Thứ Bảy, 29/10/2022 18:00

TPHCM 'xin giảm' 600 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương

TPHCM đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 với nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương với tổng số vốn đề xuất giảm là 600 tỷ đồng cho Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM (giai đoạn 2), Dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án phát triển giao thông xanh của TPHCM.

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo tình hình giải ngân và đăng ký điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương của TPHCM.

Theo đó, kế hoạch vốn đã giao TPHCM trong năm 2022 đối với vốn ODA là hơn 8.000 tỷ đồng, vốn đối ứng là hơn 1.770 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế giải ngân 9 tháng năm 2022 của thành phố đối với vốn vay ODA là gần 2.400 tỷ đồng (mới đạt 29,84% so với kế hoạch vốn được giao) và vốn đối ứng là gần 270 tỷ đồng (mới đạt 15,18% so với kế hoạch vốn được giao).

Đáng lưu ý, lũy kế giải ngân 9 tháng đầu năm 2022 đối với dự án Vệ sinh môi trường TPHCM - giai đoạn 2 (Vốn ODA từ Ngân hàng thế giới) mới đạt hơn 90 tỷ đồng trong tổng vốn kế hoạch năm 2022 được giao là 800 tỷ đồng. Riêng Dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án phát triển giao thông xanh TPHCM chưa giải ngân được đồng nào (giải ngân 0 đồng) trong tổng vốn kế hoạch vốn năm 2022 được giao là 50 tỷ đồng.

Về nguyên nhân chậm giải ngân, UBND TPHCM cho biết, dự án Vệ sinh môi trường TPHCM - giai đoạn 2 có một số khó khăn trong quá trình thi công, hoàn chỉnh thủ tục thanh toán. Cụ thể: Gói thầu XL-01 tiến độ thi công chậm do “vướng” công tác nghiệm thu nên chưa thanh toán được tiền giữ lại của gói thầu. Các gói thầu XL-05, XL-07 thì vướng hạ tầng kỹ thuật và mặt bằng trùng lắp giữa hai dự án nên phải phối hợp để xử lý. Đến thời điểm hiện tại TPHCM vẫn chưa giải quyết xong và chưa triển khai thi công được…

Dự án vệ sinh môi trường TPHCM - giai đoạn 2 chậm giải ngân do nhiều gói thầu bị vướng các công trình hạ tầng khác.

Đối với Dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án phát triển giao thông xanh TPHCM, UBND TPHCM đã phê duyệt điều chỉnh, gia hạn thời gian hoàn thành đến ngày 31/12/2023. Trong thời gian chủ dự án phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện các thủ tục gia hạn Hiệp định viện trợ, ngày 1/7/2022, Ngân hàng Thế giới có thư gửi Bộ Tài chính báo việc ngừng giải ngân khoản tín dụng cho Dự án phát triển giao thông xanh TPHCM và chưa xem xét việc gia hạn Hiệp định viện trợ cho dự án này.

Từ những nguyên nhân nói trên, UBND TPHCM đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 đối với nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương với tổng số vốn đề xuất giảm là 600 tỷ đồng cho 2 dự án nêu trên. Cụ thể, cắt giảm 550 tỷ đồng cho Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM - giai đoạn 2 và 50 tỷ đồng cho dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án phát triển giao thông xanh TPHCM.

Dự án Phát triển giao thông xanh TPHCM là một trong những dự án trọng điểm về giao thông công cộng của thành phố có tổng vốn đầu tư hơn 137 triệu USD (trong đó 124 triệu USD sử dụng vốn vay ODA ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và 13,5 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của TPHCM). Nhiệm vụ chính của dự án là xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 với tổng chiều dài 23 km, trên đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ.

Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM có hai giai đoạn. Ở giai đoạn 1 hoàn thành từ năm 2012 đã xây dựng tuyến ngầm dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và cải tạo hệ thống thoát nước, nước thải từ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (các quận 1, 2, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận). Từ đó góp phần chỉnh trang đô thị và nước thải được chuyển về trạm bơm xả ra sông Sài Gòn thông qua một cửa xả ngầm.

Ở giai đoạn 2, dự án có tổng mức vốn đầu tư 11.100 tỷ đồng (tương đương hơn 520 triệu USD) vừa được UBND TP.HCM phê duyệt. Công trình sẽ xây dựng tuyến cống bao (có đường kính 3.200 mm) dài khoảng 8km từ giếng bờ Đông đến nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại Quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức).

Đồng thời, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè có công suất 480.000 m3/ngày và xây dựng mạng lưới cống thoát nước cấp 2, cấp 3 và hệ thống đấu nối hộ gia đình tại Quận 2 cũ. Mục tiêu của dự án là cải thiện, nâng cao sức khỏe đời sống của người dân TP HCM, khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai.

Ngân hàng thế giới đã tài trợ cho dự án 450 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách là hơn 70 triệu USD, theo kế hoạch ban đầu, công trình sẽ thực hiện năm 2015-2020.

Hiện nay, TPHCM đang triển khai thực hiện 7 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, trong đó, có 5 dự án nhóm A (4 dự án có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng) và 2 dự án nhóm B.

Huy Thịnh

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Hơn 13 ngàn doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2022 (29/10/2022)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục hồi phục và tăng 3% so với tháng trước (29/10/2022)

>   10 tháng năm 2022, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 22.46 tỷ USD (28/10/2022)

>   Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng 2022 chưa đạt 50% so với kế hoạch (28/10/2022)

>   Những thách thức chờ Bộ trưởng Bộ GTVT: Sức ép tiến độ ở dự án cao tốc (28/10/2022)

>   Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố 02 bị can trong vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao (27/10/2022)

>   Đặng Như Quỳnh khai tung tin thất thiệt về chủ tịch Tập đoàn Gelex (27/10/2022)

>   Chưa có lịch nghỉ Tết, vé máy bay, tàu xe đã 'nóng' (27/10/2022)

>   Bắt tạm giam giám đốc và nhân viên công ty vận tải hút trộm 80 tấn dầu (27/10/2022)

>   Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải: Cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế số (27/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật