thống giao thông, giao thông đường sắt tuân thủ quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó hoàn thiện tuyến đường sắt cao tốc song song với đường bộ cao tốc Bắc - Nam, xây dựng mới 1 nhà ga và 1 trạm bảo dưỡng đường sắt cao tốc, địa điểm dự kiến ở xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa để tăng tính kết nối tuyến đường sắt cao tốc với KKT Nam Phú Yên và trung tâm TP Tuy Hòa; đầu tư xây mới ga Đông Hòa Vinh thành ga hàng hóa và hành khách, trong đó có nhánh rẽ đường sắt vào cảng Bãi Gốc sẽ được thực hiện theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đường hàng không tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; sân bay Tuy Hòa là sân bay cấp 4C giai đoạn 2021-2030 và nâng cấp mở rộng đạt công suất mỗi năm từ 3 - 5 triệu hành khách.
Về giao thông đô thị, trong KKT Nam Phú Yên mở rộng lộ giới tuyến đường Hùng Vương kéo dài với quy hoạch mặt đường rộng 57 - 63 m để đảm bảo kết nối với quốc lộ 29 đảm bảo đủ năng lực khai thác vận tải hàng hóa từ cảng Bãi Gốc lên Tây Nguyên và tuyến giao thông đô thị ven biển.
Sau khi được thông qua, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo nghiên cứu kỹ để hoàn thiện trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo chất lượng quy hoạch; việc điều chỉnh quy hoạch KKT Nam Phú Yên phải phù hợp, thống nhất với xây dựng quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình thực hiện cần thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; tuyệt đối tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Thu Minh
FILI
|