Định giá ngân hàng quốc doanh Trung Quốc giảm sát mức thấp kỷ lục
Sự bi quan của giới đầu tư đối với lĩnh vực ngân hàng Trung Quốc xuống mức chưa từng thấy, với việc định giá các ngân hàng lớn nhất nước này đã chạm tới mức thấp mà các ngân hàng Mỹ từng trải qua trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Một chi nhánh của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) ở Bắc Kinh. ICBC là ngân hàng lớn nhất Trung Quốc và thế giới nếu tính theo giá trị tài sản. Ảnh: Reuters
|
Theo Bloomberg, tính đến hôm 7-11, bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Trung Quốc (BoC) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) được định giá gần mức thấp kỷ lục, với giá trị sổ sách (P/B) của họ chỉ là 0,4 trên thị trường chứng khoán Hồng Kông sau khi chỉ số ngành ngân hàng rơi xuống mức thấp nhất trong 11 năm. P/B được tính toán bằng cách lấy giá đóng cửa hiện tại của cổ phiếu chia cho giá trị sổ sách tại quí gần nhất của cổ phiếu đó.
Mức giá trị sổ sách đó gần như tương đương với mức định giá của các ngân hàng đầu tư của Mỹ bao gồm JPMorgan và Bank of America trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tình thế của các ngân hàng Trung Quốc chưa đến nỗi khó khăn giống như những bất ổn mà các ngân hàng Mỹ đối mặt cách đây hơn 10 năm. Nhưng mức định giá thấp gần đây của các ngân hàng này phản ánh tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán nói chung ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này cũng thể hiện mối lo ngại ngày càng tăng về nợ xấu khi Bắc Kinh kêu gọi các ngân hàng phải hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu.
Cho đến nay, lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc vẫn khả quan nhờ các khoản vay mới tăng vọt, nhưng họ đang đối mặt với rủi ro ngày càng tăng từ các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19 và cơn khủng hoảng bất động sản chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Shen Meng, Giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson, có trụ sở tại Bắc Kinh, nói: “Dù chúng tôi chưa chứng kiến bất kỳ dấu hiệu nào về sự suy thoái mang tính cấu trúc trong nền kinh tế đất nước, nhưng có khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chịu áp lực trong vài năm tới trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Các ngân hàng sẽ căng thẳng hơn nếu họ không thể thu hồi các khoản cho vay vào lúc đó”.
Ngoài ra, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã hoạt động kém hiệu quả trong một thời gian dài, và giờ đây càng bị căng thẳng hơn khi Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy cuộc vận động “thịnh vượng chung”. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến chỉ tăng trưởng 3,3% trong năm 2022, dưới mức mục tiêu của chính phủ là khoảng 5,5%.
Mức định giá của bốn ngân hàng quốc doanh Trung Quốc (đường màu đen) trên thị trường chứng khoán Hồng Kông rơi xuống mức tương đương với các ngân hàng Mỹ (đường màu đỏ) ở thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ảnh: Bloomberg
|
Theo chỉ đạo của Bắc Kinh, các ngân hàng quốc doanh lớn nhất bao gồm ICBC và CCB đã đã tích cực mở rộng tín dụng trong năm nay cho các doanh nghiệp tư nhân và các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng. Họ cũng tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản, có kế hoạch cung cấp tín dụng ròng thêm 85 tỉ đô la Mỹ trong bốn tháng cuối năm.
Hồi đầu tháng này, Xiao Yuanqi, Phó chủ tịch Ủy ban quản lý bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc, cho biết các khoản cho vay của 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất dành cho lĩnh vực bất động sản đang ở mức “hợp lý”, khoảng 26% trong tổng số khoản vay của họ, với phần lớn là các khoản cho vay thế chấp nhà chất lượng cao.
Nhưng rủi ro nằm ở chỗ nếu các khó khăn của lĩnh vực bất động sản lan rộng hơn trong nền kinh tế có thể sẽ khiến thua lỗ của các khoản cho vay tăng thêm. Lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 28% GDP của Trung Quốc.
Nicholas Zhu, Phó chủ tịch kiêm nhà phân tích tín dụng cấp cao tại Moody’s Investors Service, nói: “Điều đó khiến các ngân hàng Trung Quốc dễ tổn thương trước bất kỳ sự gia tăng rủi ro nào liên quan đến tăng trưởng GDP. Tỷ suất lợi nhuận ròng của họ có thể bị thu hẹp hơn nữa khi họ phải trích lập dự phòng lớn hơn cho các khoản nợ xấu và tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế”.
Các nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence cho biết giá cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc khó có thể chuyển biến tích cực trong ngắn hạn.
Cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc đã chứng kiến một đợt phục hồi nhỏ trong tháng này khi có nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc đang chuẩn bị nới lỏng chính sách “zero Covid” khi tác động của nó đối với nền kinh tế đang tăng lên. Nhưng cuối tuần trước, giới chức y tế Trung Quốc đã bác bỏ các thông tin Bắc Kinh chuẩn bị nới lỏng cách tiếp cận với Covid-19.
Thông tin đó có nghĩa là các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục phải “trả giá” trên thị trường chứng khoán do các chính sách của quốc gia. “Triển vọng định giá ngân hàng Trung Quốc chỉ có thể ổn định khi cảm nhận của thị trường về rủi ro chính sách quốc gia Trung Quốc đảo chiều”, nhà phân tích Francis Chan Chan viết trong một báo cáo nghiên cứu công bố hôm 3-11.
Trong một báo cáo gần đây, Fitch Ratings cho biết khả năng chống chịu của các ngân hàng Trung Quốc sẽ được kiểm tra thêm nếu thị trường bất động sản tiếp tục bất ổn. Grace Wu, Giám đốc cấp cao phụ trách các tổ chức tài chính tại Fitch Ratings, nói: “Điều quan trọng không phải là mức độ rủi ro có thể xảy ra với các ngân hàng Trung Quốc hiện nay, mà là thị trường bất động sản sẽ đi về đâu trong dài hạn. Nếu thị trường này tiếp tục trì trệ trong thời gian dài hơn nữa, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu và chất lượng của các khoản vay khác”.
Theo nhà phân tích Lu Manyi của Ngân hàng DBS Group, mức định giá thấp của cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc có thể mang đến cơ hội mua đầu tư dài hạn. Ông chỉ ra rằng một số ngân hàng Trung Quốc đã báo cáo tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản thấp hơn trong quí 3.
Câu hỏi đặt ra sẽ mất bao lâu trước khi các khoản đầu tư cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc mang lại lợi nhuận. Lu Manyi nói: “Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy bước ngoặt của lĩnh vực bất động sản. Đối với cổ phiếu ngân hàng, sự biến động ngắn hạn sẽ vẫn còn trước khi chúng ta thấy thêm các tín hiệu phục hồi của lĩnh vực động sản và nền kinh tế Trung Quốc”.
Lê Linh (Theo Bloomberg)
TBKTSG
|