Nghịch lý trong nền kinh tế Mỹ
Tỷ lệ thất nghiệp giảm thường là tin tốt với nền kinh tế. Nhưng lần này, tin tốt của thị trường lao động Mỹ lại khiến chứng khoán đỏ lửa.
Đây không phải lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chứng khoán không phải phong vũ biểu của nền kinh tế. Ảnh: Reuters.
|
Theo CNN, báo cáo việc làm được Bộ Lao động Mỹ công bố vào cuối tuần trước đã làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất để đối phó với lạm phát tăng cao.
Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 của Mỹ là 3,5%, thấp hơn mức dự báo 3,7% trong cuộc khảo sát của Dow Jones. Một phần nguyên nhân là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm xuống 62,3%, quy mô lực lượng lao động thu hẹp 57.000 người.
Tăng trưởng bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 9 đã giảm tốc so với 315.000 của tháng 8, và là mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 4/2021, nhưng vẫn đạt 263.000.
Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 của Mỹ thấp hơn dự báo trước đó. Ảnh: Reuters.
|
Cuộc chiến của Fed
Tỷ lệ thất nghiệp thấp thường được coi là một tín hiệu tích cực. Nhưng khi đi cùng với tăng trưởng tiền lương trên mức trung bình và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm, phép tính sẽ thay đổi.
Điều này dẫn đến việc, những gì thường được coi là "tin tốt" giờ trở thành tin xấu.
Sau báo cáo việc làm của Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước với mức giảm 2,11%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 và Nasdaq lao dốc lần lượt 2,8% và 3,8%.
Chúng ta đang mắc kẹt trong một tình huống kỳ lạ
Ông Bill Northey - Giám đốc đầu tư cấp cao tại US Bank Wealth Management
|
Theo ông Bill Northey - Giám đốc đầu tư cấp cao tại US Bank Wealth Management, ngân hàng trung ương Mỹ đang cố gắng giảm tốc tăng trưởng kinh tế thông qua một loạt đợt tăng lãi suất mạnh tay. Tuy nhiên, việc thị trường lao động vẫn chống chịu tốt phát đi tín hiệu Fed có thể phải hành động quyết liệt hơn nữa.
"Chúng ta đang mắc kẹt trong một tình huống kỳ lạ", ông nhận xét.
"Fed chắc chắc không muốn thị trường việc làm và nền kinh tế sụp đổ. Họ đang cố kiểm soát sự sụt giảm", ông Scott Ladner - Giám đốc đầu tư tại Horizon Investments - bình luận. Theo ông, ngân hàng trung ương muốn nền kinh tế và thị trường lao động hạ nhiệt nhưng chỉ một chút.
Nhưng rất khó để đạt được điều này. Số vị trí trống đã giảm 1,1 triệu trong tháng 8, nhưng vẫn vượt xa số người tìm việc làm.
"Kịch bản mà Fed mong muốn là giữ một thị trường lao động mạnh mẽ, nhưng cắt giảm số vị trí trống", chiến lược gia Quincy Krosby tại LPL Financial bình luận.
Tuy nhiên, số vị trí trống giảm đi không đủ để tạo áp lực lên tiền lương. Nhu cầu tuyển dụng tăng cao buộc các công ty phải tăng lương để thu hút và giữ chân nhân tài. Giới quan sát cho rằng lạm phát tiền lương rất nguy hiểm bởi một khi đã tăng, lương khó giảm trở lại.
Tạo thêm áp lực
Thu nhập trung bình của người Mỹ (tính theo giờ) tăng 0,3% so với tháng 8 và 5% so với một năm trước đó, cao hơn nhiều thời kỳ trước dịch.
"Điều này khiến kịch bản Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 càng trở nên chắc chắn hơn", ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial - bình luận.
"Báo cáo cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ vẫn có thể chống chịu trước những khó khăn do xung đột Nga - Ukraine, lãi suất tăng cao và thị trường nhà ở suy yếu", ông Roach bình luận.
"Lạm phát có thể giảm từ giờ, nhưng không rõ chúng ta có thể đưa lạm phạm về mức mục tiêu 2% hay không. Hai vấn đề này rất khác nhau", ông Chris Zaccarelli - Giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance - bình luận.
Tiền lương đi lên tạo thêm áp lực cho lạm phát. Ảnh: Reuters.
|
Fed đã giảm lãi suất xuống gần 0 trong đại dịch. Đến nay, lãi suất điều hành của Mỹ tăng lên 3-3,25%. Dot plot - biểu đồ chấm thể hiện kỳ vọng của các thành viên FOMC - cho thấy cơ quan hoạch định chính sách của Fed không có ý định cắt giảm lãi suất trước năm 2024.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát yêu thích của Fed - đã tăng 6,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ đã tăng lần lượt 0,1% và 8,3% so với tháng 7 và tháng 8/2021, vượt dự báo của giới quan sát.
"Vấn đề nằm ở chỗ người tiêu dùng có nhiều cơ hội việc làm và có tiền tiết kiệm. Đó đều là những điều tuyệt vời, nhưng sẽ không tốt cho việc kìm hãm lạm phát", ông Zaccarelli nói thêm.
Thảo Phương
ZING
|