Doanh nghiệp bất động sản đã "học được các bài học đắt giá"
Các doanh nghiệp BĐS đã "học được các bài học đắt giá, đáng đồng tiền bát gạo" để khắc phục các "sai lệch" trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM (HoREA) vừa lên tiếng kỳ vọng vào Quyết định 1435/QĐ-TTg ngày 17-11 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp".
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện nay có đến khoảng 70% dự án BĐS, đô thị, nhà ở thương mại bị "vướng mắc pháp lý" nên Quyết định số 1435/QĐ-TTg được ban hành rất kịp thời, tác động tích cực ngay tức thì và có tính lan tỏa, giúp cho thị trường BĐS sản phần nào lấy lại "niềm tin" và ổn định một bước "tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư", đồng thời tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp phải nỗ lực "tự cứu mình" để giữ "chữ tín" với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực.
Thị trường bất động sản TP HCM được kỳ vọng sẽ ổn định, phát triển bền vững hơn khi những khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ
|
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã "học được các bài học đắt giá, đáng đồng tiền bát gạo" để khắc phục các "sai lệch" trong hoạt động đầu tư kinh doanh mà trước hết là phải luôn luôn thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và không chỉ chạy theo lợi nhuận đơn thuần hoặc chỉ chăm chăm "tối đa hóa lợi nhuận" mà phải bảo đảm nguyên tắc đạt cho được điểm cân bằng, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng, để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trở lại theo hướng ngày càng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
Theo HoREA, hai năm (2022 – 2023) là "thời điểm vàng" để xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường BĐS. Đi đôi với tháo gỡ "vướng mắc" về "thủ tục hành chính" thì rất cần sớm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định.
"Do vị trí đặc biệt quan trọng của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội đề nghị Tổ công tác khẩn trương làm việc với UBND Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh trọng điểm cũng như sắp xếp gặp trực tiếp doanh nghiệp để nghe trình bày các vướng mắc, khó khăn cụ thể"- ông Châu bày tỏ.
Tin, ảnh: Sơn Nhung
Người lao động
|