Thứ Năm, 10/11/2022 09:52

Giới đầu tư ETF chuyển sang tâm thế lạc quan

Giới đầu tư ETF chuyển sang tâm thế lạc quan trong tháng 10, và điều này cho thấy một số nhà đầu tư đang tin rằng thị trường cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu có thể đã chạm đáy sau 12 tháng thua lỗ ròng rã.

Nhu cầu đầu tư tăng đối với một số loạt tài sản rủi ro 

Dòng vốn ròng toàn cầu đổ vào các quỹ ETF tăng vọt lên 111.5 tỷ USD, gấp 3 lần số liệu của tháng 09/2022 và là mức cao nhất kể từ tháng 03/2022, theo số liệu của BlackRock. Động lực chính đến từ nhu cầu đầu tư tăng vọt đối với một số loạt tài sản rủi ro, như cổ phiếu của thị trường mới nổi, cổ phiếu công nghệ và trái phiếu có lợi suất cao và dài hạn.

Xu hướng này trái ngược với tháng 09/2022, khi phần lớn dòng tiền lặng lẽ được chuyển vào nơi trú ẩn là các quỹ trái phiếu chính phủ Mỹ do thị trường cổ phiếu xuống dốc.

 

Todd Rosenbluth, trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty tư vấn VettaFi, cho biết: “Tháng 10 là thời điểm thuận lợi hơn để các nhà đầu tư ETF chấp nhận rủi ro. Họ sẵn sàng và thoải mái khi tìm kiếm khoản đầu tư có lợi nhuận cao hơn”.

Còn theo Karim Chedid, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của iShares ETF tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, thị trường chắc chắn đã lạc quan hơn, song mọi người nên mạo hiểm một cách có chọn lọc, thay vì đầu tư dàn trải.

Tâm lý lạc quan hơn được thể hiện rõ trên thị trường tài sản có thu nhập cố định, với tổng dòng vốn đổ vào đạt 34.2 tỷ USD trong tháng 10/2022, gấp 2.6 lần tháng 09/2022 và cũng là mức cao nhất (tính theo tháng) của năm 2022.

Đáng chú ý, ETF trái phiếu doanh nghiệp thu hút gần 50% dòng vốn đó, so với mức 22% của tháng 09/2022. Trong đó, trái phiếu lợi suất cao chiếm 7.8 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 04/2020 và trái ngược hoàn toàn với xu hướng rút ròng 19.6 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay.

Dòng vốn đổ vào các quỹ trái phiếu dài hạn với kỳ hạn từ 10 năm trở lên cũng tăng vọt lên 6.7 tỷ USD, mức cao thứ 3 trong lịch sử.

Động lực để giới đầu tư đổ vốn mạnh vào các quỹ ETF trái phiếu là kỳ vọng Fed sẽ sớm theo đuổi chính sách tiền tệ ôn hoà hơn trong thời gian tới, theo ông Rosenbluth. Làn sóng rót vốn vào ETF tiếp tục diễn ra trong tuần trước, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra thông điệp về việc giảm tốc độ tăng lãi suất.

Ngoài ra, ông Chedid cũng cho biết dòng vốn đổ vào quỹ ETF cổ phiếu của khối thị trường mới nổi cũng thu hút được 7.3 tỷ USD trong tháng 10/2022. Đây là tháng thứ 16 liên tiếp nhà đầu tư rót vốn vào tài sản này, đưa tổng dòng vốn đổ vào trong 10 tháng đầu năm nay lên 81.1 tỷ USD và có thể vượt mức kỷ lục của cả năm 2021 là 90.6 tỷ USD.

Theo ông Chedid, các thị trường mới nổi đang nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư và có thể có vị thế đầu tư tốt khi đồng USD bắt đầu đạt đỉnh.

Dòng vốn đổ vào các quỹ ETF cổ phiếu của khối thị trường mới nổi có thể vượt kỷ lục của năm 2021

Tuy nhiên, phần lớn dòng vốn dường như đến từ bên trong khối thị trường mới nổi, với các quỹ ETF được niêm yết tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm 5.1 tỷ USD trong tháng 10/2022. Trong đó, nhu cầu đầu tư được cho là phần lớn đến từ Trung Quốc, nơi mọi người vẫn bị hạn chế trong việc tiếp cận với thị trường nước ngoài.

Dòng tiền nội địa là động lực chính thúc đẩy đầu tư

Dữ liệu từ EPFR Global, một công ty chuyên theo dõi dòng tiền đầu tư toàn cầu, cho thấy khoảng 50 tỷ USD được bơm vào các quỹ cổ phiếu Trung Quốc bởi giới đầu tư giao dịch bằng nhân dân tệ trong 12 tháng qua. Giới đầu tư giao dịch bằng USD chỉ bơm vào khoảng 12 tỷ USD, và nhà đầu tư giao dịch bằng đồng EUR, yên và won rót tổng cộng 5 tỷ USD.

“Điều này cho thấy dòng tiền nội địa là động lực thúc đẩy dòng chảy đầu tư gần đây, trong khi dòng tiền USD lại rút bớt kể từ mùa hè năm nay. Việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn đã mang đến cơ hội cho nhà đầu tư trong nước, đặc biệt trong bối cảnh các lựa chọn thay thế như bất động sản, trái phiếu có vẻ không hấp dẫn”, Cameron Brandt, giám đốc nghiên cứu của EPFR, nhận định.

Nói chung với các quỹ ETF cổ phiếu của khối thị trường mới nổi, ông Rosenbluth cho biết: “Chúng tôi nhận thấy dòng tiền đang quay trở lại. Nếu Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, thị trường cổ phiếu của khối mới nổi sẽ được hỗ trợ lớn”.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, tổng dòng vốn đổ vào các quỹ cổ phiếu niêm yết tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi đạt 11.7 tỷ USD, và có thể vượt mức 12.3 tỷ USD của năm ngoái. Song, các quỹ ETF theo dõi cổ phiếu của riêng thị trường châu Âu lại ghi nhận dòng vốn ròng chảy ra là 15 tỷ USD trong cùng kỳ.

Theo ông Chedid, sự chênh lệch dòng vốn vào các quỹ ETF cổ phiếu Mỹ và châu Âu đang ở mức lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Xét theo lĩnh vực, các quỹ ETF công nghệ hút ròng 6.1 tỷ USD trong tháng 10/2022, mức cao nhất kể từ tháng 03/2022. Tuy nhiên, ông Chedid vẫn cảnh báo về nguy cơ đảo chiều khi một số công ty công nghệ lớn đưa ra dự báo lợi nhuận suy yếu trong vài ngày gần đây.

Kim Dung (Theo FT)

FILI

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới ổn định gần đỉnh 1 tháng (10/11/2022)

>   Dầu giảm khi dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng (10/11/2022)

>   Tài sản của Elon Musk "bốc hơi" gần 50% (09/11/2022)

>   Kerry Express cắt giảm chi phí, tăng cường hợp tác với các công ty Trung Quốc (09/11/2022)

>   ECB có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất tới giữa năm 2023 (09/11/2022)

>   Bloomberg: Nhà Trắng kín đáo yêu cầu các ngân hàng Mỹ làm việc với Nga (09/11/2022)

>   Vàng thế giới vọt hơn 2% lên trên mốc 1,700 USD/oz (09/11/2022)

>   Dầu giảm 2% do lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc (09/11/2022)

>   Tập đoàn tài chính Nhật từng đầu tư vào FE Credit tăng nắm cổ phần một ngân hàng Philippines (08/11/2022)

>   Nhân dân tệ lao dốc, đồng tiền châu Á nào bị ảnh hưởng nhất? (08/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật