Thứ Ba, 29/11/2022 09:37

CPI tháng 11 tăng 0.39% so với tháng trước

Giá xăng dầu trong nước điều chỉnh theo giá thế giới, giá thuê nhà tăng do nhu cầu của người dân tăng cao là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0.39% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 11 tăng 4.56% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4.37%.

Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3.02% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2.38%.

Trong mức tăng 0.39% của CPI tháng 11/2022 so với tháng trước có 08 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 03 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Tám nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:

  • Nhóm giao thông tăng cao nhất với 2.23% (làm CPI chung tăng 0.22 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 01/11/2022, 11/11/2022 và 21/11/2022 làm cho giá xăng dầu tăng 5.83% (xăng tăng 5.84%; dầu diezen tăng 5.25%). Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phương tiện đi lại tăng 0.15%; phụ tùng tăng 0.16%; dịch vụ khác với phương tiện vận tải cá nhân tăng 0.15%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 0.14%.
  • Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0.97% (làm CPI chung tăng 0.18 điểm phần trăm) do nhu cầu thuê nhà tăng cao làm giá tiền thuê nhà ở tăng 1.54%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0.45% do công sơn và xây tường, lát gạch, công lao động phổ thông tăng, nhu cầu sửa chữa và xây dựng nhà vào cuối năm tăng cao; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0.28% do giá xi măng, gạch xây, gạch bê tông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; giá gas tăng 5% do từ ngày 01/11/2022, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 20,000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 35 USD/tấn (từ mức 575 USD/tấn lên mức 610 USD/tấn); giá dầu hỏa tăng 7.02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá ngày 01/11/2022, 11/11/2022 và 21/11/2022. Ở chiều ngược lại, giá nước và giá điện sinh hoạt lần lượt giảm 0.09% và 1.79% do thời tiết mát mẻ nên nhu cầu sử dụng điện, nước giảm.
  • Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0.26% do nhu cầu tiêu dùng và tỷ giá đô la Mỹ tăng cao.
  • Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0.22% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí vận chuyển và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng.
  • Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cùng mức tăng 0.22% tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức tăng 1.08%; cắt tóc, gội đầu tăng 0.23%; dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 0.1%; đồng hồ đeo tay tăng 0.56%.
  • Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0.21% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Giá tủ lạnh tăng 0.16%; máy hút bụi tăng 0.25%; bình nóng lạnh tăng 0.14%; máy in, máy chiếu và máy quét tăng 0.13%; máy xay sinh tố, ép hoa quả tăng 0.18%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0.26%; giường, tủ, bàn ghế tăng 0.26%; bếp gas tăng 0.1%... Ở chiều ngược lại, giá máy điều hòa nhiệt độ giảm 0.22%; máy vi tính và phụ kiện để bàn giảm 0.05%.
  • Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cùng mức tăng 0.21% do dịch vụ văn hóa tăng 0.28%; trong tháng có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 làm nhu cầu mua hoa tăng khiến chỉ số giá nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 1.91%; giá vé xem phim, ca nhạc tăng 0.82%; đồ chơi tăng 0.29%.
  • Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0.06%.

Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm:

  • Nhóm giáo dục giảm 0.63% (làm CPI chung giảm 0.04 điểm phần trăm), trong đó chỉ số giá dịch vụ giáo dục giảm 0.71% chủ yếu do thành phố Hà Nội thực hiện hỗ trợ học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, các trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên theo Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022, theo đó chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục của Hà Nội giảm 9.54%, tác động làm giảm chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục cả nước.
  • Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0.07% (làm CPI giảm 0.02 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực tăng 0.59% (tác động CPI chung tăng 0.02 điểm phần trăm) chủ yếu do các nhà xuất khẩu tăng cường thu mua lúa từ nông dân để hoàn thành các hợp đồng đã ký, đồng thời tỷ giá USD tăng làm cho giá gạo xuất khẩu tăng cao đã khuyến khích các nhà xuất khẩu đẩy mạnh bán hàng ra nước ngoài; thực phẩm giảm 0.3% (tác động CPI chung giảm 0.06 điểm phần trăm) do tình hình chăn nuôi ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng so với cùng kỳ năm 2021, thời tiết ấm áp thuận lợi cho việc thu hoạch rau xanh nên giá một số mặt hàng giảm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0.22% (tác động CPI chung tăng 0.02 điểm phần trăm).
  • Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0.02%.

Lạm phát cơ bản tháng 11/2022 tăng 0.43% so với tháng trước, tăng 4.81% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2.38% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3.02%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Khang Di

FILI

Các tin tức khác

>   Đến lúc nới tín dụng? (29/11/2022)

>   Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội: Chỉ xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng (28/11/2022)

>   Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, chuẩn bị kỳ họp bất thường, kỳ họp thứ 5 Quốc hội (28/11/2022)

>   Ba kịch bản dự báo 'sức khỏe' của đầu tàu kinh tế TPHCM năm 2023 (24/11/2022)

>   Financial Times: Việt Nam dẫn đầu toàn cầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số hóa (22/11/2022)

>   Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam? (22/11/2022)

>   Tỉnh nào đang có thu nhập bình quân cao nhất nước? (22/11/2022)

>   Chính phủ sẽ mạnh dạn cho các địa phương Vùng Tây Nguyên thí điểm chính sách đặc thù (20/11/2022)

>   Nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận qua đời vì tai nạn (20/11/2022)

>   Tổng Bí thư: Kẻ phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài vẫn bị điều tra, xét xử (18/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật