Thứ Ba, 08/11/2022 16:05

Coi chừng cú sốc lãi suất

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của hệ thống vẫn giữ nguyên mục tiêu 14% từ đầu năm và kế hoạch tăng trưởng của các ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ, làn sóng tăng lãi suất quá nhanh trong hai tháng vừa qua khiến không ít người bối rối.

Cuộc đua lãi suất

8% lên 8,5%, rồi sau đó là 9% và mới đây nhất đã vượt mốc 10%, đó là mức lãi suất huy động cao nhất mà các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh trong thời gian gần đây. Một cuộc đua lãi suất mới đang diễn ra và xu hướng lãi suất đang là tâm điểm của nền kinh tế trong những ngày qua.

Sau mỗi động thái điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại nhanh chóng thiết lập mặt bằng lãi suất tiền gửi mới, ban đầu là điều chỉnh lãi suất kỳ hạn dưới sáu tháng và kế tiếp là các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên.

Tính đến cuối tháng 10-2022, lãi suất tiền gửi bình quân của 35 ngân hàng nội địa ở kỳ hạn 1-5 tháng đã tăng thêm 194 điểm cơ bản (bps) so với thời điểm cuối tháng 8, kỳ hạn từ 6 tháng – 12 tháng tăng thêm 130 bps, còn kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tăng thêm 140 bps.

Có thể thấy gần như tất cả ngân hàng đều đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng tương ứng với mức tăng thêm 2 điểm phần trăm theo quy định trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn của NHNN.

Cụ thể, hiện có đến 16 ngân hàng, tức hơn 50% tổng số ngân hàng thương mại nội địa, đang niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng kịch trần ở mức 6%/năm, còn nếu xét theo kỳ hạn ba tháng thì 20 ngân hàng niêm yết kịch trần. Kỳ hạn sáu tháng cao nhất hiện ở mức 8%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng cao nhất là 8,8%/ năm.

Chứng kiến lãi suất liên tục tăng, khách hàng dễ có xu hướng ưu tiên gửi tiền ở kỳ hạn ngắn để chờ đợi diễn biến tiếp theo. Khi đó, tỷ trọng, cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn của các ngân hàng có thể thay đổi và ảnh hưởng lên các tỷ lệ an toàn.

Dù vậy, đó chỉ là khung lãi suất niêm yết cơ bản của các ngân hàng, vì một số ngân hàng có chính sách cộng thêm lãi suất cho khách hàng tùy theo sản phẩm, số tiền gửi hoặc thời gian gửi.

Đơn cử như Ngân hàng Quốc dân hôm 29-10 công bố mức lãi suất huy động lên tới 10,5%/năm cho các khách hàng gửi từ 500 tỉ đồng trở lên với kỳ hạn 12 tháng. Ngay ngày hôm sau, ngân hàng Nam Á công bố lãi suất 11% áp dụng cho ba tháng đầu đối với sản phẩm tiền gửi Happy Future kỳ hạn chín tháng, còn sáu tháng cuối có lãi suất 5,95%/năm.

Đáng lưu ý là đã có dấu hiệu cho thấy nhân viên một số tổ chức sẵn sàng thỏa thuận lãi suất với khách hàng ngoài khung lãi suất đang niêm yết, đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, do các kỳ hạn này không bị ràng buộc bởi quy định trần lãi suất.

Điều này cho thấy bên cạnh cuộc cạnh tranh huy động vốn quyết liệt đang diễn ra, còn có một làn sóng ngầm dịch chuyển ở xu hướng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng mà khó nhận diện hơn nhiều.

Áp lực từ đâu?

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của hệ thống vẫn giữ nguyên như mục tiêu 14% và kế hoạch tăng trưởng của các ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ, làn sóng tăng lãi suất quá nhanh trong hai tháng vừa qua khiến không ít người bối rối.

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố đã tác động đến xu hướng này, nhất là trong bối cảnh các chỉ số vĩ mô đang có những chuyển biến phức tạp và chịu ảnh hưởng đáng kể từ kinh tế toàn cầu.

Đầu tiên là việc NHNN đã chính thức đảo chiều chính sách tiền tệ, khi quyết định ngừng nới lỏng chính sách vì e ngại những bất ổn. Không chỉ tăng lãi suất điều hành thêm 2 điểm phần trăm chỉ trong vòng một tháng, NHNN còn mạnh tay thắt chặt cung tiền khiến thanh khoản hệ thống không ít thời điểm chịu áp lực.

Mới đây nhất, trong tuần từ 24-10 đến 28-10, NHNN đã hút ròng gần 35.923 tỉ đồng qua kênh tín phiếu và thị trường mở, tiếp nối mức hút ròng hơn 120.800 tỉ đồng trong tuần trước đó.

Đánh giá về các đợt tăng lãi suất, Thống đốc NHNN mới đây lý giải trước tình hình thị trường tiền tệ, ngoại hối biến động mạnh trong tháng 10, trên thị trường có thông tin không đúng sự thật, tác động mạnh tới hoạt động của các tổ chức tín dụng, cũng như diễn biến trên thị trường ngoại tệ tỷ giá tăng rất cao, vì vậy ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất để kiểm soát tỷ giá.

Yếu tố thứ hai chính là những thông tin tiêu cực liên quan đến hoạt động của ngân hàng SCB cũng đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động gửi tiền của toàn hệ thống, khiến các ngân hàng cũng phải chịu áp lực tăng lãi suất để thu hút và giữ chân khách hàng tiền gửi.

Không chỉ vậy, thị trường liên ngân hàng cũng bị tác động khi các ngân hàng lớn e ngại rủi ro và thắt chặt hạn mức giao dịch, khiến các ngân hàng có thanh khoản đang căng thẳng không thể tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng, buộc phải tăng cường huy động trên thị trường dân cư bằng cách tăng lãi suất.

Yếu tố thứ ba đến từ những bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gần đây, sau sự kiện Tân Hoàng Minh rồi tiếp đến là Vạn Thịnh Phát, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và có nhu cầu muốn bán lại TPDN trước hạn.

Về phần mình, các doanh nghiệp đã phát hành cũng muốn mua lại trái phiếu trước hạn vì lo sợ vi phạm những quy định mới được sửa đổi theo Nghị định 65/2022. Hệ quả là để có tiền mua lại trái phiếu trước hạn, các tổ chức tìm đến kênh tín dụng của các ngân hàng, trong khi chính các ngân hàng có lẽ cũng chịu áp lực về vốn để mua lại trước hạn các trái phiếu do chính mình phát hành cũng như tư vấn, bảo lãnh và phân phối cho doanh nghiệp phát hành.

E ngại cú sốc lãi suất

Dù lý do là gì, nhưng rõ ràng khi mặt bằng lãi suất tiền gửi đi lên, lãi suất cho vay khó lòng đứng yên, chứ đừng nói đến việc giảm thêm như mong muốn đặt ra hồi đầu năm nay của các cơ quan quản lý. Thực tế trong những tuần qua, nhiều ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay theo chi phí vốn gia tăng.

Một biểu hiện rõ nhất là nhìn vào lãi suất cơ sở của các ngân hàng, được sử dụng để tham chiếu tính toán lãi suất cho vay. Trong đó, có ngân hàng đang sử dụng lãi suất cao nhất ở tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng để làm lãi suất tham chiếu, và sự điều chỉnh tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn này là minh chứng rõ ràng nhất.

Dĩ nhiên lãi suất đầu ra phải tăng theo lãi suất đầu vào, nhưng nếu lãi suất đầu vào tăng quá nhanh như hiện nay, có thể mang đến những cú sốc cho nền kinh tế.

Thứ nhất, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái, kinh tế trong nước vẫn tiềm ẩn những bất ổn khó lường, lãi suất tăng nhanh càng khiến các doanh nghiệp đối mặt thêm khó khăn, gia tăng gánh nợ chi phí lãi vay, do đó không dám mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí là thu hẹp quy mô.

Đáng lưu ý là trong bối cảnh chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất 2% vẫn đang giải ngân rất chậm, trong đó có không ít doanh nghiệp đã không còn mặn mà vì quá khó tiếp cận, nay với xu hướng lãi suất tăng lên quá nhanh, hiệu quả của chương trình này có thể suy giảm.

Cụ thể, nếu như lãi suất cho vay bình quân trước đây ở mức 9%, doanh nghiệp được hỗ trợ 2%, thì lãi suất vay vốn là 7%. Nhưng lãi suất cho vay bình quân giờ đây đã tăng lên 11%, nên doanh nghiệp dù được hỗ trợ lãi suất 2% thì mức lãi suất vay vốn lúc này đã là 9%, chẳng khác nào so với trước khi được hỗ trợ.

Thứ hai là nhiều TPDN áp dụng lãi suất thả nổi theo thị trường, nên những doanh nghiệp đã phát hành các loại trái phiếu này có lẽ cũng đang đối mặt với thách thức không hề nhỏ khi chi phí trả lãi cho trái chủ chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Cuối cùng, lãi suất tăng quá nhanh cũng có thể tác động đến tâm lý, hành vi người gửi tiền, từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền gửi tại các ngân hàng. Cụ thể, chứng kiến lãi suất liên tục được điều chỉnh tăng, khách hàng dễ có xu hướng ưu tiên gửi tiền ở kỳ hạn ngắn, do đó các khoản tiền gửi trung và dài hạn trước đây nếu đáo hạn có thể được tập trung vào kỳ hạn ngắn để chờ đợi diễn biến tiếp theo. Khi đó, tỷ trọng, cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn của các ngân hàng có thể thay đổi và ảnh hưởng lên các tỷ lệ an toàn.

Tuệ Nhiên

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tập đoàn tài chính Nhật từng đầu tư vào FE Credit tăng nắm cổ phần một ngân hàng Philippines (08/11/2022)

>   CTS: Tỷ giá USD/VND ổn định và giảm dần trong nửa cuối năm 2023 (08/11/2022)

>   Gửi tiền online: Rủi ro đã bắt đầu (08/11/2022)

>   SeABank 5 lần liên tiếp lọt Top 50 doanh nghiệp có lợi nhuận xuất sắc Việt Nam năm 2022 (08/11/2022)

>   Nhận nhiều ưu đãi khi sử dụng thẻ ghi nợ nội địa SHB tại Hàn Quốc (08/11/2022)

>   Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu SCB không né tránh người dân (08/11/2022)

>   8 nhiệm vụ của ngành Ngân hàng triển khai chiến lược kinh tế số (08/11/2022)

>   Đầu tháng 11, cuộc đua lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp diễn (08/11/2022)

>   HDBank nhận cùng lúc 2 giải thưởng từ Tổ chức thẻ quốc tế Visa (07/11/2022)

>   Hoạt động ngoại hối tấp nập trong hệ thống ngân hàng, điều gì đang xảy ra? (07/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật