Alibaba Group bất ngờ lỗ trong quý 3/2022
Alibaba Group Holding vừa báo cáo khoản lỗ bất ngờ trong quý 3/2022 với doanh thu gần như không tăng trưởng do các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 tiếp tục kéo giảm tâm lý của người tiêu dùng.
“Gã khổng lồ” về thương mại điện tử của Trung Quốc ghi nhận khoản lỗ ròng 20.6 tỷ nhân dân tệ trong quý 3/2022, trái ngược hoàn toàn với dự báo lãi ở mức gần tương đương. Doanh thu tăng 3%, thấp hơn dự kiến, lên 207.2 tỷ nhân dân tệ (29 tỷ USD) do doanh số của mảng điện toán đám mây – từng là động lực tăng trưởng lớn nhất của Alibaba – tăng chậm nhất lịch sử.
Alibaba thua lỗ dù đã thoái bớt vốn ở khắp danh mục đầu tư, từ Didi Global Inc. tới GoTo của Indonesia. Tập đoàn này cũng bật đèn xanh cho việc mở rộng quy mô chương trình mua lại từ 15 tỷ USD lên 25 tỷ USD và gia hạn đến năm 2025.
Alibaba đang tập trung vào việc củng cố lợi nhuận sau thuế khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị kìm hãm bởi các chính sách liên quan tới COVID-19 và chống độc quyền của chính phủ. Tháng 11/2022, lần đầu tiên sau 14 năm, tập đoàn đã không tiết lộ doanh số bán hàng đầy đủ trong lễ độc thân 11/11 đặc trưng của họ. Trong khi đó, doanh số bán lẻ của cả Trung Quốc trong tháng 10/2022 giảm 0.5%, ghi nhận tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2022 và tệ hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Tuy nhiên, giới đầu tư chỉ ra những dấu hiệu cho thấy chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đang dần rút lui khỏi chính sách Zero Covid, giúp giải quyết phần nào các vấn đề về logistics đang đè nặng lên hoạt động kinh doanh của Alibaba. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang ngày càng ủng hộ các công ty công nghệ.
Giá cổ phiếu công nghệ ở Trung Quốc đã phục hồi, lấy lại một phần những gì đã mất trong tháng 11/2022, sau khi chính phủ điều chỉnh chính sách Zero Covid, công bố gói cứu trợ thị trường bất động sản và đưa ra nhiều nhượng bộ hơn để hợp tác với Mỹ. Những thay đổi này đang dấy lên đồn đoán rằng Bắc Kinh sẽ bắt đầu nới lỏng cho khu vực tư nhân.
Từng là công ty giá trị nhất Trung Quốc, Alibaba đã mất khoảng 600 tỷ USD về giá trị thị trường kể từ khi Bắc Kinh siết quy định với khu vực tư nhân từ gần hai năm trước. Chính phủ đã buộc công ty tài chính của họ, Ant Group, phải huỷ bỏ đợt IPO bom tấn vào năm 2020, sau đó đưa ra loạt cải cách nhằm thu hẹp mô hình kinh doanh của Alibaba.
Mặc dù doanh số bán hàng trong lễ độc thân của Alibaba được công bố là đi ngang với năm ngoái, dù không có con số chi tiết, song những đối thủ nhỏ hơn như JD.com Inc. đang vượt qua Alibaba về tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng và lập một kỷ lục khác trong lễ hội mua sắm 11/11.
Các đối thủ mới nổi, bao gồm cả các nền tảng chia sẻ video ngắn, cũng đang thu hút người dùng từ Alibaba. Số lượng người bán hàng tham gia lễ độc thân từ ngày 31/10 đến ngày 11/11 trên Douyin, phiên bản của TikTok tại Trung Quốc, đã tăng khoảng 86% so với năm ngoái. Jefferies ước tính số lượng người mua trên Kuaishou vào cùng sự kiện cũng tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi tăng trưởng ở thị trường trong nước trì trệ, Alibaba quay sang hồi sinh hoạt động ở nước ngoài, vốn đã chậm lại trong vài năm gần đây do bị cạnh tranh bởi Amazon và Shopee của Sea.
Công ty con của Alibaba, Lazada, đang chuẩn bị thâm nhập vào thị trường châu Âu, sau khi thành công ở Đông Nam Á. Trong khi đó, thị trường Mỹ tương đối dè dặt hơn.
Chính phủ Mỹ đã bổ sung Alibaba vào danh sách các công ty phải đối mặt với việc bị loại khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ do tranh chấp kiểm toán lâu nay giữa hai nước. Hiện, tập đoàn này đang tìm cách IPO tại Hong Kong để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến từ đại lục hơn, đồng thời vẫn duy trì trạng thái niêm yết ở New York. Ngày 17/11, Alibaba cho biết việc chuyển đổi niêm yết tại Hong Kong sẽ không thể hoàn thành vào cuối năm 2022 như kế hoạch vì cần phải tuân thủ các quy định sửa đổi của địa phương.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|